Chứng khoán ngày 27/7: Hướng tới một khẳng định
Sau tròn 1 tháng, thị trường chính thức khơi lại sự bùng nổ của nguồn tiền, hướng tới một khẳng định cần thiết.
Hai phiên tăng điểm mạnh mẽ cuối tuần trước đã thực sự khuất phục các dòng tiền cố thủ. Dường như sự thận trọng, dè chừng của nhiều nhà đầu tư về đợt sóng này đã được thay thế bằng tâm lý hứng khởi và tin tưởng. Tất nhiên, những chênh lệch đã bắt đầu lớn cũng thúc đẩy hoạt động chốt lời ngắn hạn. Mua và bán đã thực sự gặp nhau để tạo một phiên giao dịch bùng nổ trên cả HOSE và HNX.
Giá và điểm đã tăng, thị trường chỉ còn chờ đợi sự trở lại của khối lượng. Và sáng nay, sự chờ đợi đó đã được đáp ứng hơn cả mong đợi nếu nhìn lại dự báo từ một số nhà môi giới trước giờ mở cửa. Tín hiệu đã trở nên rõ ràng khi phải mất tròn 1 tháng nhà đầu tư mới bước vào một tuần mới cởi mở như vậy. Gần 12,5 triệu đơn vị, 416,68 tỷ đồng là sự đột biến của kết quả trong đợt 1 trên HOSE. Mua bán đã có thể dễ dàng hơn sau phiên kẹt cửa mua vào cuối tuần qua.
Đã quá quen với sự sôi động của nguồn tiền cực lớn trong tháng 5 và 6 trước đó, nhưng không khỏi choáng ngợp với sự bùng nổ của HOSE và HNX sau sự khởi đầu ấn tượng đó. Kết thúc khớp lệnh liên tục, HOSE đã dồn giá trị giao dịch thành công lên con số 2.000 tỷ đồng, một giá trị chưa thể tạo được kể từ sau ngày 25/6/2009. Tính toàn phiên trên cả hai sàn, tổng giá trị đạt tới gần 3.200 tỷ đồng!
Ngoài giá trị điểm số của Index, giá chứng khoán, con số trên bước đầu tạo cơ sở cho một khẳng định cần thiết: nguồn tiền cho thị trường vẫn rất mạnh, thường trực và chỉ chờ cơ hội để bùng nổ. Chưa thể sớm kết luận, nhưng điều đó đang hạn chế bớt lo ngại về khả năng nguồn tiền lớn đã rút khỏi thị trường trong thời gian qua.
Sau phiên 100% mã tăng giá, trên HOSE, sự chọn lọc cũng đã trở lại khi nhiều cổ phiếu đã đảo chiều hoặc trụ ở giá tham chiếu. ANV giảm sàn khi có kết quả kinh doanh lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ hơn 80 tỷ đồng. Ngược lại, trong loạt thông tin công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết cuối tuần qua, phần lớn đều là những kết quả khả quan, tiếp tục là một yếu tố tích cực ở thời điểm này.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã có một tuần tăng điểm ấn tượng, cũng là một yếu tố hỗ trợ nổi bật đối với chứng khoán trong nước hiện nay.
Và bước vào tuần mới, nhà đầu tư bắt đầu có những chỉ số cơ bản của kinh tế vĩ mô tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Hiện chỉ số CPI, tình hình xuất nhập khẩu đã lần lượt được công bố. Trước mắt sự kỳ vọng về hướng cải thiện nhanh của tình hình xuất khẩu vẫn chưa hiện thực, trong khi đó sự gia tăng của nhập siêu đang là một yếu tố được quan tâm…
Còn trên sàn, thời điểm này cụ thể hơn hết là những chênh lệch có được qua 3 phiên lên giá mạnh; hoạt động chốt lời đang thể hiện. Nhưng một nguồn tiền lớn cũng đã tự tin vào sàn để tiếp tục thúc đẩy hướng phục hồi nối tiếp. VN-Index đã giảm tốc so với phiên trước nhưng vẫn có bước tăng mạnh (3,29%), đáng chú ý là hướng mạnh dần về cuối phiên; hiện đã lên tới 469,71 điểm. Giá hầu hết các cổ phiếu lớn đều tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, không còn đà tăng trần tuyệt đối ở nhóm cổ phiếu lớn như phiên liền trước, có thể thấy loạt blue-chip như BVH, DPM, FPT, HPG, PVD, VNM không thể tiếp được giá trần; thậm chí một số mã lớn phải trụ ở giá tham chiếu như HAG, hay giảm nhẹ như PPC. Tất nhiên, đây là kết quả của áp lực xả hàng mạnh.
Trước áp lực này, CTG của Vietinbank lại khá ấn tượng khi đón phiên có lượng cung và khớp mạnh nhất kể từ ngày chào sàn (16/7), giữ vững giá trần với hơn 3,26 triệu đơn vị. Nhưng giao dịch mạnh hơn là cổ phiếu của ngân hàng khác, STB của Sacombank, khi có tới trên 11,5 triệu đơn vị khớp thành công. STB cũng là một mã ưa thích của khối đầu tư nước ngoài hôm nay với lượng mua vào mạnh; trong khi CTG ghi nhận phiên đầu tiên khối ngoại “lướt”, bán ra 382.000 đơn vị.
Giao dịch chung của khối đầu tư nước ngoài cũng là một điểm tích cực trong phiên này. Họ trở lại mua ròng lớn (157,79 tỷ đồng), sau sự gián đoạn ở phiên liền trước. Tuy nhiên, sự gián đoạn đó không phản ánh đúng thực tế, bởi việc mua vào thành công ngay cả giá trần ở phiên trước rất khó khăn. Kết quả phiên hôm nay phản ánh đúng hơn xu hướng tiếp tục nhập cuộc của khối ngoại.
Tương tự, trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng đẩy mạnh giao dịch và trở lại mua ròng mạnh. Họ mua vào hơn 1,1 triệu cổ phiếu với 41,3 tỷ đồng giá trị, trong khi bán ra chỉ 515.000 cổ phiếu với 15,58 tỷ đồng. Một mã mà họ tập trung mua vào trước đó là KBC hôm nay đã bắt đầu bị bán ra; trong khi cổ phiếu họ dầu khí như PVI, PVS được mua ròng lớn, và cả NTP, SHS hay VSP…
Dù không giữ được sự bứt phá rất mạnh đầu phiên, nhưng HNX-Index vẫn nối tiếp một bước tăng mạnh, thêm 6,43 điểm (4,16%), lên 161,05 điểm.
TBKTVN
|