Thứ Ba, 23/06/2009 08:30

Triển vọng kinh tế suy giảm: Chứng khoán thế giới ảm đạm

Thị trường Mỹ:

(Vietstock) - Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, cả ba chỉ số chứng khoán chính trên thị trường Mỹ đều đã giảm mạnh dưới áp lực bán ra hàng loạt của giới đầu tư sau khi Ngân Hàng Thế Giới (WB) công bố cắt giảm mức dự báo về triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Theo đó, chỉ số Dow Jones đã giảm 200.72 điểm (tức 2.35%) xuống mức 8339.01 điểm, chỉ số NASDAQ đã giảm 61.28 điểm (tức 3.35%) xuống 1766.1 điểm và chỉ số S&P 500 giảm 28.19 điểm (tức 3.06%) xuống mức 893.04 điểm.

Trong ngày hôm qua, 27 trong số 30 cổ phiếu cấu thành chỉ số Dow Jones đã mất giá, dẫn đầu là cổ phiếu của Chevron và Exxon Mobill. Những cái tên lớn khác bị mất giá vào ngày hôm qua có thể kể đến là Boeing, IBM, HP, 3M và United Technologies. Nhóm cổ phiếu ngành tài chính – ngân hàng cũng đã giảm sâu, dẫn đầu là American Express, Bank of Americav và JPMorgan Chase.

Trong một động thái diễn ra vào hôm qua – thứ hai 22/09/2009, WB đã tuyên bố điều chỉnh dự báo về tốc độ suy thoái kinh tế toàn cầu từ 1.7% lên mức 2.9%. Ngay sau khi thông tin được công bố, khuynh hướng bán ra mạnh đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường giao dịch hàng hóa. Hậu quả nhãn tiền không thể tránh khỏi là việc các nhà đầu tư trên thị trường Mỹ đã hình thành tâm lý lo ngại về độ an toàn đối với những khoản đầu tư của họ và bắt đầu bán ra hàng loạt các chứng khoán, tạo áp lực đẩy các chỉ số chứng khoán trên thị trường Mỹ xuống mức thấp nhất trong 3 tuần trở lại đây.

Theo quan điểm của chúng tôi, việc WB điều chỉnh giảm dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu là nguyên nhân chủ yếu nhưng không phải là duy nhất khiến cho toàn thị trường Mỹ giảm mạnh trong ngày hôm qua. Thực tế cho thấy, việc các nhà đầu tư Mỹ đã không còn lạc quan như một tháng trước đây bất chấp đã có những thông tin kinh tế tích cực được công bố do các thị trường chứng khoán bắt đầu có xu hướng giảm điểm, đã tạo nên sự nghi ngờ trong tâm lý các nhà đầu tư. Chúng tôi cho rằng, nếu trong thời gian sắp tới, thị trường chứng khoán Mỹ không nhận được thông tin hỗ trợ đủ mạnh, thì với tâm lý lo ngại và đã bắt đầu bi quan của nhà đầu tư, việc điều chỉnh mạnh của thị trường là không thể tránh khỏi. Những thông tin hỗ trợ mang tính tạm thời có thể tạm thời khiến cho một số thị trường tăng điểm, nhưng xét về bản chất nội tại, không thể kìm hãm đà giảm của thị trường.

Một thông tin đáng được quan tâm khác là trong hai ngày thứ ba và thứ tư tuần này, FED sẽ nhóm họp nhằm mục đích thảo luận về chính sách lãi suất. Giới chuyên gia cho rằng kết quả sẽ được FED công bố vào buổi trưa thứ thư 24/09/2009.

Cũng trong ngày hôm qua, lượng cầu đối với trái phiếu chính phủ Mỹ của giới đầu tư đã tăng mạnh dưới tác động của tâm lý lo ngại về nền kinh tế. Chính vì vậy, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ trong phiên giao dịch hôm qua đã giảm khá mạnh từ 3.83% xuống còn 3.70%.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7 tại thị trường New York cũng đã giảm 2.62$ xuống mức 66.93$/thùng sau khi dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu được điều chỉnh giảm đã tác động đáng kể đến lượng cầu dầu thô trên thị trường. Trên thị trường tiền tệ, USD tăng giá so với EUR và giảm giá đối với JPY. Theo đó, tỷ giá USD/EUR đã giảm từ mức 1.39xx xuống còn 1.38 xx và tỷ giá USD/JPY giảm từ 96.xx xuống còn 95.7xx.

Kinh tế Châu Âu:

Lời cảnh báo về thực trạng kinh tế toàn cầu được đưa ra bởi động thái điều chỉnh giảm dự báo của WB đã khiến tâm lý các nhà đâu tư trên lục địa già rơi vào trạng thái bi quan. Trong phiên giao dịch hôm qua, hầu hết các chỉ số chứng khoán trên thị trường châu Âu đều đã giảm mạnh. Theo đó, chỉ số Dow Jones Euro Stoxx 50 giảm 2.53% xuống còn 2084.32 điểm, chỉ số FTSE 100 giảm 2.57% xuống 4234.05 điểm. Các chỉ số khác tại châu Âu như DAX 30 của Đức và CAC 40 của Pháp cũng có mức giảm sâu lần lượt là 3.02% và 3.04%. Hiện giới đầu tư trên thị trường châu Âu đang chờ đợi tin tức về lãi suất tại Mỹ sẽ được FED công bố vào ngày thứ tư tuần này.

Với thông tin giá dầu thô trên thế giới sụt giảm đáng kể, cổ phiếu của các công ty dầu khí tại châu Âu đã có phiên mất giá mạnh. Cổ phiếu của Royal Dutch Shell, BP và Total đã mất lần lượt 3.1%, 2.5% và 2.4% giá trị. Việc giá dầu thô sụt giảm là kết quả của sự sụt giảm trong giá khí đốt khi mà các nhà đầu tư đang tự đặt ra câu hỏi liệu lượng cung có là quá dư thừa trong mùa hè sắp tới tại nước Mỹ.

Theo một thông tin vừa được công bố tại Đức, chỉ số Iflo – chỉ số đo lường niềm tin của giới kinh doanh tại quốc gia này – đã tăng lên mức 85.9 trong tháng 6 từ mức 84.3 của tháng 5. Việc chỉ số này gia tăng cho thấy nền kinh tế Đức đã có dấu hiệu có khả năng đi vào ổn định trong thời gian sắp tới.

Thị trường châu Á:

Các chỉ số chứng khoán châu Á ngày hôm qua đã tăng điểm dưới tác động của tâm lý chờ đợi trong lạc quan của các nhà đầu tư trước thông tin về lãi suất sẽ được FED công bố vào ngày thứ tư. Theo đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 0.41% lên mức 9826.27 điểm, chỉ số Topix của Đài Loan tăng 0.38% lên mức 922.48 điểm và chỉ số Hang Sheng của Hồng Kông tăng 0.77% lên 18059.55 điểm.

Thị trường chứng khoán Nhật đã tăng điểm sau khi chỉ số Business Survey Index – BSI, chỉ số thể hiện chênh lệch giữa % số doanh nhân Nhật tin tưởng vào sự cải thiện trong kinh tế và % số doanh nhân có cái nhìn tiêu cực về nền kinh tế, tăng lên -13.2 trong quý II so với mức -66.0 trong quý I. Chỉ số này được tính toán bởi bộ Kinh tế - tài chính và Viện nghiên cứu xã hội Nhật.

Cổ phiếu của các hãng điện từ, chế tạo ôtô tại thị trường Nhật đều tăng giá sau khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm các hãng này từ Trung Quốc tăng mạnh do chính sách kích cầu của Trung Quốc phát huy hiệu quả. Theo đó cổ phiếu của Panasonic và Sanyo đã tăng lần lượt 1.7% và 1.2%. Trong một thông tin không chính thức, hiện Panasonic cũng đang lên kế hoạch mua lại Sanyo.

Chúng tôi cho rằng, hiện nay tâm lý của các nhà đầu tư châu Á và phương Tây đang bị chi phối chủ yếu bởi những yếu tố khác nhau. Trong khi tâm lý tại châu Á đang chịu tác động nặng nề bởi yếu tố phi tài chính là dịch bệnh thì tại phương Tây, các nhà đầu tư đang khá lo ngại trước thông tin WB điều chỉnh giảm triển vọng tăng trường thế giới. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, tâm lý các nhà đầu tư châu Á có thể sẽ trở nên bi quan bất cứ lúc nào nếu tình hình kinh tế thật sự xấu đi và thông tin được FED công bố vào thứ 4 sắp tới được đánh giá là tiêu cực. Chúng tôi khuyến nghị sự cẩn trọng trong các quyết định đầu tư ít nhất là đến khi tâm lý thị trường Mỹ và châu Âu có sự ổn định nhất định nhằm tránh trường hợp hai thị trường này điều chỉnh quá sâu có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Giá xăng, dầu tụt giảm sau dự báo của World Bank (23/06/2009)

>   Thực hiện những sáng kiến đổi mới (23/06/2009)

>   Nhật: chính phủ cứu hàng không (22/06/2009)

>   Khủng hoảng tài chính sẽ khiến hơn 1 tỷ người đói (22/06/2009)

>   Thủ tướng Ôn Gia Bảo giúp CK Châu Á xanh màu (22/06/2009)

>   Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha lo ngại về thỏa thuận chuối của EU (22/06/2009)

>   Trung Quốc có thể mua thêm trái phiếu Mỹ (22/06/2009)

>   Hàn Quốc: Kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực (22/06/2009)

>   Gazprom hoãn đưa vào khai thác mỏ khí đốt ở Bắc Cực (22/06/2009)

>   Lukoil mua 45% cổ phần nhà máy lọc dầu Hà Lan (22/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật