Tháo gỡ khó khăn, nâng cao kim ngạch XK trong 6 tháng cuối năm
Theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2009 của cả nước giảm 10% so với cùng kỳ năm 2008. Đ ể hoàn thành mục tiêu 60 tỷ USD cả năm, trong 6 tháng cuối năm, ngành Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai việc kích cầu đầu tư xây dựng cơ bản, đưa nhanh các dự án vào hoạt động.
Mặc dù lượng xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng mạnh so với cùng kỳ như: sắn và các sản phẩm sắn tăng hơn 3 lần, gạo tăng 56,2%, hạt tiêu tăng 40,4%, cà phê tăng 22,3%, chè tăng 10,9%, nhưng do giá bình quân hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm (dầu thô giảm 53%, cao su giảm 44%, cà phê giảm 28,3%, gạo giảm 21,6%, than đá giảm 7,5%...) nên kim ngạch xuất khẩu cả nước bị giảm.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch lớn giảm so với cùng kỳ do khó khăn về thị trường xuất khẩu: thủy sản giảm 10,7%, giày dép giảm 8,7%, dệt may giảm 1,3%...
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, thủy sản liên tiếp có mức tăng trưởng dương qua các tháng. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 1,7 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu của mặt hàng này giảm không đồng đều ở một số thị trường chính. Cụ thể, xuất sang thị trường EU đạt kim ngạch 450 triệu USD, giảm 11,3%; xuất sang Nhật Bản đạt 300 triệu USD, giảm 18,4%...
Tương tự như thủy sản, 6 tháng đầu năm, hàng dệt may có xu hướng tăng qua các tháng nhưng kim ngạch chỉ đạt hơn 4 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2008.
Về thị trường xuất khẩu, trong số 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ôxtrâylia, chỉ có Hoa Kỳ là có xu hướng tăng xuất khẩu trong những tháng cuối quý II/2009. Loại trừ Thụy Sỹ (chủ yếu do tái xuất khẩu vàng những tháng đầu năm) thì Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ôxtrâylia là 4 thị trường có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2009. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương là nhờ tăng xuất khẩu một số nhóm hàng như dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2009 của nước ta có tốc độ tăng trưởng âm, điều chưa hề xảy ra trong nhiều năm qua. Dự báo trong những tháng tới kim ngạch xuất khẩu vẫn tiếp tục đạt mức thấp và tình hình thị trường thế giới xem ra vẫn chưa có dấu hiệu khả quan để có thể đảo ngược được xu hướng giảm sút hiện nay.
Cũng trong 6 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 29,7 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ 2008. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều giảm cả về lượng và kim ngạch, trong đó các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu giảm từ 10-20%.
Riêng trong tháng 6, nhập siêu lên tới 1 tỷ USD. Như vậy, tháng 6 là tháng thứ ba liên tiếp, nước ta nhập siêu trở lại sau 3 tháng đầu năm xuất siêu nhờ sự tăng đột biến của kim ngạch xuất khẩu vàng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã nhập siêu hơn 2,1 tỷ USD, chiếm 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2009, để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 60 tỷ USD, trong 6 tháng còn lại của năm, ngành Công Thương sẽ đẩy mạnh việc triển khai việc kích cầu đầu tư xây dựng cơ bản, đưa nhanh các dự án vào hoạt động. Mặt khác, toàn ngành cũng sẽ huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư các dự án năm 2009 phục vụ mục tiêu tăng trưởng; tập trung chỉ đạo các đơn vị sản xuất các sản phẩm phục vụ kích cầu tiêu dùng trong nhân dân, nhất là các sản phẩm cơ khí nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, cải cách hành chính, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường mới./.
Hà Nội Mới
|