Thứ Bảy, 27/06/2009 09:29

Tham vọng của NĐT ngoại trên thị trường bảo hiểm

Tại cuộc họp báo nhân sự kiện Bảo Việt (BVH) lên sàn, ông Charles Gregory, Trưởng đại diện HSBC tại Việt Nam không trả lời trực tiếp câu hỏi “ông bình luận gì khi đấu giá BVH cách đây 2 năm với giá trên 70.000 đồng/CP và bây giờ chào sàn chỉ là 38.500 đồng/CP”, mà chỉ nói rằng, Bảo Việt là tập đoàn lớn và việc đầu tư của HSBC mang tính dài hạn. Đây là một trong những cú bắt tay mang lại lợi ích lớn cho DN bảo hiểm trong nước trước đối tác nước ngoài.

Với việc nắm giữ 10% vốn điều lệ của BVH từ khi đấu giá, xét về mặt tài chính, đến thời điểm này khoản đầu tư của HSBC bị lỗ không nhỏ và bên được chính là cổ đông nhà nước tại DN này. Ngay từ đầu ký kết đối tác chiến lược, tham vọng của HSBC là nắm đến 25% vốn của BVH trong tương lai. Theo hợp đồng hợp tác chiến lược, khi tăng vốn, Bảo Việt sẽ ưu tiên đàm phán bán cổ phần cho HSBC. Ông Lê Quang Bình, Chủ tịch BVH cho biết, một trong những cơ sở để đàm phán bán tiếp cổ phần cho HSBC là kết quả cụ thể trong việc hỗ trợ của HSBC đối với BVH. Đến nay, HSBC đã hỗ trợ BVH trong việc quản trị DN, triển khai các sản phẩm. HSBC bày tỏ nguyện vọng mua tiếp 8% vốn của BVH để nâng tổng giá trị sở hữu lên 18%.

Đề nghị được mua tiếp cổ phần của BVH tại thời điểm này, ngoài mặt đầu tư lâu dài, gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, còn ngầm định giúp HSBC quân bình giá, hạ tỷ lệ thua lỗ khi đầu tư vào DN này. Cho dù có bán với giá thấp hơn giá đấu bình quân cách đây hơn 2 năm, nhưng chắc chắn cao hơn mệnh giá, BVH sẽ lại thu được khoản thặng dư không nhỏ từ đối tác chiến lược tên tuổi trên thế giới. Cùng với đó là được tiếp nhận một công nghệ kinh doanh bảo hiểm bậc cao.

Không mua cổ phần tại một DN bảo hiểm đã có bề dày vài chục năm như BVH, Cardif (thuộc Tập đoàn BNP Paribas Assurance) đã hùn vốn với 2 đối tác là Vietcombank và SeABank để thành lập liên doanh bảo hiểm nhân thọ. Ngày 11/6, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI) đã chính thức đi vào hoạt động với vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong đó Vietcombank góp 45%, BNP Paribas Assurance góp 43% và SeABank góp 12%. Mục tiêu hoạt động của VCLI là cung cấp các sản phẩm tiết kiệm và bảo hiểm cho thị trường Việt Nam thông qua kênh phân phối là các ngân hàng. VCLI xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên sự hợp tác và liên kết đa dạng với nhiều đối tác trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm tích luỹ từ mỗi thành viên.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch HĐQT VCLI cho biết, cùng với sự hỗ trợ trực tiếp về nhân lực, công nghệ, kinh nghiệm chuyên môn, cơ sở khách hàng và hệ thống mạng lưới sẵn có của các bên góp vốn, VCLI sẽ phát triển theo định hướng tăng trưởng bền vững, mang đến cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại.

Ông Eric Lombard, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn BNP Paribas Assurance nói rằng, VCLI sẽ thừa hưởng lợi thế dẫn đầu thị trường bảo hiểm - tín dụng trên toàn cầu của Cardif. Được biết, Cardif hoạt động tại 41 quốc gia trên thế giới và hiện diện tại châu Á từ 10 năm nay. Ngoài ra, Cardif có mối quan hệ với 35/100 ngân hàng lớn nhất thế giới, nhiều công ty tài chính, trong đó có những công ty cho vay tiêu dùng, nhà sản xuất, bán ôtô trả góp và tập đoàn bán lẻ lớn.

Năm 2008, Swiss Re đã đổ lượng tiền lớn vào CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) bằng việc sở hữu 16.804.610 cổ phần phát hành mới của Vinare, tương đương 25% vốn điều lệ, với giá 75.000 đồng/CP; tổng giá trị hợp đồng là 1.260 tỷ đồng. Việc đầu tư này đem lại cho Vinare khoản thặng dư lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, Vinare và Swiss Re đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược nhằm nâng cao năng lực kinh doanh của Vinare, tăng cường nguồn dịch vụ trao đổi giữa Vinare và Swiss Re, mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm của Vinare trên thị trường quốc tế.

Trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn là chiếc bánh có nhiều phần chưa được “đụng” tới. Chính vì thế, sự quan tâm của đối tác nước ngoài không ngừng tăng lên. Bối cảnh kinh tế và TTCK đến nay đã có nhiều thay đổi, nên việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài tại DN nói chung và DN bảo hiểm nói riêng khó kỳ vọng thu được thặng dư vốn lớn. Tuy nhiên, với tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm còn lớn thì việc tham gia mua cổ phần tại các DN Việt Nam của đối tác nước ngoài sẽ gia tăng. Cách làm này giúp DN nước ngoài rút ngắn thời gian cũng như chi phí gia nhập thị trường, cho dù có thể phải mua cổ phần với giá cao. Đối với DN bảo hiểm trong nước, ngoài việc nâng cao tiềm lực tài chính, họ còn được đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản trị, kinh doanh hiện đại. Nhìn rộng hơn ra cả thị trường, các liên doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ là động lực mới cho thị trường bảo hiểm phát triển theo hướng cạnh tranh, chuyên nghiệp hơn.

Thanh Đoàn 

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Bài “test” trái phiếu đã kết thúc (27/06/2009)

>   Dịch vụ tài chính tạo ra 63% lưu lượng tin nhắn (27/06/2009)

>   Trong tuần, lãi suất huy động VND và USD giảm nhẹ (26/06/2009)

>   Lại ế như… trái phiếu! (26/06/2009)

>   Kết quả đấu thầu trái phiếu Chính phủ do NH Phát triển VN phát hành (26/06/2009)

>   NHNN trả lời nội dung liên quan tới hoạt động kinh doanh trái phiếu của NHTM (26/06/2009)

>   NHNN thông báo dư nợ cho vay HTLS đến ngày 25/6/2009 (26/06/2009)

>   Hà Nội: Gấp rút hoàn thành cấp MST TNCN cho hơn 1,1 triệu người (26/06/2009)

>   Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu tiếp Giám đốc Điều hành WB (26/06/2009)

>   WB thông qua gói tín dụng 350 triệu USD giúp VN (26/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật