Thứ Sáu, 26/06/2009 06:26

Nhờ suy thoái, châu Á bớt phụ thuộc Mỹ?

Trước khi diễn ra giai đoạn suy thoái hiện nay, một số nhà kinh tế học đã dự báo, sự tăng trưởng mạnh mẽ và hoạt động thương mại nội vùng gia tăng sẽ giúp châu Á có thể bỏ qua sự phụ thuộc truyền thống vào thị trường Mỹ. Và như thế, châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng êm đẹp bất chấp có điều gì xảy ra ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đó chính là nội dung cơ bản của lý thuyết về sự phân ly (decoupling) của châu Á đối với Mỹ.

Sau đó, khi cuộc khủng hoảng leo thang ở Phố Wall vào cuối năm 2008 khiến hoạt động tiêu dùng tại Mỹ lao dốc, cuốn hầu hết các nền kinh tế của châu Á vào vòng xoáy suy thoái, lý thuyết này đã nhanh chóng bị ném qua cửa sổ. Châu Á phút chốc thẫn thờ khi phát hiện ra rằng, sự tăng trưởng kinh tế của khu vực này vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động xuất khẩu các sản phẩm như máy tính, hàng máy may và đồ chơi sang thị trường Mỹ.

Lý thuyết phân ly trở thành “trò cười” trong mắt nhiều người.

Tuy nhiên, những người ủng hộ lý thuyết này có thể sẽ không bị cười quá lâu. Trong bối cảnh kinh tế châu Á tiến dần tới sự phục hồi thời gian qua, có thể nhận thấy rằng, ở một số phương diện nhất định, lý thuyết phân ly là đúng đắn. Quan trọng hơn nữa, châu Á rất có khả năng trở nên độc lập hơn với thị trường Mỹ nhờ lần suy thoái này.

Vẫn tăng trưởng tốt

“Đúng là lý thuyết phân ly đã không bao quát được những mảng lớn của một bức tranh tổng thể, nhưng việc phủ nhận lý thuyết này là sai lầm. Nếu không có lý thuyết phân ly, người ta không thể hiểu được những gì xảy ra ở châu Á từ tháng 9 năm ngoái tới nay”, nhà kinh tế T.J. Bond của Merrill Lynch tại Hồng Kông nhận xét.

Bằng chứng rõ nét nhất cho thấy châu Á có thể tạo ra sự tăng trưởng mà không cần tới thị trường phương Tây chính là mức tăng trưởng tương đối mạnh của những nền kinh tế lớn nhất trong khu vực.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,1% trong quý 1 năm nay, mặc dù xuất khẩu của nước này liên tục sụt giảm bình quân 17% hàng tháng từ đầu năm tới nay. Cũng trong quý 1, Ấn Độ đạt tốc độ tăng trưởng 5,8%, vượt dự báo, và thậm chí Indonesia - vốn không nằm trong số những nền kinh tế mạnh nhất châu Á - cũng đạt tốc độ tăng trưởng 4,4%. Mặc dù những mức tăng trưởng này thấp hơn rất nhiều mức tăng trưởng của các nền kinh tế nói trên trước khi xảy ra suy thoái, đặc biệt là trong trường hợp của Trung Quốc, các nước này vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất thế giới.

Động lực chính cho sự tăng trưởng này chính là nhu cầu nội địa của các nước trên. Một phần trong lý thuyết phân ly là các nước Á đã giàu lên tới mức đủ để duy trì một mức độ tăng trưởng chấp nhận được thông qua hoạt động mua bán hàng hóa với nhau, thậm chí cả khi xuất khẩu của châu lục này sang thị trường phương Tây đổ dốc. Mặc dù nhận định này vẫn có thể bị xem là ít nhiều phóng đại, do tiêu dùng của người dân trong khu vực châu Á chưa thể đủ để bù đắp cho “chỗ trống” của sự sụt giảm xuất khẩu sang Mỹ, nhu cầu nội địa rõ ràng đang là nhân tố giữ cho các nền kinh tế khỏi lâm vào cảnh sụt giảm tăng trưởng sâu hơn trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.

Lấy Trung Quốc làm ví dụ. Tháng 5 vừa qua, sản xuất công nghiệp của nước này tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm 26%. Lý do ở đây là các nhà máy của Trung Quốc đã đẩy mạnh sản xuát hàng hóa cho tiêu dùng nội địa. Doanh số bán lẻ của nước này đã tăng 15% trong tháng 5, với hàng hóa tiêu dùng các loại bán chạy như tôm tươi. Trong đó, doanh số thị trường xe hơi tăng 47%, doanh số hàng nội thất tăng 33%, doanh số các mặt hàng trang sức tăng 29%. Dữ liệu các cuộc điều tra các hộ gia đình Trung Quốc trong quý 1 cho thấy, tiêu dùng ở khu vực nông thôn của nước này đang có xu hướng tăng.

“Tiêu dùng chắc chắn đang trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng hơn”, các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs nhận xét trong một báo cáo đưa ra trong tháng 6 này về kinh tế Trung Quốc.

Đầu tàu Trung Quốc

Quan trọng hơn nữa, đang có những bằng chứng cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã bắt đầu kích thích các nền kinh tế khác trong khu vực, đúng như lý thuyết phân ly đã dự báo. Mặc dù Trung Quốc chưa thể thay thế hoàn toàn nước Mỹ với vai trò là một nguồn nhu cầu cho các nền kinh tế nhỏ hơn ở châu Á, nước này có thể đem tới cho các nước khác trong khu vực những khách hàng mới mà trước đây chưa có.

Nghiên cứu của Merrill Lynch khẳng định, xuất khẩu của châu Á trong tháng 4 đã bắt đầu nhích lên so với những tháng đầu năm, mặc dù xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản tiếp tục trên đà trượt giảm. Điều này có thể xảy ra như thế nào?

Theo các chuyên gia của Merrill, sự phục hồi trên là nhờ xuất khẩu của các nước châu Á sang Trung Quốc tăng mạnh.“Sự gia tăng của nhu cầu ở Trung Quốc đã trở thành động lực chính cho giai đoạn phục hồi xuất khẩu hiện nay của châu Á”, báo cáo của Merrill nhận xét. Cần nói thêm, Nhật Bản vẫn là một nguồn nhu cầu và đầu tư cho các nước còn lại ở châu Á, nhưng đồng thời nước này đã phát triển mối quan hệ qua lại mật thiết trong mạng lưới cung cấp của toàn châu Á, trong đó xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của nước này.

Có thể vai trò kích thích tăng trưởng của Trung Quốc đối với kinh tế khu vực như đề cập ở trên chỉ là tạm thời, nhờ kết quả của gói kích thích khổng lồ nhưng ngắn hạn mà Chính phủ Trung Quốc tung ra. Chẳng hạn, thị trường xe hơi đang tăng trưởng mạnh của Trung Quốc một phần được tiếp sức bởi hoạt động trợ giá và ưu đãi thuế, những biện pháp nằm trong gói kích thích kinh tế của nước này.

Thời của hướng nội

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc cũng đã áp dụng những biện pháp dài hơi hơn nhằm khuyến khích chi tiêu nội địa, qua đó có thể đưa Trung Quốc trở thành một đích đến quan trọng hơn cho hàng xuất khẩu của các nước châu Á khác trong tương lai. Bắc Kinh sẽ chi 125 tỷ USD trong vòng 3 năm tới để tăng cường hệ thống y tế nhằm đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tới 90% dân số của nước này. Với chi phí y tế vẫn là một gánh nặng tài chính lớn đối với người dân nghèo của Trung Quốc, sự cải thiện này có thể sẽ giúp khuyến khích người dân ở nước này chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít đi.

Các nền kinh tế châu Á khác cũng đang “lên dây cót” để tiếp cận với thị trường tiêu dùng mới mẻ và rộng lớn này của Trung Quốc. Đài Loan là một ví dụ. Sau khi chịu một “đòn đau” từ sự lao dốc của hoạt động tiêu dùng tại Mỹ (GDP của Đài Loan trong quý 1 sụt giảm với tốc độ kỷ lục 10,2%), chính quyền của vùng lãnh thổ này đã đặt ưu tiên chính sách là tìm khách hàng mới cho hàng hóa sản xuất tại Đài Loan.

“Chúng tôi đã chịu tác động tiêu cực từ sự co rút của thị trường xuất khẩu ở Mỹ và châu Âu. Do vậy, một bài học mà chúng tôi đã học được là cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”, nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu nói. Chắc chắn, mục tiêu lớn của ông Mã Anh Cửu chính là thị trường Trung Quốc. Nhà lãnh đạo này đang theo đuổi một thỏa thuận kinh tế toàn diện với Trung Quốc, trong đó giảm thuế cho hàng xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc. Trung Quốc đã là một điểm đến lớn cho các nhà sản xuất Đài Loan, nhưng phần lớn lượng hàng này vẫn tồn tại dưới dạng linh kiện, được xuất sang Trung Quốc để lắp ráp thành thành phẩm rồi xuất khẩu sang thị trường phương Tây.

Theo ông San Gee, Phó chủ nhiệm Hội đồng Kế hoạch kinh tế và phát triển của Đài Loan, giờ đây, các nhà hoạch định chính sách của nền kinh tế này muốn các công ty Đài Loan xuất hàng thành phẩm nhiều hơn sang Trung Quốc, trực tiếp nhằm vào người tiêu dùng ở nước này. “Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng để chúng tôi xây dựng thương hiệu”, ông Gee phát biểu.

Tất cả những điều này có nghĩa là châu Á đang hướng nội nhiều hơn cho sự tăng trưởng trong tương lai. Nói cách khác, khu vực này đang giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Nền kinh tế Mỹ “có vai trò ít hơn với châu Á hơn so với người ta vẫn nghĩ”, ông Andrew Freris, chiến lược gia đầu tư cao cấp thị trường châu Á của công ty BNP Paribas Wealth Management tại Hồng Kông nhận xét.

Như vậy, lý thuyết phân ly đang chuyển biến thành chính sách của châu Á, và đây có lẽ sẽ là một trong những hệ quả quan trọng nhất của lần suy thoái này.

Kiều Oanh (Theo Time)

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Thế giới mất 1,8 triệu triệu phú (26/06/2009)

>   Sinopec (Trung Quốc) thâu tóm một công ty dầu mỏ Thụy Sĩ (25/06/2009)

>   Hàn Quốc cấm 43 sản phẩm điện gia dụng không an toàn (25/06/2009)

>   Ngành dầu khí Trung Quốc thực hiện vụ mua lại lịch sử (25/06/2009)

>   "Suy thoái đang gần tới đáy" (25/06/2009)

>   Nikkei, Hang Seng và Kospi tăng hơn 2% (25/06/2009)

>   Cải cách cơ chế Bretton Woods là thách thức của LHQ (25/06/2009)

>   WB: Kinh tế Nga sẽ giảm 7,9% năm 2009 (25/06/2009)

>   FDI toàn cầu giảm hơn 50% trong quý I/09 (25/06/2009)

>   Ngành sản xuất gỗ, giấy và bao bì Canađa thua lỗ nặng (25/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật