Nhà đầu tư chưa “mặn” sàn UPCoM
Cá nhân không được mua-bán cùng một cổ phiếu trong ngày, doanh nghiệp không có nghĩa vụ công bố thông tin hằng quý... là lực cản nhà đầu tư lên sàn UPCoM
“Tại sao giá mua bằng và cao hơn giá bán nhưng lệnh không khớp?”. Một nhà đầu tư chỉ vào bảng điện tử sàn giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) đặt tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thắc mắc. “Có lẽ hệ thống giao dịch của UPCoM có vấn đề” - nhân viên của SSI lúng túng giải đáp. Nhiều nhà đầu tư khác cũng băn khoăn trước những thông tin hiển thị trên bảng điện tử và thông tin của doanh nghiệp (DN) nên chưa mạnh dạn giao dịch trên sàn UPCoM.
Mua - bán khó gặp nhau
Để giao dịch sàn UPCoM, thông thường người cần bán cổ phiếu tự tìm người mua và ngược lại. Sau đó, hai bên thỏa thuận giá cả, số lượng cổ phiếu, thông qua hệ thống giao dịch lệnh mua - bán sẽ khớp. Thế nhưng, thị trường không phải lúc nào cũng có sẵn người mua - bán nên lệnh của nhà đầu tư sẽ được đưa lên bảng điện tử để tìm đối tác. Tuy nhiên, bên mua và bên bán vẫn khó giao dịch thành công. Cụ thể, phiên giao dịch đầu tiên (ngày 25-6) đã có lệnh đặt mua 50 cổ phiếu SME (Công ty Chứng khoán SME) với giá 16.800 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, lệnh bán có mức giá tương ứng nhưng số lượng 3.000 cổ phiếu nên lệnh không khớp. Đặc biệt, trong 4 phiên giao dịch liên tiếp, cổ phiếu của Công ty Cafico VN (CFC) vẫn chưa xác định được mức giá, nguyên nhân là có người bán nhưng không có người mua và ngược lại hoặc bên mua và bên bán đã gặp nhau về giá nhưng không gặp nhau về khối lượng nên chưa có cổ phiếu nào khớp lệnh... Nhiều người rành thị trường cho biết với phương thức thỏa thuận giao dịch thông thường và điện tử, bên mua và bên bán phải có mức giá và khối lượng tương ứng mới có thể gặp nhau.
Luật chơi thiếu bình đẳng
Theo quy định, chỉ có công ty chứng khoán mới được phép mua- bán cùng một cổ phiếu trong ngày. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân có quan hệ thân thiết với công ty chứng khoán có thể lách luật bằng cách “núp bóng” tài khoản của công ty chứng khoán để mua – bán, chốt lời hoặc cắt lỗ cùng một cổ phiếu trong ngày. Điều này đồng nghĩa một số tổ chức, cá nhân có được thời gian thanh toán là T+0, trong khi quy định chung thời gian thanh toán là T+3. Một số ý kiến cho rằng đây là yếu tố bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư trên sàn UPCoM.
Mặt khác, luật chơi cho phép nhà đầu tư ký quỹ khi mua chứng khoán. Thế nhưng, thực tế không phải nhà đầu tư nào cũng được phép ký quỹ hoặc phải ký quỹ 100% giá trị giao dịch. Tùy thuộc vào mức độ uy tín của nhà đầu tư, mỗi công ty chứng khoán đưa ra tỉ lệ ký quỹ 30%-50%, lãi suất của số tiền còn lại mà công ty chứng khoán ứng cho nhà đầu tư mua cổ phiếu cũng tùy thuộc mối quan hệ thân thiết giữa hai bên.
Thông tin còn hạn chế
Một trong những lý do khiến nhà đầu tư ngần ngại lên sàn UPCoM là thông tin của DN. Trong 10 DN tiên phong tham gia UPCoM, chỉ có 5 DN công bố thông tin chi tiết. Do DN không có nghĩa vụ công bố thông tin hằng quý nên nhiều nhà đầu tư không an tâm nếu DN không công bố thông tin mới nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu. Trong khi đó, cơ quan quản lý chỉ khuyến khích DN công bố những thông tin quan trọng. Vì thế, sàn UPCoM và các DN chưa tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, dự kiến đến tháng 9-2009 sẽ có khoảng 200 DN tham gia sàn UPCoM. Khi đó, nhà đầu tư sẽ có nhiều loại hàng hóa để lựa chọn. Tuy nhiên, để thu hút DN và nhà đầu tư, các chuyên gia tài chính cho rằng cơ quan quản lý cần mở rộng đối tượng được phép mua - bán cùng một cổ phiếu trong ngày, tỉ lệ ký quỹ mua cổ phiếu có sự thống nhất giữa các công ty chứng khoán... Đặc biệt, DN phải công bố báo cáo tài chính hằng quý nhằm bảo đảm công bằng tiếp nhận thông tin cho nhà đầu tư.
Thy Thơ
Người lao động
|