Kỳ vọng UPCoM
Ngay sau khi khai trương sàn UPCoM (ngày 24/6), một số NĐT đã gọi điện về ĐTCK thắc mắc vì sao cổ phiếu họ nắm giữ không lên giao dịch tại đây. Trước đó, trong danh sách dự kiến có tên các DN này. Việc chậm lên giao dịch của một số DN do vấn đề về thủ tục và qua đây có thể thấy kỳ vọng rất lớn của NĐT vào một kênh đầu tư mới. Minh bạch, công khai, dễ mua, dễ bán nhưng vẫn giữ được tính linh hoạt, hấp dẫn là yêu cầu chính đáng của cộng đồng NĐT vào thị trường này.
Chậm chân chỉ vì lý do kỹ thuật
CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) là một trong những DN đăng ký lên đợt 1, nhưng lại không có tên trong ngày khai trương UPCoM. Ông Đỗ Minh Hoàng, Tổng giám đốc ABIC cho biết, do phải bổ sung hồ sơ, nên việc cấp phép bị chậm lại. Khi nào Sở GDCK Hà Nội (HNX) cấp phép, ABIC sẽ lên giao dịch ngay.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ngân hàng duy nhất có tên trong danh sách dự kiến cũng không lên trong đợt 1. Theo tìm hiểu của ĐTCK, lý do chậm lên giao dịch liên quan đến quy định báo cáo chuyển nhượng cổ phiếu. Theo quy định, giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng vượt quá 20% vốn điều lệ sẽ phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp cổ phiếu ngân hàng nếu giao dịch trên UPCoM phải tuân theo quy định này sẽ gây phiền hà cho NĐT và có thể thường xuyên phải ngắt giao dịch. Nút thắt này, SCB đang chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, nên tạm lui thời điểm chào sàn UPCoM.
Trên thực tế, trong số hơn 20 DN "xung phong" lên UPCoM đợt 1, chỉ có 10 DN đầy đủ hồ sơ. Như vậy, sàn UPCoM đã thu hút sự quan tâm của cả NĐT và DN. Đây là tiền đề tốt cho việc mở rộng quy mô cũng như nâng cao chất lượng giao dịch tại sàn này, hướng đến mục tiêu thu hẹp thị trường giao dịch không có sự quản lý.
Sẽ tiếp tục nới
Theo số liệu tổng hợp giao dịch từ HNX, trong phiên giao dịch đầu tiên, có 10 cổ phiếu chào sàn với tổng giá trị đăng ký giao dịch theo mệnh giá đạt hơn 1.231 tỷ đồng. Hệ thống UPCoM nhận lệnh giao dịch từ 10h đến 15h (nghỉ giữa phiên từ 11h30 đến 13h30) với sự tham gia của 79 CTCK thành viên. Ngày giao dịch đầu tiên, thị trường UPCoM đã thu hút sự tham gia của khá đông NĐT với gần 2.000 lệnh đặt giao dịch và 500.450 giao dịch được thực hiện và chuyển kết quả qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán để thực hiện bù trừ, thanh toán. Kết thúc ngày giao dịch, tổng khối lượng trên thị trường UPCoM là hơn 1,051 triệu cổ phiếu, tương đương 19 tỷ đồng.
Ông Phan Huy Chí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK SME cho biết, do chưa quen với phương thức và thời gian khớp lệnh, thông tin về DN giao dịch ít, nên NĐT tham gia chưa nhiều, chủ yếu là các CTCK mua bán với nhau. Tuy nhiên, giá trị giao dịch xấp xỉ 19 tỷ đồng là tương đối lớn nếu so sánh với sàn HASTC vào ngày khai trương trước đây giá trị giao dịch chỉ đạt 14 tỷ đồng. SME là mã có giao dịch lớn nhất với 370.000 cổ phiếu được trao tay, đặc biệt đây là một trong hai mã chứng khoán được NĐT nước ngoài chọn mua. Đây là tín hiệu tốt về tính thanh khoản cho thị trường UPCoM. Tuy nhiên, để hấp dẫn NĐT hơn nữa, theo ông Chí, cần tăng biên độ dao động giá, giảm thời gian thanh toán (hiện là T+3), đưa nhiều DN lên sàn.
Phó tổng giám đốc HNX, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan cho biết, trong phiên giao dịch đầu tiên, hệ thống giao dịch được vận hành thông suốt, an toàn. Hệ thống hiển thị thông tin trực tuyến đến CTCK và trang thông tin trực tuyến trên website của HNX hoạt động ổn định, thông tin được truyền tải chính xác, kịp thời. Theo bà Lan, sở dĩ NĐT tham gia còn ít là do tâm lý dè dặt, nghe ngóng bởi sàn UPCoM vẫn hết sức mới mẻ. Về mặt thông tin của DN, họ thực hiện công bố theo quy định khi giao dịch tại UPCoM. So với DN niêm yết thì chưa tốt bằng, nhưng so với khi chưa đăng ký giao dịch thì tốt hơn rất nhiều. Bà Lan cho biết, có hơn 20 DN đăng ký lên UPCoM đợt 1, tuy nhiên việc soát xét hồ sơ vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục, nhất là việc quản lý sổ cổ đông, nên chỉ có 10 DN đủ tiêu chuẩn. Liên quan đến giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng, UBCK và Ngân hàng Nhà nước đang xem xét để sớm sửa đổi quy định báo cáo thông tin chuyển nhượng cho phù hợp với sàn UPCoM.
Theo Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho rằng, tới đây sàn UPCoM sẽ được điều chỉnh nhằm tạo sức hấp dẫn, thu hút nhiều DN lên sàn và NĐT tham gia đầu tư. Để tăng tính thanh khoản cho UPCoM, sẽ cho phép NĐT cùng mua cùng bán trong phiên, giao dịch ký quỹ, repo cổ phiếu…
Mục tiêu thu hẹp thị trường chứng khoán tự do, mở rộng thị trường có quản lý là rất rõ ràng. Tuy nhiên, làm thế nào để sàn UPCoM hấp dẫn, DN lên sàn như một nhu cầu tự thân thì bên cạnh quy định mang tính hành chính, rất cần những tiện ích tại sàn này.
Thanh Đoàn
Đầu tư chứng khoán
|