Giao dịch vàng ở TPHCM: Thua đau
Nhiều người ôm vàng trên sàn giao dịch hay trữ vàng vui mừng khi giá vàng liên tục nhảy vọt những ngày qua. Nhưng cũng khá nhiều nhà đầu tư lõm nặng khi đánh giá không đúng về biến động của giá vàng.
Lỗ trên sàn
Năm 2008, nhiều nhà đầu tư mua bán vàng trên sàn bị thua lỗ, rút ra bài học là họ sai lầm khi cho rằng giá vàng sẽ xuống thấp. Chính vì thế, nhiều người dự đoán giá vàng sẽ xuống thấp hơn tại một thời điểm nhất định, vay vàng của chủ sàn giao dịch để bán sau đó đã lỗ lớn.
Ông Vũ Lê Anh, sàn giao dịch vàng ACB than thở: “Lúc giá vàng lên 20,5 triệu đồng/lượng, tôi bán khống 400 lượng, vì mấy lần trước giá vàng đều xuống. Nay không ngờ tăng qua 21 triệu rồi mà vẫn chưa có dấu hiệu xuống. Tôi đành phải mua với giá 21 triệu đồng/lượng để trả lại chủ sàn. Mua bán do dự đoán sai như thế, chỉ có năm ngày, tôi bị đứt mất 200 triệu đồng ”.
Phó giám đốc một sàn vàng cho hay, dân đầu tư vàng mua khống 500 - 1.000 lượng vàng được xem là chuyện thường, dù họ biết như thế rất rủi ro.
Trong những ngày qua, tại các sàn vàng, nhiều nhà đầu tư lỗ vài ba trăm triệu được xem là chuyện nhỏ. Còn lỗ tiền tỷ do họ đánh giá sai về biến động giá vàng cũng không phải chuyện hiếm.
Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, năm nay nhiều nhà đầu tư đặt lệnh bán vàng để cắt lỗ (bán khi giá đang lên với hy vọng không bị lỗ), nhưng do giá vàng nhảy quá mạnh, ít ai ngờ nên họ vẫn không tránh khỏi thua lỗ.
Do nhiều sàn vàng ra đời, cạnh tranh và chiều khách bằng những công cụ phòng ngừa rủi ro, song trong thời điểm giá vàng nhảy vài trăm ngàn đồng/lượng/ngày như tuần qua, chủ sàn nào cũng ái ngại và buộc phải nghĩ đến vấn đề an toàn.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới khuyến cáo, trong thời điểm giá vàng bất thường và khó lường như hiện nay, nhà đầu tư không nên để vàng qua đêm trên sàn.
Và lỗ cả ngoài sàn
Ngay cả trong giới kinh doanh kim hoàn cũng ít ai lường được giá vàng lại xấp xỉ 21,5 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia hay tổ chức tài chính cũng không thoát khỏi tình trạng dự đoán sai về giá vàng, nên thua đau - Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh nữ trang
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù giới đầu tư đất đai vẫn rao bán bất động sản bằng tiền đồng, nhưng ở khu vực trung tâm của TPHCM, nhiều giao dịch bất động sản vẫn được thanh toán bằng vàng.
Ông Phạm Văn Hải, Tổng Giám đốc Cty địa ốc ACB (ACBR) cho biết, do vàng tăng giá quá nhanh nên rất nhiều giao dịch nhà đất bằng vàng mấy ngày qua không thành.
Một căn nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 1 - TPHCM) bắt đầu giao dịch được chốt giá 450 lượng vàng SJC khi giá vàng mới 19,6 triệu đồng/lượng. Nhưng khi người mua căn nhà này thanh toán đợt cuối 300 lượng, giá vàng đã lên 21 triệu đồng/lượng.
Những người cẩn thận hơn, dù chọn thanh toán qua ngân hàng, song vẫn mất ít nhiều, vì thông thường họ chỉ nộp vàng trước mỗi đợt thanh toán. Còn chốt giá vàng nhưng tính bằng tiền, người bán lại lãnh đủ thay người mua. Có trường hợp mua nhà phải chấp nhận mất khoản đặt cọc 50 khi mua nhà giao dịch bằng vàng.
Bên cạnh những người mua nhà đất bằng vàng chịu nhiều thua thiệt, giới mua bán kim loại, đá quý tính theo giá vàng hoặc vay mượn vàng của ngân hàng để thực hiện các giao dịch, thanh toán từ giữa tháng 4/2009 đến nay cũng bị sốc, vì giá vàng tăng mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB nhận định, nhà đầu tư vàng trên sàn lỗ nặng thường do dự đoán sai. Các chuyên gia tài chính đánh giá, trong những ngày tới, giá vàng còn nhiều biến động khó đoán.
Hà Phan
Tiền Phong
|