Thứ Ba, 30/06/2009 06:13

DN sản xuất và chế biến nông sản “đau đầu” vì thuế

Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản. Thế nhưng, trên thực tế, nghịch lý là không ít điều khoản trong các chính sách này đã trở thành “cản ngại” cho chính doanh nghiệp và người sản xuất.

Giá thành tăng lên vì... miễn thuế!

Nói đến vấn đề thuế GTGT trong nông nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit (TPHCM) vô cùng bức xúc: Hàng hóa bán ra chịu thuế 0% thì được khấu trừ GTGT đầu vào, nhưng hàng hóa nào bán ra không chịu thuế thì lại không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Khi sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp, đầu vào là giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, các loại thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật…đều đã có VAT.

Nhưng với quy định trên, những người làm nông nghiệp mặc nhiên không được khấu trừ GTGT đầu vào, tất cả đều được tính vào chi phí giá thành. Và khi các hộ nông dân, chủ trang trại hay nông trường bán sản phẩm nông nghiệp (không chịu thuế này) cho các doanh nghiệp (DN) chế biến nông sản, thuế đầu vào của các DN chế biến sẽ bằng 0.

Ví dụ với giá mua đầu vào là 10 đồng, sau khi chế biến các công ty bán ra 12 đồng. Lẽ ra các công ty chế biến chỉ phải đóng thuế giá trị gia tăng trên con số 2 đồng thì DN lại phải đóng thuế VAT cho toàn bộ 12 đồng, nghĩa là đóng luôn cả phần người nông dân vốn không phải chịu thuế.

Ông Lê Văn Quang, TGĐ Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú cho biết, vì không tính thuế GTGT nên bà con không được khấu trừ thuế GTGT khi bán sản phẩm cho DN, điều này đã đẩy giá thành tăng thêm 4.500 – 5.000 đồng/kg tôm. Như vậy, từ chỗ Nhà nước muốn hỗ trợ nông dân thì lại trở thành làm tăng chi phí đầu vào của người nuôi.

Ở lĩnh vực khác cũng nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước là xuất khẩu thì sự khuyến khích của Nhà nước lại được thể hiện rất rõ: thuế GTGT cho xuất khẩu bằng 0 và được khấu trừ toàn bộ thuế VAT đầu vào.

Trong khi đó, các DN ngành chế biến nông sản trên đây cũng tạo ra sản phẩm xuất khẩu, lại còn hỗ trợ tốt cho người làm nông nghiệp, nếu không được hưởng mức thuế suất bằng 0 thì cũng nên cho họ đóng thuế trên phần GTGT của sản phẩm mới hợp lý. Phần đầu vào Nhà nước đã hỗ trợ cho người nông dân không có lý do gì lại chuyển qua cho DN chế biến và người tiêu thụ phải “đóng bù”.

Trái cây, điều nhân, hồ tiêu cùng... kêu khổ

Hiện nay, ngành chế biến rau quả gặp rất nhiều khó khăn về việc thanh khoản các vật tư nhập khẩu chế biến hàng xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Thương, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm G.O.C (KCN Tân Xuyên, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) phân trần: Doanh nghiệp phải nhập lọ, nắp từ nước ngoài vì những loại này Việt Nam chưa sản xuất. Nhưng do đặc thù sản xuất nông sản, cụ thể là rau quả, phải phụ thuộc vào mùa màng và thời tiết, mỗi năm thường chỉ 1 vụ, nếu mất mùa phải 12 - 14 tháng sau mới trồng lại. Nhiều khi năm sau tình hình biến động, không sản xuất được theo kế hoạch mà thuế VAT nhập khẩu chỉ ân hạn 275 ngày, khi quá hạn phải nộp tiền vào và DN chậm nộp sẽ bị phạt mà nếu nộp thì hạn chế vốn ảnh hưởng đến việc sản xuất.

Trong khi đó, thời gian làm thanh khoản rất lâu do hải quan yêu cầu báo có chuyển tiền của ngân hàng mới tiến hành làm. Không ít DN phải bán trả chậm cho khách hàng 2 - 6 tháng, do vậy chờ có đủ chứng từ thanh khoản thì việc thanh khoản này phải rất lâu, trong lúc DN lại phải nộp thuế nhập lô hàng mới. Chưa kể, do hải quan bố trí người làm thanh khoản quá ít, nên các bộ hồ sơ thanh khoản của DN thường kéo dài 2 - 3 tháng. Hậu quả, DN phải nộp tiền phạt thuế, do thời gian ân hạn thuế đã hết.

Hiện nay, DN chế biến rau quả đa phần là DN vừa và nhỏ không nhiều vốn, bất cập trên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của DN.

Các DN thuộc Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã nhiều lần phản ánh sự bất hợp lý trong việc “ghi nợ” khi nhập điều thô về chế biến xuất khẩu. Nhà nước cho treo nợ 275 ngày để chứng minh lô hàng điều thô này về đã được chế biến và xuất khẩu. Gần 99% điều thô VN là để xuất khẩu. Không thể có chuyện nhập điều thô về chế biến tiêu thụ trong nước, như là kiểu “chở củi về rừng”. Nhưng để chứng minh hàng đã xuất không đơn giản chút nào. Thậm chí, có DN đã bị hệ thống mạng nội bộ của hải quan TP đưa vào diện chưa nộp thuế (vì chưa có quyết định chứng minh, dù thực chất đã xuất khẩu hết) nên không được nhập khẩu điều thô về chế biến.

Riêng đối với nông sản nguyên liệu trong nước sơ chế xuất khẩu như điều thô, hồ tiêu phải chịu thuế 5% khi thu mua, nếu xuất khẩu sẽ được hoàn lại phần này. Phần thủ tục hoàn thuế này tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế rất nhiêu khê.

Các DN cho rằng, thủ tục này thực chất chỉ làm khổ DN và thiệt hại Nhà nước vì phải nuôi thêm bộ máy theo dõi, giám sát và “làm lợi” cho những DN làm ăn không chính đáng cùng một số nhân viên làm thủ tục muốn được bồi dưỡng. Cũng như ngành chế biến điều nhân, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) kiến nghị Chính phủ miễn giảm thuế VAT để đơn giản hóa thủ tục và giảm bớt những phiền hà cho DN.

Thuế - ưu tiên cho nông sản thô hay chế biến?

Luật Đầu tư (khoản 2, Điều 27) quy định “chế biến nông sản…” được xếp hạng ưu đãi đầu tư đứng thứ hai chỉ sau nhóm hàng “sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo”. Nhưng Nghị định 158/2003/NĐ-CP (khoản 2, Điều 7) quy định rau quả (sản phẩm từ trồng trọt) chưa qua chế biến hoặc chỉ sơ chế (làm sạch, ướp đông, phơi sấy khô, bóc vỏ) ở khâu kinh doanh thương mại chịu mức thuế suất là 5%; trong khi đó, cũng nghị định trên ở khoản 3, Điều 7 lại quy định sữa, bánh, kẹo, nước giải khát và các loại thực phẩm chế biến khác phải chịu mức thuế suất là 10%.

Với quy định này phải chăng Nhà nước khuyến khích trồng sản phẩm rau quả chưa qua chế biến thay vì khuyến khích làm ra sản phẩm có hàm lượng GTGT cao thông qua việc chế biến đa dạng hóa sản phẩm? Chế biến là một trong những giải pháp tăng cường năng lực thu mua và bảo quản sau thu hoạch đối với việc tiêu thụ nông sản phẩm có tính mùa vụ.

Theo Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), với thực phẩm chế biến khác như nước ngọt sản xuất từ đường, hương liệu… thì rau quả chế biến cần phải được khuyến khích hơn, vì sản phẩm chế biến từ rau quả mang lại giá trị lợi ích thiết thực hơn cho sức khỏe cộng đồng và nhất là với bà con. Vì vậy, Vinafruit kiến nghị xem xét lại một số điểm chưa hợp lý về mức thuế GTGT các sản phẩm rau quả chế biến, ảnh hưởng không tốt đến DN đầu tư thiết bị để gia tăng tỷ lệ chế biến nhằm nâng cao phần giá trị sản phẩm.

Theo Thông tư số 129 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP của Chính phủ, các loại hàng hóa dịch vụ trong nông nghiệp không chịu thuế GTGT gồm: sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy hải sản nuôi trồng và đánh bắt chưa chế biến; sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng…; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp…

Công Phiên

Sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Mua căn hộ: Đau đầu vay vốn ngân hàng (29/06/2009)

>   HSBC (Việt Nam) được cung cấp dịch vụ tư vấn, đại lý phát hành và bảo lãnh phát hành trái phiếu (29/06/2009)

>   VPĐD Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation tại HN chấm dứt hoạt động (29/06/2009)

>   Hai tuần tăng lãi suất hai lần (29/06/2009)

>   BIC nhận bảo hiểm 564 tỷ đồng cho Agrimeco Tân Tạo (29/06/2009)

>   Có thể nới thêm tỉ giá VND/USD? (29/06/2009)

>   Vàng miếng giảm giá nhỏ giọt (29/06/2009)

>   Thị trường tài chính: Khuếch đại lợi thế (29/06/2009)

>   Phải xin phép NHNN khi bảo lãnh phát hành chứng khoán (29/06/2009)

>   Tiền Giang cho vay gần 1.900 tỷ đồng kích cầu (28/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật