Đã hết "quota" tỉ giá?
Động thái trên thị trường tiền tệ những ngày qua khiến nhiều người lo ngại tỉ giá có thể tiếp tục tăng khi Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tỉ giá theo hướng tăng dần kể từ đầu tháng 6.
Bên cạnh đó, những con số về nhập siêu tăng dần khiến thị trường lo ngại về mức độ thâm hụt thương mại sẽ cao, tác động tới tỉ giá.
"Nước nổi, bèo nổi"
Tỉ giá VND/USD theo công bố của NHNN trong ngày 18.6 đã giảm 1 đồng/USD sau khi đạt mức cao nhất vào ngày 17.6 là 16.952VND/USD. Đây là mức cao nhất tính từ ngày 1.4 trở lại đây. Tỉ giá liên NH đã ở trong trạng thái ổn định trong suốt hai tháng 4 và 5. Tuy nhiên, bước sang tháng 6, tỉ giá liên NH bắt đầu tăng nhẹ. Mức tăng được ghi nhận từng ngày. Bước nhảy cao nhất là 3 đồng/USD từ mức 16.949 đồng/USD của ngày 15.6 lên mức 16.952 đồng/USD của ngày 17.6 là 17.952 đồng/USD.
Bám sát động thái tăng tỉ giá giữa VND và USD của NHNN, các NHTM, theo ghi nhận và quan sát của NHNN, luôn bám sát mức kịch trần theo quy định. Tuy nhiên, trong mấy ngày trở lại đây cho thấy đã có dấu hiệu căng thẳng khi một số NHTM lớn bắt đầu áp dụng trở lại mức tỉ giá đồng nhất.
Ngày 18.6 là ngày thứ 5 liên tiếp NH Ngoại thương VN (Vietcombank) áp dụng mức tỉ giá đồng nhất giữa mua vào - chuyển khoản - bán ra. Theo công bố của Vietcombank, tỉ giá VND/USD áp dụng cho ngày 18.6 là 17.799VND/USD cho cả ba loại hình giao dịch. Mặc dù giảm 1đồng/USD so với ngày trước đó nhưng vẫn đứng ở mức cao so với mức đầu tháng 6. Tỉ giá VND/USD theo công bố của Vietinbank áp dụng cho cùng ngày giao dịch là 17,797 và 17,799VND/USD mua vào và bán ra.
Cùng ngày, SHB áp dụng mức tỉ giá 17.792VND/USD mua vào, 17.793VND/USD chuyển khoản và 17.793VND/USD bán ra... Nhiều dự đoán cho rằng, tỉ giá tăng cùng với chính sách lãi suất USD hạ thấp là nhằm điều chỉnh nguồn cung ngoại tệ cho các NHTM, tránh rơi vào tình trạng căng thẳng như trước đó.
Có chịu sức ép nhập siêu?
Mặc dù tính chung 5 tháng, con số nhập siêu của VN không lớn, chỉ 1,12 tỉ USD. Nhưng theo thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, khi nhập siêu trở lại thì con số nhập siêu lại tăng theo tháng. Tháng 4, VN nhập siêu 1,177 tỉ USD. Sang tháng 5, con số này đã tăng nhẹ lên 1,5 tỉ USD.
Trong một báo cáo của Standard Chartered Bank vừa công bố, xuất khẩu những tháng đầu năm của VN hết sức ảm đạm. Thâm hụt trong tháng 5 là 1,93 tỉ USD, 5 tháng là 1,13 tỉ USD. Tính chung cả năm, thâm hụt thương mại dự kiến khoảng 7 tỉ USD.
Tuy thâm hụt thương mại có tín hiệu giảm dần theo năm, nhưng các dòng vốn khác chảy vào thị trường VN trong 2009 rất khiêm tốn: Cam kết FDI giảm 76% xuống còn 6,7 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lượng giải ngân trong năm 2009 có thể thấp hơn 5 tỉ USD. Kiều hối được dự đoán là sẽ giảm xuống do sự suy yếu của thị trường lao động toàn cầu.
Mặc dù vậy, trong buổi gặp gỡ và trao đổi với báo chí ngày 17.8, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, tháng 5 có hai số liệu quan trọng ảnh hưởng tới tỉ giá là lạm phát năm 2009 thì cao nhất cũng là 6,7% so theo Nghị quyết của Chính phủ; nhập siêu cũng sẽ không quá 20% kim ngạch xuất khẩu (dự kiến là khoảng 10 tỉ USD).
Thống đốc NHNN cũng thông tin, Bộ Công Thương đã cam kết đảm bảo nhập siêu không quá 20%. "Như vậy sức ép về cung - cầu ngoại tệ cơ bản là không lớn" - Thống đốc khẳng định.
Đã hết "quota"?
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trong cuộc trả lời báo chí hồi trung tuần tháng 5 đã cho biết, nhằm tạo đà xuất khẩu cho năm 2009, cuối tháng 12.2008, NHNN đã phá giá VND 3%. Tiếp đó, ngày 24.3.2009, nhằm tạo ra khả năng linh hoạt hơn trong mua bán ngoại tệ giữa khách hàng và NH, NHNN đã điều chỉnh biên độ giao dịch từ 3% lên 5%.
Như vậy tổng cộng đến nay, NHNN đã cho phép khả năng VND mất giá tới 5%. "Hay nói một cách khác, nhằm tạo đà cho xuất khẩu, tránh tâm lý lo ngại việc mất giá mạnh của VND, tạo điều kiện ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và người dân, NHNN đã cấp trước "quota tỉ giá" cho cả năm 2009.
Trước biến động nhẹ của tỉ giá VND/USD trong những ngày qua, Thống đốc NHNN trong buổi gặp gỡ báo giới nói trên, cũng đã khẳng định không phá giá VND, không mở thêm biên độ cũng như thay đổi chính sách tỉ giá vì diễn biến tốt của thị trường.
Mặt khác, kể từ khi có động thái hạ lãi suất USD của 3 NH quốc doanh và Vietcombank, các NHTMCP trung và nhỏ cũng đã đồng loạt hạ lãi suất đồng USD xuống mức cho vay cao nhất là 3%. Ghi nhận trên thị trường tiền tệ cho thấy, hoạt động bán USD của các DN xuất khẩu đã tăng lên, có ngày lên tới 500 triệu USD (tương đương với con số thiếu hụt trên toàn hệ thống NH những ngày căng thẳng ngoại tệ trước đó). Đây là một dấu hiệu được cho là tích cực.
Trao đổi với PV Lao Động cuối giờ chiều ngày 18.6, TGĐ một NHTMCP hạng trung cho biết, trong tháng 5, NH của ông đã mua được 5 triệu USD từ các DN. Cũng trong tháng 5, NH này đã bán ra 1,403 triệu USD cho DN và người dân có nhu cầu.
"Thị trường không còn căng thẳng như trước. NH hiện đã tích trữ được một lượng tương đối nhiều USD và trong trường hợp các DN cần, NH vẫn có thể đáp ứng". Tuy nhiên, những giao dịch mua - bán của NH này chủ yếu diễn ra giữa NH và các DN truyền thống. Nguồn USD qua huy động vốn cũng tương đối nhiều, DN vay ngoại tệ đã tăng mạnh, nhưng cho vay mới chỉ chiếm 50% số vốn mà NH này hiện có.
Nói về lãi suất huy động USD, vị TGĐ NH này cho rằng, hiện đã ở mức hợp lý, thấp quá sẽ khó huy động vốn. Theo ông, lãi suất huy động USD trong ngắn hạn có thể vẫn được giữ nguyên để đảm bảo cho huy động vốn.
Lưu Thủy
Lao động
|