Công ty Mỹ đua tìm “thiên đường thuế” mới
Nói tới quần đảo Bermuda ngoài khơi Thái Bình Dương, người ta nghĩ ngay tới một thiên đường nhiệt đới với bờ cát dài màu hồng, những hàng dừa, những mái nhà lợp lá cọ và những sân golf xanh mướt. Tuy nhiên, hòn đảo nhỏ bé này còn được biết tới với tư cách là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn toàn cầu.
Nhiều năm qua, cùng với hai quần Cayman Islands và British Virgin Islands thuộc vùng Caribbean, Bermuda đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho vô số những doanh nghiệp trên khắp thế giới đi tìm kiếm sự ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, lo ngại gia tăng thời gian qua về việc nước Mỹ sẽ áp dụng chính sách mới nhằm ngăn chặn hành vi trốn tránh nghĩa vụ thuế đang khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ chuyển đăng ký từ những quần đảo này sang những địa điểm khác trên thế giới.
“Thiên đường” mới
Từ tháng 10 năm ngoái tới nay, đã có ít nhất 6 tập đoàn lớn của Mỹ, bao gồm Tyco International, Noble và Ingersoll-Rand xin chuyển đăng ký kinh doanh sang Ireland hoặc Thụy Sỹ. Hai quốc gia này tuy có mức thuế suất cao hơn ở na quần đảo nhiệt đới nói trên, nhưng lại áp dụng mức tiết kiệm thuế (tax savings) ở Mỹ và châu Âu. Thêm vào đó, cả hai quốc gia này đều đã có những hiệp định thuế lâu năm, theo đó quyết định nước nào có quyền đánh thuế ưu tiên và giúp tránh đánh thuế hai lần.
Xu hướng chuyển đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp lớn của Mỹ xuất hiện giữa lúc chính quyền của Tổng thống Barack Obama và các nhà làm luật thuộc đảng Dân chủ của nước này có những bước đi mạnh mẽ hơn tiến tới việc ngăn chặn các hành vi trốn thuế doanh nghiệp ở nước ngoài. Dư luận đã dành sự chú ý lớn cho lời kêu gọi của Nhà Trắng đòi chấm dứt quy định cho phép các doanh nghiệp Mỹ được trì hoãn việc nộp thuế đối với các khoản lợi nhuận thu được ở nước ngoài.
Thêm vào đó, kế hoạch này còn kiểm soát ngặt nghèo hơn việc chuyển lợi nhuận từ một chi nhánh nước ngoài của công ty Mỹ sang một chi nhánh khác có đăng ký hoạt động ở “thiên đường thuế”. Một đạo luật do Thượng nghị sỹ Carl Levin bên phía đảng Dân chủ khởi xưỡng còn đề xuất đánh thuế các doanh nghiệp đặt trụ sở ở những địa chỉ bị xem là “thiên đường thuế” như những doanh nghiệp đặt trụ sở tại Mỹ nếu như những doanh nghiệp này cũng được quản lý và kiểm soát từ nước Mỹ.
Hiện còn chưa rõ những đề xuất này sẽ đi đến đâu, nhưng các công ty có khả năng chịu ảnh hưởng đã nhanh chân di chuyển trụ sở chính thức từ các “thiên đường thuế” hiện nay sang Ireland và Thụy Sỹ. Theo ông Paul Schmidt, người đứng đầu bộ phận thuế quốc tế tại công ty tư vấn luật Baker Hostetler, mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Thụy Sỹ là 24%, nhưng mỗi địa phương ở nước này lại áp dụng những mức thuế suất cạnh tranh nhằm thu hút doanh nghiệp.
“Việc được giảm mức thuế suất 8-10% là hoàn toàn dễ dàng”, ông Schmidt nói. Nếu vậy, đây thực sự là một khoản tiết kiệm chi phí lớn nếu so với mức thuế suất liên bang 35% áp dụng ở Mỹ.
Tại Ireland, thuế suất thuế doanh nghiệp là 12,5%, thêm vào đó, cơ quan thuế của nước này có quan hệ chặt chẽ với Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS). Giới phân tích cho rằng, với mối quan hệ mật thiết này, sẽ không có chuyện chính quyền Obama thay đổi những cam kết giữa hai bên.
Lý do để ở lại Mỹ
Dịch chuyển tới Ireland và Thụy Sỹ ở mức độ nào là tùy thuộc vào từng doanh nghiệp. Một số công ty như hãng khoan dầu ngoài khơi Transocean hay hãng dịch vụ dầu khí Weatherford thì muốn chuyển toàn bộ ban lãnh đạo cao cấp tới Thụy Sỹ. Trong khi đó, hãng sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe Covidien thì muốn rời trụ sở chính tới Dublin, nhưng vẫn duy trì ban lãnh đạo cao cấp tại bang Massachussett, Mỹ.
Các chuyên gia về thuế dự báo, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn ở những công ty vẫn đang đăng ký kinh doanh ở các quần đảo “thiên đường thuế”. Theo ước tính của hãng nghiên cứu Capital IQ, ba quần đảo Bermuda, Caymans và British Virgin vẫn là “nhà” của 55 công ty với giá trị vốn hóa thị trường trên 500 triệu USD. Các chuyên gia cho rằng, các hãng bảo hiểm sẽ là đối tượng doanh nghiệp tiếp theo chuyển khỏi các quần đảo này.
Tuy nhiên, ít có khả năng các công ty hiện đang đăng ký kinh doanh ở Mỹ sẽ đi theo xu hướng này. Lý do chính ở đây là khoản tiền nộp để rời đi (khoản thuế đánh dựa trên mức hao hụt doanh thu của IRS do không được thu thuế từ lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp chuyển đi) là quá lớn.
Một số công ty cũng lo không giữ được chân trong chỉ số S&P500 của thị trường chứng khoán Mỹ, khiến giá cổ phiếu của họ bị bán đổ bán tháo. Thực tế này đã xảy ra đối với nhiều công ty chuyển đăng ký kinh doanh khỏi Mỹ. Thêm vào đó, nhiều công ty còn e ngại họ sẽ mang cho mình một hình ảnh gây tranh cãi khi có đăng ký kinh doanh ở những địa chỉ bị xem là “thiên đường thuế”.
Tuy nhiên, các công ty Mỹ đang đăng ký kinh doanh trong nước vẫn không loại trừ hoàn toàn khả năng chuyển trụ sở. “Mặc dù có nhiều thiệt hại nếu chuyển đi, nhưng trong dài hạn, doanh nghiệp vẫn cần phải nâng sức cạnh tranh. Nếu tới một lúc nào đó, doanh nghiệp của bạn không thể cạnh tranh hiệu quả nữa, bạn sẽ phải cân nhắc mọi lựa chọn”, ông J. Erik Fyrwald, Giám đốc điều hành của hãng xử lý nước Nalco - công ty có giá trị thị trường 4,2 tỷ USD - nói.
Kiều Oanh (Theo Business Week)
TBKTVN
|