Cổ phiếu ngân hàng chuẩn bị lên sàn: Chọn giá nào ?
Gần đây người ta đưa ra rất nhiều ước đoán (và kể cả tuyên bố) về giá cổ phiếu cho NHTMCP Ngoại thương VN (VCB) và Ngân hàng cổ phần Công thương VN (VietinBank) khi chào sàn niêm yết. Các mức giá này đã gây ra khá nhiều băn khoăn cho nhà đầu tư. Vậy cơ sở của các ước đoán, các tuyên bố về giá chào sàn và những vấn đề đáng quan tâm đối với nhà đầu tư hiện nay đối với cổ phiếu ngành này là gì ?
Nhớ lại rằng, trong giai đoạn từ 2005-2007, khi TTCK VN nổi như cồn thì mọi thứ VCB đưa ra đều đắt như tôm tươi, trong đó có cả tuyên bố về thứ trái phiếu có thể được xem xét chuyển đổi thành cổ phiếu làm cho những nhà đầu tư “nhẹ dạ” dễ nhầm lẫn và đầu tư với mọi giá. Vấn đề trái phiếu lập lờ này cũng đã để lại một dấu ấn khó quên về trái phiếu VCB.
Thị trường là đáng tin cậy
Về giá cổ phiếu VCB, theo các chuyên gia tư vấn cổ phần hoá, giá cổ phiếu VCB hợp lý nhất thời điểm 2007 là từ 40.000 - 70.000 đ/cổ phiếu... Thế nhưng cổ phiếu VCB đã được IPO với giá trên 100.000 đ/cổ phiếu. Khi đó các cổ đông coi việc mua được cổ phiếu VCB là mua được vàng và như có được một sự may mắn... Một số chuyên gia quốc tế cho rằng, khi thị trường bong bóng, giá VCB cũng bị bong bóng tương ứng là tất nhiên và chỉ có điều kiện thị trường bình thường thì giá không bị bóp méo. Thực tế cho thấy, giá cổ phiếu VCB thời gian qua được giao dịch chủ yếu 30.000 đ/cổ phiếu trên thị trường OTC. Riêng về cổ phiếu VCB, vì sự sụt giá này nên đã từng xuất hiện tư tưởng xin “bù lỗ” cho các cổ đông VCB theo kiểu hình thức bán thêm cổ phiếu giá thấp cho riêng các cổ đông không phải là nhà nước (SCIC). Quan điểm “bù lỗ” này được dựa trên một lập luận rằng các cổ đông VCB (phần lớn là cán bộ VCB) từ “ưu đãi bị chuyển thành ngược đãi” hay “cần giữ lấy cán bộ giỏi của VCB”... Tuy nhiên nếu vấn đề được tư duy theo quan điểm thị trường “lời ăn lỗ chịu” thì quan điểm “bù lỗ” cho các cổ đông VCB là kém thuyết phục. Một số quan điểm khác còn cho rằng, cách bù lỗ ấy sẽ mài mòn tài sản của Nhà nước do tỷ lệ sở hữu nhà nước sẽ bị giảm...
Về giá cổ phiếu VietinBank, gần đây người ta loan tin rằng cổ phiếu ngân hàng này khi chào sàn sẽ là 50.000 đ/cổ phiếu, gấp hơn hai lần giá IPO (khi IPO giá cổ phiếu VietinBank là trên 20.000 đ/cổ phiếu).
Với điều kiện thị trường vừa qua, chỉ chưa đầy 2 tháng chỉ số chứng khoán VN đã tăng 100%, khi nền kinh tế thực chưa có chuyển biến thực sự thì các chuyên gia cho rằng thị trường đang ở tình trạng bong bóng. Về giá cổ phiếu VietinBank chào sàn, với kinh nghiệm và bài học từ cổ phiếu VCB thời bong bóng năm 2007, rõ ràng việc loan tin hay công bố giá chào sàn cổ phiếu của VietinBank là 50.000 đ/cổ phiếu dường như cũng bị chi phối bởi yếu tố bong bóng giá chứng khoán mấy tháng qua ở VN. Vào thời điểm hiện nay, như phiên 23/6/2009, giá cổ phiếu trên hai sàn đã giảm rất mạnh, các cổ phiếu tài chính ngân hàng giảm mạnh nhất. Điều này phản ánh các nhà đầu tư đã có sự điều chỉnh việc định giá của mình đối với các cổ phiếu tài chính ngân hàng.Yếu tố tăng cung hàng cho thị trường niêm yết của các đại gia lớn và như Bảo Việt, cùng các NHTM NN lớn cũng là yếu tố mà các nhà đầu tư đang có dấu hiệu điều chỉnh lại quan điểm đánh giá của mình một cách thông minh hơn. Trong điều kiện hiện nay và quan điểm định giá thông minh, các dấu hiệu loan tin, hay các yếu tố chưa chắc chắn chỉ được coi là tham khảo.
Yếu tố quản trị và giá cổ phiếu
Đến nay, nhà đầu tư nào cũng có thể biết rằng, các mục tiêu quan trọng của việc cổ phần hoá VCB, VietinBank là cải thiện quản trị, vốn, công nghệ của các ngân hàng này. Khi các mục tiêu này đạt được thì ngân hàng sẽ lành mạnh, hiệu quả và về ngắn hạn là cổ phiếu sẽ tăng giá ngay lập tức (trung hạn và dài hạn chưa bàn tới). Tuy hiện nay, tại các ngân hàng này các vấn đề mấu chốt trên đã lộ ra một số bất cập, hay còn những hạn chế nhất định và cần tiếp tục cải thiện.
Hiện tại, Nhà nước mới cổ phần hoá phần nhỏ các NHTMNN: VietcomBank có vốn điều lệ 12.100 tỷ đồng, ngày 30/6 tới sẽ niêm yết 112.285.426 cổ phiếu, tương đương 9,28% vốn điều lệ. Hiện SCIC nắm tới 90% vốn điều lệ tại VietcomBank; Trong khi đó với VietinBank, vốn điều lệ 13.400 tỷ đồng, trong đợt IPO ngày 25/12/2008, VietinBank bán đấu giá 53,6 triệu cổ phiếu - tương đương với 4% vốn điều lệ. Về niêm yết, ttheo Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa thông báo cơ cấu cổ phiếu niêm yết của VietinBank. Theo đó, VietinBank đăng ký niêm yết 134.000.000 cổ phiếu, chiếm 11,11% vốn điều lệ trên HoSE, trong đó 74.087.200 cổ phiếu được chuyển nhượng tự do; 33.112.800 cổ phiếu không được chuyển nhượng trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày VietinBank được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (cổ phiếu do cổ đông chiến lược trong nước nắm giữ) và 26.800.000 cổ phiếu không được chuyển nhượng (cổ phiếu do tổ chức công đoàn VietinBank nắm giữ).
Như vậy, với mức cổ phần hoá nhỏ này và đặc biệt chưa có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì vấn đề quản trị của ngân hàng chưa có nhiều chuyển biến về quản trị. Về bản chất cả VCB và VietinBank vẫn là NHTM NN hay NHTM quốc doanh. Hiện tại một số vấn đề về quản trị ngân hàng theo mô hình Cty cổ phần vừa được đưa vào ngân hàng trên phương diện giấy tờ. Ngay vấn đề cử người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại ngân hàng vẫn đang là “vấn đề rắc rối”. Theo báo giới, ở các Cty khác do SCIC quản lý vốn nhà nước, giữa SCIC và người đại diện vốn nhà nước có ký một thỏa thuận phân định rõ quyền lợi, trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước, nhưng tại ngân hàng khi cổ phần hoá, không hề có thỏa thuận này. Người ta quan ngại về tình trạng vốn một nơi, người quản lý một nẻo và cho rằng vấn đề quản lý vốn (trước tiên là vốn nhà nước) tại các NHTM NN sau cổ phần hoá đang còn bất cập. Hệ thống quản lý chi phí (như lương, thưởng,...) tại các ngân hàng này cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn vì rằng, chỉ ngay sau khi cổ phần hoá, các ngân hàng này đã tăng lương trong ban lãnh đạo lên tới hàng vài chục lần so với trước đây, bất chấp trào lưu cắt giảm lương ở khắp nơi trên thế giới và nền kinh tế nước nhà (các DN trong nước) đang gặp rất nhiều khó khăn. Ứng xử này phản ánh khả năng quản lý chi phí hay hoạt động hiệu quả của ngân hàng trong tương lai của ngân hàng?
Khi đầu tư vào cổ phiếu các ngân hàng mới chào sàn, các nhà đầu tư sẽ tham khảo giá trị DN qua các báo cáo tài chính. Tuy nhiên, thực trạng thị trường (bong bóng hay không, tình hình cung hàng trong tương lai gần như thế nào) và các vấn đề về thực trạng quản trị ngân hàng hiện nay và khả năng cải thiện trong tương lai gần sẽ quyết định giá chào hàng đích thực của các hai NHTM NN đầu tiên của VN sau cổ phần hoá.
Ths Lê Văn Hinh
diễn đàn doanh nghiệp
|