Chơi chứng khoán kiểu “bịt mắt bắt dê”
Thị trường chứng khoán (TTCK) đang khiến những nhà đầu tư can đảm nhất phải e ngại với những phiên điều chỉnh tăng giảm liên tiếp. Tuy nhiên, sức hút lợi nhuận lớn của thị trường giai đoạn này vẫn kéo hàng loạt nhà đầu tư cảm tử lao vào.
Gượng dậy vào phiên ngày 17/6 sau hai phiên giảm sàn, nhưng Vn-Index vẫn mất gần 40 điểm tính từ đầu tuần (15/6), đẩy chỉ số này xuống mốc trên 470 điểm.
Giá trị giao dịch trên cả hai sàn Hose và HaSTC đã giảm từ 5000 tỷ đồng/phiên xuống còn xấp xỉ 4000 tỷ đồng/phiên trong hai phiên gần đây. Nhưng bất chấp những điều chỉnh, rung lắc mạnh của thị trường một luồng tiền lớn vẫn đang rót vào chứng khoán (CK) một cách đều đặn.
“Say” chứng khoán
Câu chuyện của TTCK giữa năm 2009 đang được so sánh với sự lặp lại của kịch bản cùng thời điểm này năm 2007. Vn-Index đã tăng nóng từ mốc 230 điểm hồi tháng 2/2009 lên mốc gần 520 điểm vào đầu tháng 6/2009, kéo theo đó là hàng loạt mã blue chips lẫn penny tăng nóng tới cả 100%, thậm chí là 200-300% như KLS, STB, PVF…
Có mặt trên các sàn CK như VNDirect, VNS, FPT… mới thấy hết sức nóng của CK, khi “người người chơi chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán”. Chị Nguyễn Thu Hà (Công ty TNHH Vinatrans – Hà Nội) đã rút tiết kiệm gần 100 triệu đồng đổ vào CK thời điểm thị trường ở ngưỡng đáy nhất (tháng 2/2009). NĐT này đã có thể hài lòng với “tiền sinh tiền” khi các mã PVF SHB hay ITA của chị đã cho lãi suất xấp xỉ trên dưới 100%.
Các CT CK sau đợt “thập tử nhất sinh” đã bắt đầu gượng dậy nhờ nguồn phí không nhỏ từ dịch vụ môi giới. Cổ phiếu CK cũng trở thành các mã “hot” với mức tăng mạnh, điển hình như mã KLS của CTCK Kim Long.
Không cần biết tới các chỉ số kỹ thuật hay sức khoẻ các cổ phiếu, các NĐT cảm tử này lao vào thị trường, mua những con giá vừa phải và chờ đợi thị trường lên. Điểm dễ nhận diện kiểu đầu tư cảm tính này chính là trạng thái nghe ngóng và mua- bán theo tâm lý đám đông. Tâm lý bầy đàn đã tạo nên kiểu tranh mua hoặc tranh bán ồ ạt. Điều này lý giải vì sao trong hai phiên điều chỉnh ngày 15/6 và 16/6 thị trường đã chứng kiến phiên xả hàng hàng loạt, lệnh dư bán những bluechips lên tới hàng triệu cổ phiếu. Các NĐT nhỏ và “lướt sóng” đã theo chân nhau đua bán hàng loạt với mức giá sàn, một phần vì chốt lời, phần khác vì sợ hãi càng đẩy CK xuống thảm hại.
Nhìn nhận về cơn “say” CK của thị trường, một chuyên gia đã nhận xét: không phải những tín hiệu tốt lên của nền kinh tế hay sức kéo từ các TTCK lớn, chính tâm lý NĐT đang “hướng đạo” thị trường. Bất cứ những “mật báo” rỉ tai nhau giữa các NĐT về xu hướng của ngành nào (ngân hàng, CK hay bất động sản) cũng có thể tạo sóng với các mã CK ngành ấy.
Tuy nhiên, thời điểm thị trường nóng nhất cũng là lúc các NĐT dày dạn tỏ ra lo ngại việc CK đang bị làm giá với những đợt “bull-trap” do các quỹ, các tổ chức thao túng thị trường gây ra.
Học cách tỉnh táo
Dòng tiền khổng lồ đổ vào CK nhanh chóng rồi cũng rút ra nhanh chóng đã khiến nhiều người phải nghi ngại về nguồn gốc dòng tiền nóng này. Đa phần cho rằng đây là nguồn tiền từ hỗ trợ lãi suất, và một phần từ các kênh đầu tư khác như vàng, USD hay bất động sản chuyển sang. Câu hỏi đặt ra là khi dòng tiền này đã “đủ no” lợi nhuận và rút đi, thị trường sẽ bị tác động ra sao?
Chưa dễ trả lời câu hỏi này, nhưng dễ thấy nếu dòng tiền khổng lồ của các quỹ, các tổ chức lớn rút đi, thị trường sẽ còn trơ lại những NĐT nhỏ lẻ - những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Song, nhìn ở khía cạnh khác, NĐT thời điểm này đã không còn là NĐT của năm 2007. Tổn thất lớn sau đợt vỡ bong bóng CK đã dạy cho các NĐT say máu nhất bài học cẩn trọng. Bởi thế, dù khá thất thường nhưng đa phần những điều chỉnh của thị trường đều được nhận diện từ trước. Sau đợt tăng nóng liên tiếp từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, đa phần các NĐT đều cho rằng thị trường chắc chắn sẽ điều chỉnh mạnh trong tháng 6 này.
Diễn biến khó lường của thị trường đang được xem như dấu hiệu làm giá và đầu cơ quá mức. Có người đã ví thị trường là cuộc tranh đấu của bầy sói và đàn cừu, mà đàn cừu là các NĐT nhỏ lẻ say lợi nhuận và thiếu tỉnh táo. Những cuộc làm giá, đầu cơ được tính toán kỹ lưỡng đã đẩy lợi nhuận nhiều mã CK vọt lên 200-300%, vượt quá giá trị thực và quá đắt đỏ so với chính thị trường.
Cả Vn-Index lẫn HaSTC-Index đều đang trầy trật vượt các ngưỡng kháng cự trước khi bước vào cuộc leo dốc mới. Những người tỉnh táo nhất đa phần đều “bó tay” trước diễn biến đường đi của thị trường, song rất nhiều NĐT vẫn kỳ vọng khấp khởi vào các mốc tương lai của Vn-Index (600 hoặc 700 điểm).
Nhưng có lẽ, trước khi kỳ vọng NĐT cần lưu ý tới các cảnh báo liên tiếp được đưa ra về độ nóng của thị trường, tránh cho mình số phận làm “vật thế thân” cho các NĐT giàu kinh nghiệm đã kịp chốt lời.
Anh Đông
Tổ quốc
|