Vụ náo loạn "chợ" OTC MB: "Đại gia"... không tiền
Cơ quan điều tra đã xác định được "đại gia" đứng tên mua 1,6 triệu cổ phiếu trên “Sàn OTC MB”. Nhưng khi được gọi lên thì "đại gia" này không những không biết gì về vụ mua bán này, mà còn lộ rõ là một người chẳng có xu nào.
Đến hết 7/5, tròn 2 ngày “Sàn OTC MB” tại Ngân hàng TMCP Quân đội (số 16 phố Liễu Giai, Hà Nội) không có giao dịch nào.
Hàng trăm nhà đầu tư chỉ xúm xít, tranh cãi về cách giải quyết gần 1,6 triệu cổ phiếu giao dịch từ hôm 5/5. Chưa có phương án nào nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhà đầu tư, sàn giao dịch OTC tự phát này có nguy cơ... tự giải tán.
“Đại gia” mua gom: Không tiền
“Sóng gió” nổi lên vào cuối ngày giao dịch 5/5 khi hàng trăm nhà đầu tư ngơ ngác vì số cổ phiếu mình bán đi, đã làm thủ tục chuyển chủ nhưng không nhận được đồng nào, kể cả tiền đặt cọc.
Các môi giới cổ phiếu đứng ra thu gom cũng tỏ ra ngơ ngác chẳng kém và cho biết không nhận được tiền từ người mua. Lô cổ phiếu này chừng 1,6 triệu với giá trị tương đương 32 tỷ đồng, tính theo giá mua bán bình quân cùng ngày.
Theo đề nghị của nhà đầu tư, số cổ phiếu này đã được Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) phong tỏa. Bà Nguyễn Thị Ngọc, Chánh văn phòng HĐQT MB cũng xác nhận chuyện lô cổ phiếu đó được một người giao dịch nhưng không thanh toán.
Điều đáng nói là, việc giao dịch cổ phiếu OTC vẫn chưa được bảo hộ của pháp luật và việc hình thành các điểm giao dịch là tự phát. Nhà đầu tư gọi đó là các “chợ” và họ giao dịch với nhau dựa trên cơ sở niềm tin. Tức là, hai bên tiến hành giao dịch, thực hiện chuyển tên với sự giúp đỡ của đơn vị phát hành cổ phiếu.
Việc thanh toán tiền được thực hiện sau đó. Tại các “chợ” này, nhà đầu tư cũng có thể là nhà môi giới và họ hưởng chênh lệch khi môi giới thuộc các “cấp” khác nhau. Các giao dịch đều không có hợp đồng và mua bán theo cách hàng đưa trước, tiền nhận sau mà không cần phải “tiền trao, cháo múc”.
Ngày 6/5, cơ quan điều tra cũng đã xác định được người đứng tên mua số cổ phiếu này là Dũng. Nhưng khi được gọi lên, người này lại không biết gì về chuyện mua bán, chứng minh thư của anh này đã được sử dụng và anh cũng cho biết rằng chứng minh thư đã được cho mượn từ trước đó.
Nhiều người cho rằng, đây là một giải thích khá khiên cưỡng vì chứng minh thư là vật tuỳ thân của mỗi công dân, việc cho mượn vì bất cứ lý do gì đều khó có thể chấp nhận. Đằng này, sự việc xảy ra lại là một chuyện không hề tốt đẹp gì. Nếu người cho mượn vì kém hiểu biết, bị lợi dụng thì đương nhiên việc xác định danh tính, mục đích của người đi mượn cũng không khó.
Cân nhắc giữa hình sự và dân sự
Hiện tại, cơ quan điều tra vẫn đang tiến hành thu thập thông tin, nắm tình hình tại chỗ và bước đầu đã xác định được phương thức của người đứng ra thực hiện vụ mua bán này. Vì chỉ có niềm tin với nhau nên một nhà đầu tư, thông qua các môi giới lớn tại sàn để gom toàn bộ cổ phiếu MB.
Môi giới lớn ở đây thực ra là những người có tiềm lực, uy tín và đã xác định được vị trí của mình với các nhà đầu tư tại sàn từ lâu. Các môi giới lớn này lại triển khai mua gom thông qua các môi giới nhỏ hơn. Và cuối cùng, toàn bộ 1,6 triệu cổ phiếu MB được dồn cho một người chỉ trong 1 ngày.
Sàn OTC MB chỉ là sàn tự phát và cũng là sàn có hoạt động sôi động nhất hiện nay còn “sống” tại Hà Nội dù không có bất cứ sự bảo hộ nào từ cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, tại đây, MB cũng cho đặt bàn hỗ trợ giao dịch và thu phí.
Nhà đầu tư khi tiến hành chuyển nhượng cổ phiếu của mình thì đến bàn này thực hiện. Thủ tục cực kỳ đơn giản, người mua chỉ cần có chứng minh thư photo là có thể vào tên mua được rồi. Đây cũng chính là một kẽ hở khiến cho 1,6 triệu cổ phiếu MB được chuyển sang cho người có tên là Dũng thành công trong ngày 5/5.
Cho đến ngày 7/5, việc xác định xử lý vụ việc này theo hướng dân sự hay hình sự vẫn còn chưa được khẳng định. Rắc rối phát sinh ngay tại các nhà đầu tư khi họ không thể thống nhất với nhau về cách giải quyết.
Dù thế, họ cùng thống nhất rằng để giải quyết việc này rất đơn giản, có hai cách: Thứ nhất, MB sẽ đứng ra làm trung gian và hủy đi các giao dịch được thực hiện trong ngày 5/5, vậy là cổ phiếu của ai thì người ấy nhận lại.
Thứ hai, các nhà đầu tư có thể khởi kiện dân sự với người mua để đòi tiền. Ở cách thứ nhất, nhiều nhà đầu tư đã chấp nhận nhưng đại đa số lại cho rằng nếu làm thế thì sàn OTC MB sẽ tự giải tán.
Nhà đầu tư không còn tin nhau nữa vì việc đó có thể tạo ra tiền lệ xấu để sau này ai muốn “chơi xấu” kiểu mua chơi rồi không trả tiền thì cứ tha hồ mà làm. Việc này còn có hệ quả rất tồi tệ là có thể bị nhà đầu tư xấu sử dụng để kìm giá khi giá xuống và kéo giá lên khi họ muốn bán.
Thực chất, đó là hành vi thao túng thị trường. Còn khởi kiện dân sự thì quá phức tạp, mà người mua thì đã lộ rõ là không có xu nào, vậy kiện đến bao giờ thì đòi lại được tiền?
Theo nhận định của cơ quan điều tra, hành vi đặt mua rồi không trả tiền có khả năng của một vụ đầu cơ trục lợi.
Vietnamnet
|