Thứ Năm, 28/05/2009 11:23

Sàn UpCom: Gần và xa

Ngày khai trương sàn giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (UpCom) được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (Hastc) trù liệu vào cuối tháng 6-2009. Cơ sở hạ tầng cho sàn như khung pháp lý, công nghệ đã tạm ổn, nhưng vấn đề cốt yếu là hàng hóa vẫn chưa thể chốt lại được.

Gần

Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường của UBCKNN, cho biết phải sang tuần thứ hai của tháng 6 mới có thể chốt danh sách các công ty đại chúng tham gia sàn UpCom. Một trong những “lực lượng” chính của sàn này là cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên khác với những ngành nghề khác, ngân hàng muốn lên sàn UpCom cũng phải có ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Các ngân hàng sẽ phải tính đến thời gian chờ đợi cho thủ tục đó. Mới đây Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị hỗ trợ các ngân hàng kịp thời tham gia sàn UpCom. Ngoài ra UBCKNN và Hastc cũng đốc thúc các công ty chứng khoán tư vấn những doanh nghiệp đang ủy quyền cho họ quản lý sổ cổ đông lên sàn. Ông Sơn nói một số doanh nghiệp dạng này đã tự nguyện tham gia và đã hoàn tất hồ sơ.

Việc đầu tiên mà các công ty lên sàn UpCom phải thực hiện là lưu ký tập trung cổ phiếu. Lưu ký tập trung là quy định bắt buộc đối với các công ty đại chúng và ngày cuối cùng để tiến hành, theo quy định của ủy ban, là 18-6-2009. Để khuyến khích các công ty, cơ quan quản lý chưa đưa ra bất kỳ hình phạt nào, kể cả hành chính, đối với những đơn vị lưu ký chậm trễ.

Song có thể thấy rằng việc chậm trễ tất yếu xảy ra bởi số lượng công ty đại chúng đăng ký với UBCKNN lên tới hàng ngàn, trong khi thời gian lưu ký còn lại chưa đầy ba tuần. Để kịp thời gian, mỗi tuần phải có 400-500 công ty lưu ký và chưa thể biết liệu Trung tâm Lưu ký có quá tải. Lẽ ra Trung tâm Lưu ký phải cập nhật hàng tuần, hàng ngày lượng công ty đại chúng đã lưu ký cổ phiếu.

Những trục trặc về kỹ thuật như trên, nếu có, sẽ không khó tháo gỡ. Cái khó nhất hiện nay vẫn là số lượng doanh nghiệp lên sàn UpCom. Công ty Chứng khoán Kim Long cho biết quan điểm của các đơn vị ủy quyền quản lý sổ cổ đông cho công ty là “nếu lên thì lên sàn chính thức, không lên sàn UpCom vì sàn UpCom không ưu việt hơn sàn TPHCM và Hà Nội, trong khi thời gian thanh toán của UpCom vẫn là T+3”. Trước đây biên độ dao động của sàn UpCom dự kiến là cộng trừ 20% và nhà đầu tư có thể mua bán cùng một loại cổ phiếu ngay trong ngày.

Nhưng nay biên độ sàn UpCom dự định chỉ là ±10% và nhà đầu tư cũng không được vừa mua vừa bán cùng một loại cổ phiếu trong một phiên. Với hai điều khoản chặt chẽ như vậy, tính hấp dẫn của sàn UpCom đã giảm đi.

Ngoài ra điều kiện thanh toán T+3 là lực cản lớn cho UpCom.

Các cổ phiếu OTC hiện được giao dịch với thời hạn thanh toán T+0, không giới hạn biên độ. Nhà đầu tư vừa bán xong một cổ phiếu, thấy giá xuống có thể mua lại liền. Đó là chưa kể không có tiền hoặc có ít tiền, thậm chí không có cổ phiếu cũng có thể giao dịch OTC được. Trong khi trên sàn UpCom phải có đủ tiền trong tài khoản mới được mua và có cổ phiếu trong tài khoản mới được bán.

Xa

Đó là những nét phác thảo gần của UpCom. Còn phác thảo xa thì sao? Các ngân hàng nhận xét sàn UpCom không phải là đích hướng đến của họ cho sự minh bạch của doanh nghiệp hay tăng thanh khoản cho cổ phiếu. Không có sàn UpCom cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch được và vẫn thuộc loại thanh khoản cao nhất thị trường như cổ phiếu Eximbank, Ngân hàng Quân đội.

Một số ngân hàng cổ phiếu không thanh khoản thì lại càng không muốn lên UpCom để... thanh khoản. Cổ đông chi phối của một ngân hàng nói tham gia UpCom lỡ các tổ chức bán bớt cổ phiếu, thay đổi cơ cấu cổ đông, họ sẽ bị ở vào thế “cô đơn”, chịu sức ép lớn.

Bởi thế ban giám đốc ngân hàng đã thuê công ty chứng khoán làm hồ sơ tham gia UpCom, nhưng chủ tịch hội đồng quản trị không đồng ý. Ông nói ngân hàng vốn điều lệ 1.400 tỉ đồng, bốn tháng đầu năm đã lãi 132 tỉ đồng, bằng gần 10% vốn, cuối năm cứ thế chia cổ tức cao, lên UpCom làm gì cho... mệt, rồi mua mua bán bán cổ phiếu, “lộn xộn” lắm!!!

Ngân hàng Eximbank và Ngân hàng Quân đội đã sẵn sàng cho việc lưu ký tập trung, nhưng cũng sẽ chưa tham gia UpCom. Ông Trần Miên Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cho biết Rồng Việt sẽ vẫn là tổng đại lý giao dịch cổ phiếu Eximbank. Các giao dịch phát sinh sẽ được Rồng Việt báo lên Trung tâm Lưu ký để tiện cho việc quản lý.

Các công ty chứng khoán khác cũng đang xin được làm đại lý để chuyển nhượng cổ phiếu cho những công ty lưu ký tập trung nhưng không tham gia UpCom. Trên thực tế, một khi lưu ký tập trung là quy định bắt buộc, các công ty đại chúng đều phải tiến hành. Vấn đề là khi lưu ký xong rồi, mà doanh nghiệp không lên UpCom thì cổ phiếu sẽ không có chỗ giao dịch. Công ty chứng khoán làm đại lý giao dịch sẽ lấp lỗ hổng này.

Một trong những đối tượng tích cực lên sàn UpCom là công ty chứng khoán. Hiện cả nước có hơn 100 công ty chứng khoán và còn 4-5 hồ sơ đang chờ cấp phép. Sự tăng giá của cổ phiếu chứng khoán thời gian qua là động lực chủ yếu khiến các công ty chứng khoán “dưới sàn” lên sàn. Họ kỳ vọng lên sàn giá cổ phiếu sẽ tăng. Tuy nhiên khi nguồn cung cổ phiếu chứng khoán dồi dào, biết đâu cầu sẽ không còn được như hiện nay.

Hải Lý

TBKTSG ONLINE

Các tin tức khác

>   Hậu “đầu tư bằng cục gạch” (28/05/2009)

>   Thêm 2 DN góp vốn vào Nhiệt điện Quảng Ninh (27/05/2009)

>   Kết quả đăng ký tham gia đấu giá CP của Cty TNHH 1 TV kinh doanh nước sạch Hòa Bình (27/05/2009)

>   CTCP Hùng Vương: Tạm ứng cổ tức đợt 1/2009 (27/05/2009)

>   Coma 18 chào bán cổ phiếu ra công chúng (27/05/2009)

>   Coteccons phát hành 6 triệu CP thưởng cho CĐ hiện hữu (27/05/2009)

>   Đăng ký đầu tư dự án điện gió thứ 2 tại Côn Đảo (27/05/2009)

>   Một công ty, 2 danh sách cổ đông (27/05/2009)

>   Sacomreal: ĐHĐCĐ thường niên năm 2009 (27/05/2009)

>   Tranh cãi việc đưa hai "đại gia" bia rượu lên sàn (27/05/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật