Thứ Bảy, 23/05/2009 07:06

Khu đất “vàng” bị lãng phí nhiều năm

Việc xử lý chậm chạp sai phạm của Công ty Cổ phần Rượu Bình Tây đang gây lãng phí lớn và làm mất lòng tin người dân

“Mới đây, TPHCM phải vay 2.000 tỉ đồng, rồi đang phải xin vay tiếp 5.000 tỉ đồng hiện chưa biết có được không để chi cho đầu tư phát triển, thì ở quận 6 lại có mặt bằng trị giá vài ngàn tỉ đồng mấy năm qua nằm phơi sương, phơi nắng. Lãng phí vô cùng và không thể chấp nhận!”. ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, bức xúc khi giám sát về tình hình sử dụng đất của Nhà máy Rượu Bình Tây vào chiều 22-5.

Đất xài lãng phí, công trình xây “lụi”

Từ giữa năm 2007, Báo NLĐ đã liên tiếp có những bài viết phản ánh về tình hình sử dụng lãng phí khu đất có diện tích gần 12 ha tại số 621 Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6 - TPHCM do Công ty Cổ phần Rượu Bình Tây (RBT) quản lý và sử dụng, dù khu đất này đã hết hạn thuê từ ngày 31-12-2006. Công ty RBT không những đã sử dụng mặt bằng 621 lãng phí nhiều năm liền mà còn cho 16 đơn vị khác thuê lại làm nhà xưởng sản xuất, gây ô nhiễm môi trường. Dù UBND TPHCM đã nhiều lần yêu cầu công ty này trả lại mặt bằng và di dời cơ sở sản xuất, nhưng đơn vị này vẫn cứ chây ì. Chưa hết, trong khi việc bàn giao đất giậm chân tại chỗ thì Công ty RBT liên tục xây dựng không phép nhiều công trình lớn. Cụ thể là hai nhà kho rộng hơn 2.200 m2 và 9.180 m2. Đến tháng 12-2006, một hàng rào chiều dài 166 m với 18 cột bê tông cốt thép cao 2,7 m tiếp tục mọc lên cũng không hề có giấy phép.

Sau thời điểm này, HĐND TP đã tiến hành các cuộc giám sát, TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND quận 6 và các sở, ngành liên quan xử lý quyết liệt tình trạng lãng phí trên. Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) cũng được chỉ đạo tiến hành thanh tra tình hình sử dụng đất để có hướng xử lý triệt để. Tháng 5-2008, sau khi Sở TN-MT có báo cáo, UBND TP yêu cầu Công ty RBT chấm dứt ngay việc cho thuê lại kho, các cá nhân, tổ chức đang thuê kho phải di dời tài sản, hàng hóa ra khỏi khu đất và phải nộp ngay tiền thuê đất cho Nhà nước... Công ty RBT phải di dời ra khỏi địa bàn quận 6 vì doanh nghiệp này nằm trong diện phải di dời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên đến nay, không hiểu vì sao mọi việc vẫn chưa được giải quyết.

Xử lý nhùng nhằng

Tại buổi giám sát, ông Trần Hữu Trí, Phó Chủ tịch UBND quận 6, đưa ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc khiến cho địa phương hết sức lúng túng. Cụ thể, trong khi đang thực hiện chỉ đạo của TP về việc giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho toàn bộ khu đất số 621 Phạm Văn Chí (trong đó có cả Nhà máy RBT - PV) với diện tích khoảng 20 ha thì sau đó phải “chạy” theo quyết định khác về nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị. Theo đó, UBND quận 6 lại được giao làm “chủ xị” phối hợp với Sở Kế hoạch-Đầu tư lập phương án quy hoạch để mời gọi đầu tư. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, có trường hợp lại được TP giải quyết cho đơn vị được quyền chuyển mục đích sử dụng đất để lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng và khu nhà ở cao tầng... (!?). Còn việc xử lý những sai phạm trong xây dựng, theo cơ quan thanh tra xây dựng quận 6, việc thi hành các quyết định cưỡng chế các công trình sai phạm này còn chậm do “quy mô công trình vi phạm xây dựng lớn nên cần phải lập đủ hồ sơ bản vẽ, dự toán chi tiết...”.

“Nếu tất cả mọi việc đều làm chậm chạp như vậy, rõ ràng đang gây lãng phí lớn, song cái nguy hiểm hơn là làm mất lòng tin của người dân. Doanh nghiệp cũng nên tự nhìn lại mình vì những việc làm vừa vi phạm pháp luật vừa trái đạo lý...”- ông Nguyễn Minh Hoàng nói. Ông Hoàng đề nghị quận 6 và các đơn vị liên quan phải giải quyết nhanh những sai phạm của Công ty RBT. Phần diện tích đất gần 12 ha sẽ được quy hoạch cho các công trình phúc lợi xã hội hoặc đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn cho TP đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đáng tiếc!

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, việc đất công bị sử dụng lãng phí để phục vụ lợi ích của một nhóm doanh nghiệp được thuê đất Nhà nước, sau đó cho thuê lại với mức giá thị trường để hưởng chênh lệch là việc làm không thể chấp nhận. Thật đáng tiếc khi các khu đất có giá trị cao lại được sử dụng không hiệu quả trong lúc vốn đầu tư cho các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng của TP lại gặp khó khăn. Vì vậy trong thời gian sớm nhất, các đơn vị liên quan phải giải quyết dứt điểm vụ việc.

Bài và ảnh: Nguyễn Trần

Người lao động

Các tin tức khác

>   Đề nghị xử phạt lãnh đạo của Sabeco và Habeco (23/05/2009)

>   Maritime Bank cho Vinalines vay 500 tỷ đồng (22/05/2009)

>   IDJ Financial và BIDV ký thỏa thuận hợp tác toàn diện (22/05/2009)

>   DIC Corp: Phát hành thêm CP và trả cổ tức đợt III/2008 bằng CP (22/05/2009)

>   Cổ phần hóa Viện Nghiên cứu cơ khí (22/05/2009)

>   Vụ OCI: Giữ nguyên “tội” cũ, mắc thêm “tội” mới (22/05/2009)

>   Hai đại gia ngành bia - rượu - nước giải khát vi phạm Luật Chứng khoán (22/05/2009)

>   PNTC: Phát hành cổ phiếu thưởng và trả cổ tức năm 2008 (22/05/2009)

>   Dược phẩm Yên Bái dự kiến đạt 4,9 tỷ đồng LN năm 2009 (22/05/2009)

>   OTC: Kỳ vọng tan băng (22/05/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật