Khởi động cuộc đua UPCoM
Điểm khác biệt cơ bản trong Quy chế tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại TTGDCK Hà Nội (UPCoM) với giao dịch cổ phiếu niêm yết là khi mua cổ phiếu tại sàn UPCoM, nhà đầu tư có quyền thỏa thuận với CTCK nơi mình mở tài khoản về tỷ lệ ký quỹ, mà không cần thiết phải có đủ 100% tiền mặt.
Cuộc đua UPCoM
Cơ chế này được quy định tại Điều 16 Quyết định 108/QĐ-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 20/11/2008 quy định về Quy chế tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại TTGDCK Hà Nội: "Khi đặt lệnh mua chứng khoán, nhà đầu tư thực hiện ký quỹ tiền giao dịch theo mức thoả thuận với thành viên và phải đảm bảo khả năng thanh toán giao dịch đúng thời hạn quy định".
Quyết định 108 không nói rõ tỷ lệ ký quỹ tối thiểu mà CTCK và nhà đầu tư được phép áp dụng là bao nhiêu. Nếu không có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này thì sẽ diễn ra cuộc đua giữa các CTCK và ngân hàng cung cấp dịch vụ trong việc áp dụng tỷ lệ ký quỹ thấp nhất để thu hút khách hàng mở tài khoản.
Vì sao lại liên quan đến ngân hàng? Theo Luật Chứng khoán, CTCK không được phép cho vay vốn, vì vậy dịch vụ cầm cố chứng khoán đều được thực hiện qua ngân hàng liên kết với CTCK.
Ví dụ, với giao dịch cổ phiếu Ngân hàng Quân đội (MB) hiện nay trên thị trường tự do, một số CTCK cho nhà đầu tư áp dụng tỷ lệ ký quỹ 20%. Tức chỉ cần có 20 triệu đồng trong tài khoản, nhà đầu tư có thể mua một lượng cổ phiếu MB trị giá 100 triệu đồng.
Nếu CTCK khác muốn thu hút khách hàng và đánh giá mức độ rủi ro chấp nhận được có thể áp dụng tỷ lệ ký quỹ 10%, thậm chí 7% như giao dịch vàng.
Chuyên viên của một CTCK lớn cho biết, đối với cổ phiếu niêm yết, quy định bắt buộc phải có 100% tiền mặt khi mua chứng khoán nhưng thực ra số tiền đó được phong tỏa trong tài khoản của nhà đầu tư đến ngày T+3 mới chuyển sang tài khoản của người bán. Nếu sàn UPCoM áp dụng thời gian thanh toán là T+3 thì quy trình tiền hoặc chứng khoán về tài khoản của nhà đầu tư cũng như vậy.
CTCK có thể cung cấp các dịch vụ linh hoạt như bảo lãnh giao dịch (có thu phí bảo lãnh). Cụ thể, nhà đầu tư đáp ứng tỷ lệ ký quỹ thỏa thuận có thể đặt lệnh mua chứng khoán tương ứng. Đến thời hạn quy định, nhà đầu tư phải thanh toán đủ số tiền hoặc phải vay của ngân hàng. Tức là trong thời gian từ T+0 đến T+3, tiền chưa chuyển đến tài khoản của người bán chứng khoán, nên người mua chứng khoán cũng không phải trả lãi vay số tiền còn lại. Sau ngày T+3, tiền được chuyển vào tài khoản của người bán chứng khoán thì người mua phải nộp tiền thanh toán hoặc vay ngân hàng để thanh toán.
Ngoài ra, nếu căn cứ vào Quyết định 108 thì CTCK và nhà đầu tư có quyền thỏa thuận tỷ lệ kỹ quỹ khác nhau và tỷ lệ ký quỹ khác nhau với mỗi cổ phiếu.
Nhìn từ UPCoM sang niêm yết
Theo một số chuyên gia, quy định CTCK và nhà đầu tư được thỏa thuận tỷ lệ ký quỹ khi giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết là sự cởi mở, làm tăng tính hấp dẫn của sàn UPCoM. Tuy nhiên, có hợp lý khi cơ chế thoáng này được áp dụng với cổ phiếu chưa niêm yết, trong khi hàng hóa chất lượng cao là cổ phiếu niêm yết lại không được áp dụng?
Thực tế hiện nay, để thu hút khách hàng, một số CTCK đã cho khách “VIP” giao dịch, đặt lệnh mua chứng khoán không cần đủ 100% tiền mặt. Mức độ phổ biến là nhà đầu tư có thể ký quỹ 70% giá trị cổ phiếu đặt mua và thanh toán vào ngày T+2 hoặc T+3. Ví dụ, nếu có 700 triệu đồng, nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua 1 tỷ đồng chứng khóan, thanh toán tiền vào hai, ba ngày sau.
Cơ chế này giúp nhà đầu tư có thể lướt sóng thu lời lớn hơn trong những phiên thị trường tăng liên tục như giai đoạn vừa qua.
Việc sàn UPCoM được hưởng quy định thoáng hơn sàn niêm yết để giao dịch hàng hóa khó kiểm định chất lượng hơn đòi hỏi các CTCK và tổ chức tín dụng phải nâng cao hoạt động kiểm soát rủi ro. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phải nâng cao quản lý việc thực hiện quy trình nghiệp vụ và quản lý rủi ro ở CTCK.
Cho đến thời điểm này, nhiều CTCK đang gấp rút chuẩn bị để tham gia giao dịch trên sàn UPCoM. Cuộc chơi mới hứa hẹn rất hấp dẫn, bởi vai trò tạo lập thị trường của CTCK có ý nghĩa quan trọng.
Thu Hương
Đầu tư chứng khoán
|