Thứ Năm, 14/05/2009 11:43

Chia cổ tức bằng tài sản: Trường hợp đầu tiên & vấn đề phát sinh

Lần đầu tiên, Việt Nam có một DN chia cổ tức bằng tài sản là trái phiếu của công ty mẹ. Đó là trường hợp của CTCP Công nghiệp Thương mại Masan (Masan Food). Văn bản về việc này đã được DN gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Mặc dù Luật Doanh nghiệp cho phép trả cổ tức bằng tài sản, nhưng trường hợp này đang đặt ra cho cơ quan quản lý và NĐT trước những phát sinh mới cần được quan tâm.

Trường hợp Masan

Nói đến Masan Food, có thể nhiều NĐT chưa biết, nhưng nếu nhắc đến nhãn hiệu Chinsu, Tam Thái tử, Nam ngư … chắc chắn số đông NĐT sẽ cảm thấy rất quen thuộc. Hiện cổ phiếu của Masan Food đang được giao dịch trên thị trường OTC với giá 115.000 đồng/CP (mệnh giá 10.000 đồng/CP). Bởi lẽ, chỉ cần nhìn vào tỷ lệ chia cổ tức, NĐT cũng có thể kết luận rằng, kết quả kinh doanh của Masan Food rất ấn tượng. Năm 2008, Công ty thực hiện chia cổ tức năm 2007 theo tỷ lệ 20:11, chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 5:1. Đầu năm nay, ĐHCĐ của Masan Food thống nhất chia cổ tức năm 2008 với tỷ lệ hơn 140%, một con số ấn tượng trong bối cảnh nhiều DN gặp khó khăn trong năm tài chính 2008.

Vấn đề phát sinh khi cổ tức mà cổ đông Masan Food nhận được không phải là tiền mặt, cũng không phải cổ phiếu, không phải trái phiếu của chính Công ty, mà là một loại tài sản khác: trái phiếu của Masan Group, thời hạn trái phiếu là 5 năm. Theo CTCK Bản Việt, đơn vị tư vấn cho Masan Food, trái phiếu này cho phép người sở hữu có thể nhận tiền khi trái phiếu đáo hạn hoặc nhận cổ phiếu đang lưu hành của Masan Food mà Masan Group đang sở hữu. Loại trái phiếu này không phải là trái phiếu chuyển đổi vì không dẫn tới việc Masan Food phải phát hành thêm cổ phiếu dẫn tới thay đổi vốn điều lệ Công ty. Với vốn điều lệ của Masan Food hiện tại hơn 257 tỷ đồng, lượng tài sản là số trái phiếu chuyển đổi của Masan Group mà Masan Food chia cho các cổ đông dự kiến lên đến 360 tỷ đồng.

Trao đổi với một quan chức UBCK, vị này cho biết: "Trên cơ sở xem xét tính hợp lệ của các văn bản, thủ tục, nếu Masan Food chứng minh được đã có tài sản là trái phiếu chuyển đổi của công ty mẹ từ trước, chứ không phải sau khi quyết định chia cổ tức mới mua trái phiếu và đủ để trả cổ tức thì Công ty hoàn toàn được thực hiện việc trả cổ tức theo phương án ĐHCĐ đã thông qua".

Những vấn đề quan tâm

Xét về mặt logic thông thường, cổ đông là chủ của DN. Khi có sự thống nhất của đa số cổ đông thì việc lựa chọn chia cổ tức bao nhiêu, chia bằng tài sản nào là do cổ đông quyết định, miễn là đáp ứng yêu cầu của Luật Doanh nghiệp. Khi đó, việc lựa chọn một tài sản bất kỳ, kể cả bất động sản hay hàng tồn kho để trả cổ tức cũng hoàn toàn có thể. Nếu lần chia cổ tức này của Masan Food "đầu xuôi đuôi lọt" thì những DN đang có lượng hàng tồn kho lớn hoặc các DN ngành bất động sản ế hàng rất có thể sẽ có động thái trả cổ tức tương tự (nếu được ĐHCĐ thông qua).

Dù vậy, phương án trả cổ tức của Masan Food đang gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình triển khai, như làm thế nào để chia tròn tỷ lệ cho cổ đông.

Cơ quan quản lý cũng gặp một số vấn đề phát sinh, trước hết là liên quan đến định giá tài sản. Theo vị quan chức UBCK nói trên, "may mắn đây là trường hợp doanh nghiệp chưa niêm yết". Bởi lẽ, nếu Masan Food là một DN niêm yết thì khi chia cổ tức bằng trái phiếu của công ty khác (tức là chia cổ tức bằng một tài sản), thì rất khó khăn để cơ quan quản lý xác định giá trị khoản cổ tức đó để điều chỉnh giá tham chiếu của cổ phiếu. Đối với cổ phiếu OTC thì vấn đề này do các cổ đông tự đàm phán, nhưng với cổ phiếu đã niêm yết thì giá tham chiếu là bao nhiêu sau ngày chốt quyền là một câu hỏi khó. "Nếu Masan Food đã niêm yết thì có lẽ biên độ giao dịch trong ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ phải nới lỏng thêm, +/-30% chẳng hạn", vị này nói.

Hiện tại, đối với trường hợp chia cổ tức không bằng cổ phiếu thì DN là công ty đại chúng chỉ cần báo cáo về UBCK. Trường hợp UBCK có thắc mắc sẽ yêu cầu DN giải trình chi tiết. Đối với trường hợp chia cổ tức bằng tài sản thì pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể.

Xung quanh vấn đề này, ĐTCK cũng ghi nhận một số ý kiến cho rằng, đối với việc nhận cổ tức bằng tài sản nợ như trên thì một lưu ý cần có cho các cổ đông trước khi thông qua là nên có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về tài chính và hoạt động của DN phát hành.

Bùi Sưởng

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   VDA xây tổng kho phân phối tại Hậu Giang (13/05/2009)

>   IDICO-SHP đạt 20,33 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 2008 (13/05/2009)

>   Long Giang Land sẽ tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng (13/05/2009)

>   Utxico: Chi trả cổ tức năm 2008 (13/05/2009)

>   OTC lại chao đảo mạnh (13/05/2009)

>   CTCP Hùng Vương: Chốt DSCĐ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2009 (13/05/2009)

>   Đề nghị niêm yết ngay cổ phiếu của Sabeco và Habeco (13/05/2009)

>   KCN Long Hậu (Long An) thu hút dịch vụ logistics (12/05/2009)

>   Thiên Long xuất khẩu sản phẩm sang Nhật (12/05/2009)

>   CTCP Thuốc sát trùng Cần Thơ bị phạt 30 triệu đồng (12/05/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật