Ẩn số dòng tiền ngoại
Chỉ trong vòng bốn ngày đầu tháng 5, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 700 tỉ đồng. “Chúng tôi đua lệnh không kịp với nhà đầu tư trong nước”, giám đốc một quỹ đầu tư của Pháp nói.
Những phiên thị trường điều chỉnh thì chúng tôi mới có cơ hội lớn hơn để mua vào, giám đốc đầu tư trên nói. Như phiên giao dịch hôm 6.5, thị trường điều chỉnh giảm nhẹ, nhóm ngoại đã mua vào hơn 470 tỉ đồng. Dù là người bán ròng trong tháng 2, nhưng tính từ đầu năm đến nay, họ đã mua ròng. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua là một ẩn số.
Ai là người đã bán?
Theo số liệu, trung tâm lưu ký đã cấp tài khoản giao dịch cho 12.838 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó gồm 917 nhà đầu tư tổ chức và 11.921 khách hàng cá nhân. Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), trong báo cáo chiến lược tháng 4, đã phân loại bốn nhóm nhà đầu tư nước ngoài chính, gồm các quỹ chuyên đầu tư vào Việt Nam, các ngân hàng đầu tư, các quỹ dành cho thị trường mới nổi và khu vực nhà đầu tư cá nhân.
Trong đó, HSC chỉ ra chính các ngân hàng đầu tư là người bán chủ yếu trong năm ngoái, còn các quỹ chuyên đầu tư vào Việt Nam là những người mua ròng trong khi các nhóm nhà đầu tư nước ngoài khác khá trầm lắng.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào thị trường Việt Nam mà không cần phải đăng ký mã giao dịch bằng cách mua các chứng chỉ tham gia đầu tư (P-notes) do các tập đoàn đầu tư quốc tế như CitiGroup, Deustche bank và Merrill Lynch phát hành. Dạng này thường là 10 cổ phiếu blue chips hàng đầu được gói lại thành một sản phầm đầu tư phái sinh. Hàng trăm triệu USD các sản phẩm P-notes đã được bán và tại thời đỉnh điểm chiếm một phần đáng kể trong khối lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường Việt Nam.
Ngay khi thị trường đảo chiều, các nhà đầu tư đã bán P-notes lại cho ngân hàng đầu tư, và các ngân hàng này bán ra dữ dội một lượng lớn trong suốt năm 2008. Theo HSC, hoạt động bán ra còn tiếp tục nhưng sẽ không nhiều, vì số hàng đã giảm đi phần lớn.
Trong khi đó, các quỹ chuyên đầu tư vào Việt Nam trong vai người mua ròng cũng phải đương đầu với cổ đông đòi rút vốn khi giá trị tài sản ròng trong năm ngoái giảm 40 – 70%. Có hai trường hợp đề xuất mở quỹ để nhượng lại tại mức giá trị tài sản ròng lúc đó đã không được thông qua. Thị trường đang chờ đợi trường hợp thứ ba đang diễn ra, mà HSC cho là có thể cũng thất bại.
Một nhóm khác là các quỹ khu vực và các quỹ thị trường mới nổi hầu hết đã rời khỏi thị trường trong 12 tháng qua, nhất là từ khi có khuyến nghị giảm tỷ trọng đầu tư vào thị trường Việt Nam bằng 0 hồi năm ngoái. Do đó, theo HSC, tỷ trọng của Việt Nam trong các quỹ khu vực hầu như không có. Nhóm đầu tư này đang đứng ngoài lề để chờ thời điểm thích hợp quay lại thị trường.
Không chần chừ nhưng chưa dốc túi
Báo cáo mới nhất “Tăng trưởng: thời kỳ tồi tệ nhất đã ở phía sau”của HSBC về kinh tế Việt Nam cho rằng, nhờ giá trị cổ phiếu tăng, số lượng cổ phiếu đủ lớn cho nhà đầu tư nước ngoài mua đã tăng dần lên. Hiện có khoảng tám cổ phiếu có vốn thị trường vào khoảng 500 triệu USD hoặc hơn, so với con số bốn mã cổ phiếu vào cuối tháng 2 năm nay. “Sau khi bán ra vào quý 4 năm ngoái, các hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài về cơ bản là trung lập, không mua mà cũng không bán”, HSBC nhận xét.
Theo HSC, phần lớn các quỹ quốc gia vẫn còn lượng tiền mặt khá lớn, trong đó một số quỹ mới gia nhập thị trường năm nay và một số quỹ hiện tại đang huy động thêm vốn. Ông Sebastian Subba, giám đốc đầu tư của công ty quản lý quỹ Manulife cho biết Manulife đang tính toán huy động thêm vốn với việc ra quỹ mới trong quý 4 năm nay hoặc quý 1/2010. “Thị trường đã lên trên điểm đáy rồi, nhưng chúng tôi vẫn rất thận trọng”, Dominic Scriven, giám đốc Dragon Capital nói.
VinaCapital trong báo cáo quý 1 cho biết không kỳ vọng ở thị trường một sự hồi phục nhanh, nhưng họ tin rằng hiện có một cái nhìn đầu tư tốt cho quỹ của họ trong hiện tại. “Đây không phải là lúc chần chừ”, giám đốc quỹ đầu tư của Pháp nói, tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cũng chưa phải là thời điểm dốc túi.
Hồng Sương
sài gòn tiếp thị
|