Thứ Tư, 01/04/2009 10:05

Yêu cầu soát xét BCTC: Chưa siết được đã nới

Ngày 31.3, UBCKNN đã tổ chức cuộc hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp lần cuối của các thành viên thị trường để sửa đổi nghị định 38/2007 về công bố thông tin trên TTCK. Qua nhiều lần chỉnh sửa dự thảo, nhiều quy định khá chặt chẽ lại được nới lỏng để cân đối giữa khả năng đáp ứng của DN với những mong muốn từ thị trường.

Soát xét báo cáo tài chính quý: Khó lắm (?!)

Theo ông Nguyễn Sơn - Trưởng ban Phát triển thị trường (UBCKNN), Nghị định 38 hiện đang điều chỉnh vấn đề công bố thông tin trên TTCK đã trở nên lạc hậu do khi soạn thảo nghị định này đã không lường hết những nghĩa vụ công bố thông tin. Do đó, UBCKNN đã phải liên tục chữa cháy bằng cách sử dụng đường công văn hướng dẫn thực hiện nhiều trường hợp phải công bố thông tin. Dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 38 được thị trường mong đợi với những cải tiến đột phá nhằm tăng cường sự minh bạch về thông tin.

Một trong những điểm được thị trường chờ đợi nhất là yêu cầu DN niêm yết phải thực hiện soát xét báo cáo tài chính (BCTC) quý. Thực tế trong năm 2008 đã có quá nhiều vụ lộn xộn về công bố thông tin khiến thị trường ngày càng nghi ngờ chất lượng của các BCTC chưa được kiểm toán. Có DN các quý đầu năm hồ hởi báo cáo lãi nhưng đùng một cái đến cuối năm lại báo cáo lỗ.

Mặc dù chất lượng kiểm toán vẫn có thể đặt nhiều câu hỏi nhưng dù sao đây cũng là cái cọc duy nhất cho thị trường bấu víu. Tuy nhiên, nếu có đặt trọn niềm tin vào kiểm toán mà vài năm sau lại khui ra lãi thành lỗ như trường hợp của Bông Bạch Tuyết thì NĐT cũng đành chịu.

Tinh thần siết chặt văn hóa công bố thông tin được thể hiện trong các dự thảo của Nghị định thay thế 38/2007, trong đó đáng chú ý nhất vẫn là tăng vai trò giám sát của kiểm toán đối với các thông tin tài chính công bố.

UBCKNN ngày 24.2 vừa qua cũng đi trước một bước khi ban hành công văn 246 yêu cầu DN niêm yết thực hiện soát xét BCTC quý. Nếu căn cứ vào thời điểm ban hành, DN sẽ phải thực hiện ngay trong BCTC quý I/2009. Tuy nhiên, văn bản này đã nhận được sự phản ứng từ phía DN vì nhiều lẽ.

Thứ nhất là quy định quá mới, thường việc lựa chọn đơn vị kiểm toán được thông qua ĐHCĐ mà đại hội tổ chức thường vào tháng 3, tháng 4, tức là không còn thời gian nào soát xét BCTC quý I đúng quy định về thời gian nữa.

Thứ hai, với những DN lớn, chi nhánh khắp nơi, việc tổng hợp thông tin lâu thì ngay cả báo cáo tóm tắt còn phải khất lên khất xuống chứ đừng nói đến đợi soát xét kiểm toán. Đại diện một DN tại hội thảo - Cty Xây dựng số 2 - còn cho rằng soát xét theo quý với Cty này là không khả thi, gây rất nhiều khó khăn cho DN vì hàng tháng lại phải mời kiểm toán. Có chăng việc này chỉ áp dụng với những DN đã vi phạm công bố, sai lệch báo cáo còn lại chỉ nên thực hiện công bố ý kiến soát xét kiểm toán một năm một lần!

Tuần trước, Sở GDCK TPHCM cũng đã phải có công văn gửi tới các DN, trong đó "nới" một chút so với tinh thần của công văn 246 khi vẫn yêu cầu soát xét BCTC quý I/2009 nhưng nếu Cty nào không đủ thời gian soát  xét thì chỉ cần giải thích lý do. Rất có thể BCTC quý I/2009 được công bố trong những ngày tới sẽ rất ít DN có ý kiến soát xét và lý do được đưa ra sẽ gần giống nhau vì không đủ thời gian thực hiện.

Nhường bước

Tại dự thảo mới nhất, ông Sơn cho biết đã có sự sửa đổi liên quan đến quy định soát xét BCTC trên cơ sở ý kiến từ DN lẫn đơn vị kiểm toán. Theo đó, BCTC hàng quý sẽ không phải soát xét nữa mà chỉ áp dụng với báo cáo 6 tháng. Theo ý kiến của các đơn vị chuyên môn, quy định này dễ thực thi hơn đối với cả DN lẫn kiểm toán. Việc soát xét thực tế cũng giống với kiểm toán ở nhiều nghiệp vụ và với yêu cầu 6 tháng một lần, quan trọng là đội ngũ kiểm toán viên có thể đáp ứng được vì số lượng Cty kiểm toán được chấp thuận hiện nay chỉ trên dưới 30 đơn vị. Với DN, nếu thực hiện soát xét hàng quý thì chi phí cũng tăng lên cỡ trên 20% so với chỉ kiểm toán.

Việc vênh giữa thực tế năng lực kiểm toán với yêu cầu kiểm toán cũng là điều chưa lường hết. Quy định cũ yêu cầu Cty đại chúng cũng phải thực hiện kiểm toán BCTC năm bởi Cty kiểm toán được chấp thuận (tương tự niêm yết) là không khả thi do số lượng Cty đại chúng lớn gấp nhiều lần DN niêm yết. Quy định mới nới hơn, cho phép kiểm toán bởi Cty kiểm toán độc lập.

Với NĐT, dù không có soát xét mỗi quý thì chí ít độ tin cậy cũng cao hơn và giảm mức chênh lệch nếu có giữa hai quý đầu năm với hai quý cuối năm. Với Cty niêm yết, soát xét một lần trong năm cũng "dễ chịu" hơn và DN có thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, theo đại diện một DN niêm yết có nhiều Cty con nhưng vẫn công bố kết quả kinh doanh ước tính hàng tháng, nếu DN chuẩn bị tốt, chuẩn hóa chế độ báo cáo thì số liệu thực tế có thể nắm trong lòng bàn tay. Việc DN công bố đều đặn hàng tháng kết quả kinh doanh một cách nhanh chóng thì mức độ tin cậy của thị trường với DN đó cũng không kém việc soát xét kiểm toán.

Hoàng Nguyên

Lao Động

Các tin tức khác

>   Chuyển sàn niêm yết: Mỗi DN một cách nhìn (01/04/2009)

>   Sẽ giảm phần vốn Nhà nước tại PVFC (31/03/2009)

>   VTS: Báo cáo thường niên năm 2008 (10/03/2009)

>   L10: Báo cáo tài chính chi tiết kiểm toán năm 2008 (31/03/2009)

>   VGS: Báo cáo tài chính chi tiết hợp nhất kiểm toán năm 2008 (31/03/2009)

>   SVI: Báo cáo tài chính chi tiết kiểm toán năm 2008 (31/03/2009)

>   SDT: Báo cáo tài chính chi tiết kiểm toán năm 2008 (31/03/2009)

>   DTC: Báo cáo tài chính chi tiết kiểm toán năm 2008 (31/03/2009)

>   HBC: Nhận giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật (31/03/2009)

>   FPT: Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2009 (31/03/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật