Thứ Bảy, 25/04/2009 10:34

VN-Index: Tiến hay lùi?

Vào mùa Thu năm ngoái, sau khi nhận danh hiệu "TTCK tốt nhất thế giới", VN-Index bắt đầu chuỗi ngày đi xuống, kèm theo khối lượng giao dịch cực lớn trong những ngày phân phối. Hiện tại, giá trị giao dịch trung bình của HOSE đạt gần 1.000 tỷ đồng/ngày, cao hơn nhiều so với mức 782 tỷ đồng/ngày trong tháng 9/2008. Nhiều NĐT kỳ vọng sự bùng nổ về khối lượng giao dịch là dấu hiệu thị trường tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, bình luận về điều này, SSI cho rằng: "NĐT không nên nhìn vào khối lượng giao dịch để kỳ vọng vào thị trường. Giá trị giao dịch luôn bao hàm tính hai mặt, một mặt củng cố xu hướng đi lên, mặt khác gây áp lực đi xuống".

VN-Index và phần còn lại của thế giới

Tháng 8/2008, với việc VN-Index phục hồi 28%, Bloomberg bình luận, TTCK Việt Nam là tốt nhất thế giới. Suốt một tháng qua, với mức tăng 20,7%, so sánh với một số TTCK có nét tương đồng, bộ phận phân tích của CTCK Sài Gòn (SSI) cũng nhận định, TTCK Việt Nam đang là thị trường phục hồi ấn tượng nhất khi mức tăng trung bình của các thị trường được so sánh mới ở mức 15,3%. Tuy nhiên, xét theo các khung thời gian 3, 6 tháng và 1 năm, sự phục hồi của TTCK Việt Nam có sự khác biệt lớn: VN-Index phục hồi chậm hơn sau khi đã giảm sâu hơn (xem bảng).

So sánh mức tăng 8% của chỉ số chứng khoán Shanghai composite (Trung Quốc), VN-Index cũng thể hiện sự vượt trội trong 1 tháng qua. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian rộng hơn (3 và 6 tháng) thì VN-Index cũng thể hiện sự trễ pha. Đặc biệt, xét trong thời gian 1 năm, mức giảm của VN-Index là 40%, gần gấp đôi so với mức giảm 21,8% của Shanghai composite. Điều này có thể lý giải, trong quá khứ VN-Index chịu tác động kép: từ khó khăn nội tại của kinh tế trong nước và cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới.

Nhiều NĐT cho rằng, VN-Index là "chiếc bóng" của Dow Jones - chỉ số chứng khoán Mỹ, tuy nhiên sự liên hệ chỉ ở mối dịch chuyển đồng biến. Nhiều thời điểm, VN-Index biến đổi tương đối độc lập và có quỹ đạo riêng. Tính từ mức cao nhất 347 điểm (ngày 14/4) và mức thấp nhất 235 điểm (ngày 24/2), VN-Index đã tăng 112 điểm, tương đương 47,4%. Trong khi đó, tính từ đáy thấp nhất và đỉnh cao nhất, Dow Jones mới phục hồi 24,2%. Vài tuần qua, Dow Jones đi ngang trong khoảng 7.800 - 8.200 điểm và chưa một lần tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh 8.400 điểm, trong khi VN-Index đã bứt phá, tăng 24% chỉ trong nửa đầu tháng 4 và đang đi xuống.

Tại thời điểm hiện nay, đánh giá mức độ đắt, rẻ của giá cổ phiếu Việt Nam, chuyên viên của SSI sử dụng phương pháp định giá cổ phiếu qua hệ số P/E. Với mức giá ngày 22/4, mức P/E trung bình của TTCK Việt Nam là 13,44 lần, đứng thứ nhì trong số các nước đem so sánh. Với giả định mức tăng trưởng lợi nhuận của các DN niêm yết trong năm 2009 là 20% thì hệ số P/E của TTCK Việt Nam vào cuối năm là 11,2 lần. Mức P/E này chỉ thấp hơn mức 13,7 lần của Malaysia và cao hơn tất cả các nước còn lại.

Kịch bản thị trường nào?

Sự phục hồi từ TTCK thế giới được NĐT trong nước kỳ vọng sẽ thổi một làn gió mát tới TTCK Việt Nam. Nhưng trong vài ngày qua, một số TTCK lớn đã bắt đầu đi xuống. Đây là sự thoái trào thực sự hay điều chỉnh nhỏ? Về điều này, SSI cho rằng, lý do để TTCK Mỹ tăng điểm đã bão hòa. Kỳ vọng thị trường tiếp tục tăng điểm ngày càng khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh thị trường đã tăng liên tục trong 6 tuần qua. Trong nước, VN-Index tăng 47,4% trong 2 tháng qua, xấp xỉ mức 49,4% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8/2008. Các chỉ báo kỹ thuật cũng không ủng hộ việc tăng điểm tiếp theo của thị trường. Xu thế hiện thực hóa lợi nhuận sẽ diễn ra mạnh mẽ và vùng hỗ trợ của VN-Index hiện thời là 313 - 322 điểm.

Tuy nhiên, bộ phận phân tích của CTCK Vincom nhìn nhận, VN-Index vẫn trong xu hướng tăng giá. VN-Index có dấu hiệu hồi phục thì dòng tiền lớn sẽ đổ vào thị trường. VN-Index sẽ bước vào chu kỳ tăng giá ngắn hạn mới với điều kiện thị trường phải được tích lũy trong một vài ngày với dấu hiệu: VN-Index dao động với biên độ hẹp, kèm theo khối lượng giao dịch lớn. Tuy nhiên, quan sát quy mô đặt lệnh của NĐT trong thời gian qua, CTCK Vincom khuyến cáo, lệnh bán tăng dần theo thời gian, trong khi lệnh mua tăng dần theo mỗi sóng của VN-Index. Điều này cho thấy cổ phiếu được tích lũy dài hạn khá thận trọng, trong khi nhu cầu bán của NĐT lớn vẫn đang hiện hữu. TTCK đang được dẫn dắt bởi NĐT lướt sóng, có tính chất đầu cơ ngắn hạn. Quá trình tích lũy và tăng nóng đều có thể diễn ra rất nhanh, NĐT phải sẵn sàng cho việc đảo vị thế trong thời gian rất ngắn.

Bộ phận phân tích CTCK Bản Việt (VCSC) thì cho rằng, thị trường đang bước vào những phiên điều chỉnh tất yếu sau khi tăng quá nhanh trong hơn 1 tháng qua. 300 điểm được xem là ngưỡng tâm lý cho tổ chức và cá nhân chưa giải ngân trong đợt thị trường tăng vừa qua bắt đầu xem xét lại chiến lược đầu tư của mình. Do vậy, đây là tín hiệu cần thiết để NĐT cân nhắc trước khi đưa ra quyết định mua bán ở thời điểm này. VCSC đánh giá, thị trường sẽ tiếp tục biến động và đem lại cơ hội cho NĐT lướt sóng, tuy vậy, rủi ro thanh khoản sẽ là yếu tố quan trọng mà NĐT phải đặc biệt quan tâm.

(Nguồn: Bloomberg.com và CTCK SSI; số liệu cập nhật vào ngày 22/4/2009)

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   XMC: Mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ (25/04/2009)

>   VGP: Báo cáo tài chính chi tiết quý 1/2009 (24/04/2009)

>   Quỹ đầu tư không dám mơ tới lợi nhuận (25/04/2009)

>   GMC: Báo cáo tài chính chi tiết quý 1/2009 (24/04/2009)

>   PNC: Kết quả giao dịch cổ phiếu cổ đông lớn (24/04/2009)

>   PET: Ngày ĐKCC để chốt danh sách cổ đông (25/04/2009)

>   ICF: Báo cáo thường niên năm 2008 (24/04/2009)

>   VFS: Đại diện giao dịch bị HOSE cảnh cáo (23/04/2009)

>   SSI: Doanh thu tháng 4 bằng cả quý 1/2009 (24/04/2009)

>   FBT: Chọn công ty kiểm toán (24/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật