Nhiều khuất tất qua vụ bán 3.000 tấn thép
Ngày 19.4, một cán bộ của Cty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Sài Gòn (Seaprodex SG), liên quan trong vụ việc này đã đến văn phòng Báo Lao Động tố cáo vụ việc.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra từ Tổng Cty Thuỷ sản VN mới đây đã phần nào hé mở những mờ ám đằng sau phi vụ bán 3.000 tấn thép ra bên ngoài, có dấu hiệu trục lợi cho ông Phùng Quốc Mẫn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Seaprodex SG.
Nhập khẩu thép, bán... lòng vòng!
Vào đầu tháng 10.2007, Seaprodex SG chỉ đạo ông Bùi Minh Long - cán bộ kinh doanh - lập phương án nhập khẩu từ Đài Loan 3.000 tấn thép về bán. Ngày 28.10.2007, Seaprodex SG ký một hợp đồng kinh tế bán 3.000 tấn thép cho Cty cổ phần Thanh Niên, với giá bán 34,35 tỉ đồng.
Thay vì phải nhận tiền đặt cọc 3,5 tỉ đồng sau ký hợp đồng, thì Seaprodex SG lại chần chừ tới 2 tháng sau mới đòi tiền đặt cọc. Lúc này, giá thép diễn biến phức tạp, dẫn tới Cty Thanh Niên lật lọng, không thanh toán tiền cọc lẫn thực hiện hợp đồng mua bán thép. Hậu quả, Seaprodex SG phải thanh lý hợp đồng với Cty Thanh Niên, hàng chục tỉ đồng bị "chôn" trong 3.000 tấn thép.
Ngày 19.3.2008, Seaprodex SG lại ký một hợp đồng bán 3.000 tấn thép cho DN sản xuất - thương mại - dịch vụ Hoàng Sơn, với giá bán 34,79 tỉ đồng. Tuy nhiên, vào giữa tháng 4.2008, Seaprodex SG có thêm phụ kiện hợp đồng thay đổi giá bán của 1.000 tấn thép (trong tổng số 3.000 tấn), với giá bán từ 11,04 tỉ đồng lên 12,99 tỉ đồng. Song, khuất tất bắt đầu từ đây...
Ông Nguyễn Văn Tuấn - cán bộ giao nhận hàng của Seaprodex SG - đã tố cáo sự việc trên với PV Lao Động rằng: "Thép bán cho DN Hoàng Sơn, nhưng sau khi 3.000 tấn thép nhập về kho ở cảng Lotus (quận 7, TPHCM), từ ngày 26.2 đến cuối tháng 5.2008, chính tôi được lệnh phải trực tiếp giao hàng, không phải cho DN Hoàng Sơn mà giao cho Cty CP XNK Hà Việt (?). Ông Tuấn xác nhận: "Tôi đã giao 3.000 tấn thép cho ông Tiến - người của Cty Hà Việt. Nhưng sau này Seaprodex SG lại xuất hoá đơn VAT cho DN Hoàng Sơn?".
Có không việc bán 3.000 tấn thép cho em vợ
Trong lúc vụ mua bán 3.000 tấn thép liên quan 2 Cty Hà Việt và Hoàng Sơn chưa rõ ràng, thì người ta phát hiện ngày 19.2.2008, Cty TNHH TM-DV-VT Bảo Trân (số 1, lô I cư xá Tân Cảng, P.25, Q.Bình Thạnh, TPHCM) do ông Đỗ Xuân Tùng (em vợ ông Mẫn) làm GĐ - có xuất hoá đơn VAT bán 1.000 tấn thép cho Cty CP XNK Hà Việt, với giá 12,57 tỉ đồng.
Kế đó, ngày 30.5 và 5.6.2008, Cty Bảo Trân (vẫn do ông Tùng làm GĐ, nhưng trụ sở và con dấu pháp nhân lại dời về đường Nguyễn Trung Trực, thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An) xuất tiếp 2 hoá đơn VAT, bán 2.000 tấn thép cho Cty Hà Việt, với giá bán 12,57 tỉ đồng/1.000 tấn.
Một số cán bộ - CNV Seaprodex SG đã có đơn tố cáo lên Tổng Cty Thuỷ sản VN và Bộ CA rằng, ông Mẫn bỏ vốn Seaprodex SG ra nhập khẩu thép; sau đó, bằng vài hợp đồng ký khống với một số Cty, nhằm chiếm dụng vốn nhà nước, ghim hàng chờ giá thép lên... Thép được bán lại cho Cty của em vợ là Cty Bảo Trân, với giá rẻ. Sau đó, Cty Bảo Trân bán cho Cty Hà Việt với giá cao hơn, nhằm thu lợi cho cá nhân v.v...
Theo xác minh của Tổ kiểm tra Tổng Cty Thuỷ sản VN, có việc Cty Bảo Trân xuất bán 3.000 tấn thép cho Cty Hà Việt (có tổng giá trị là 39,41 tỉ đồng), trong khoảng thời gian Seaprodex SG bán 3.000 tấn thép cho DN Hoàng Sơn (chỉ với tổng giá trị 36,36 tỉ đồng). Mức chênh lệch giữa 2 mức giá bán này là 3,38 tỉ đồng.
Dư luận cho rằng, đây chính là con số giá trị trục lợi mà ông Mẫn đã dành cho Cty em vợ mình, qua phi vụ nhập khẩu và bán 3.000 tấn thép của Seaprodex SG. Có quá nhiều khuất tất phía sau phi vụ mua bán này, thí dụ: Ngày 19.3.2008, Seaprodex SG ký hợp đồng kinh tế bán 3.000 tấn thép cho DN Hoàng Sơn, nhưng trước đó, vào ngày 19.2.2008, Cty Bảo Trân đã xuất hóa đơn VAT bán 1.000 tấn thép đầu tiên (trong tổng số 3.000 tấn thép) cho Cty CP Hà Việt (?).
Rồi Cty Bảo Trân (TPHCM) và Cty Bảo Trân (Long An) - đều do em vợ ông Mẫn - ông Đỗ Xuân Tùng làm GĐ; nhưng dùng chung một mã số thuế 0303631501 (?!), đều tham gia trong phi vụ mua bán, xuất hoá đơn VAT v.v...
Cao Hùng
Lao Động
|