Thứ Sáu, 17/04/2009 15:00

Để minh bạch, cơ chế phải rõ ràng!

Nhân vấn đề minh bạch trong đầu tư tài chính, đặc biệt là việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính được đặt ra trong bài Đầu tư tài chính và chuyện minh bạch của Lưu Hảo trên TBKTSG số 16-2009, bài viết sau bàn thêm về cơ chế chính sách của Nhà nước xung quanh đề tài này.

Điểm rất đáng chú ý trong mùa kiểm toán năm nay là việc các công ty kiểm toán đã rất chú ý đến khoản mục đầu tư tài chính và việc trích lập dự phòng giảm giá các khoản mục đầu tư tài chính của các doanh nghiệp. Đây cũng chính là nội dung mà các công ty kiểm toán và đơn vị được kiểm toán tốn rất nhiều thời gian để thảo luận và tranh cãi. Vấn đề nằm ở chỗ, quy định của Nhà nước liên quan đến việc trích lập dự phòng giảm giá các khoản mục đầu tư tài chính còn nhiều bất cập, cụ thể như sau:

Hiện tại, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều thực hiện trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán theo quy định tại Thông tư 13/2006 ngày 27-2-2006 của Bộ Tài chính.

Theo quy định này, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chính là dự phòng phần giá trị bị tổn thất do các loại chứng khoán đầu tư của doanh nghiệp bị giảm giá; giá trị các khoản đầu tư tài chính bị tổn thất do tổ chức kinh tế mà doanh nghiệp đang đầu tư bị lỗ.

Thứ nhất, tại điểm a, khoản 2.1 mục II của thông tư này: các khoản mục chứng khoán, các khoản vốn doanh nghiệp đầu tư (cổ phiếu, trái phiếu...) được tự do mua bán trên thị trường mà tại thời điểm lập báo cáo tài chính có giá thị trường giảm so với giá đang hạch toán trên sổ kế toán thì sẽ phải lập dự phòng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, quy định này đã không chỉ rõ phương pháp hoặc cơ sở để lấy giá thị trường khi tính toán dự phòng.

Thực tế, đối với giấy tờ có giá niêm yết, các doanh nghiệp đã lấy giá thị trường trên sở hay trung tâm giao dịch chứng khoán. Nhưng đối với chứng khoán giao dịch trên thị trường phi tập trung - OTC thì doanh nghiệp không biết tham khảo giá (thị trường) ở đâu? Đây chính là bất cập dẫn đến tình trạng rất nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận sau kiểm toán thấp hơn trước kiểm toán do phải trích lập thêm dự phòng theo ý kiến của kiểm toán như REE, Sacombank...

Thứ hai, tại điểm b cũng thuộc khoản 2.1 quy định: đối với các khoản vốn đầu tư của doanh nghiệp vào tổ chức kinh tế (công ty TNHH, cổ phần, liên doanh, liên kết...), doanh nghiệp  phải trích lập dự phòng nếu tổ chức kinh tế mà doanh nghiệp đang đầu tư bị lỗ. Theo đó, nếu mức trích dự phòng được xác định trên cơ sở vốn chủ sở hữu thực có và vốn góp thực tế của doanh nghiệp thì mức vốn chủ sở hữu thực có được lấy trên bảng cân đối kế toán của tổ chức kinh tế năm trước thời điểm trích lập dự phòng.

Vấn đề phát sinh ở đây là cụm từ “Bảng cân đối kế toán của tổ chức kinh tế năm trước thời điểm trích lập dự phòng”. Cách hiểu thứ nhất, việc xác định vốn thực có dựa vào Báo cáo tài chính năm trước để trích lập dự phòng cho năm nay. (Ví dụ: ngân hàng A đầu tư vào công ty B. Báo cáo tài chính công ty B năm 2007 lãi, năm 2008 lỗ. Nếu theo cách hiểu trên, năm tài chính 2008, ngân hàng không phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào công ty B). Như vậy, việc trích lập dự phòng không thể hiện được tổn thất giá trị khoản đầu tư ở thời điểm cuối năm tài chính của doanh nghiệp.

Một cách hiểu khác, việc xác định vốn thực có dựa vào Báo cáo tài chính năm trước thời điểm trích lập dự phòng. (Ví dụ: Trong tình huống trên, ngân hàng A sẽ trích dự phòng cho khoản đầu tư vào công ty B do năm 2008 lỗ). Việc trích lập dự phòng theo cách hiểu này sẽ phản ánh trung thực hơn tình hình tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do văn bản quy định không rõ ràng nên hầu hết các doanh nghiệp đều không biết mình đã làm đúng hay chưa?

Thứ ba, tại điểm 2, mục III Thông tư 13/2006 nói rõ: việc trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định tại văn bản hướng dẫn chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng. Nhưng Thông tư 12/2006 của Bộ Tài chính về cơ chế tài chính đối với các tổ chức tín dụng (ban hành ngay trước Thông tư 13/2006) lại quy định: Tổ chức tín dụng thực hiện trích lập dự phòng theo quy định chung đối với doanh nghiệp (điểm 10.2 mục I).

Đây là nội dung nhỏ và không ảnh hưởng trọng yếu đến việc trích lập dự phòng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này ít nhiều gây sự khó hiểu cho tổ chức tín dụng và cả công ty kiểm toán. Quan trọng hơn, sự bất nhất này thể hiện sự thiếu hợp tác, chia sẻ và liên thông trong việc ban hành cơ chế chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.

Chính xác và minh bạch là một trong các yêu cầu bắt buộc về thông tin phục vụ cho công tác quản lý điều hành của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà  nước và đây cũng chính là yêu cầu/quyền được tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để có thể thực hiện tốt được điều này, trước hết, các cơ chế chính sách của Nhà nước phải thực sự rõ ràng, cụ thể và nhất quán.

Lê Trần

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   MCV: Báo cáo thường niên 2008 (15/04/2009)

>   SHB: Báo cáo tài chính chi tiết quý I năm 2009 (16/04/2009)

>   VC7: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (16/04/2009)

>   VC3: Báo cáo tài chính chi tiết hợp nhất quý I năm 2009 (16/04/2009)

>   VCC: Báo cáo tài chính chi tiết hợp nhất  kiểm toán năm 2008 (16/04/2009)

>   SHB: Báo cáo tài chính chi tiết kiểm toán năm 2008 (16/04/2009)

>   KBC: Báo cáo tài chính chi tiết hợp nhất  kiểm toán năm 2008 (16/04/2009)

>   DCS: Báo cáo tài chính chi tiết kiểm toán năm 2008 (16/04/2009)

>   TV4: Báo cáo tài chính chi tiết kiểm toán năm 2008 (16/04/2009)

>   VC2: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (16/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật