Thứ Ba, 24/03/2009 13:39

Doanh nghiệp nên mở rộng các kênh tiếp cận vốn

Cơ cấu phát hành cổ phiếu trên TTCK thời gian qua, cũng như thực tế huy động vốn cổ phần khó khăn hiện nay chỉ ra rằng, các DN nên mở rộng kênh tiếp cận vốn.

2007 - năm vàng phát hành vốn cổ phần

95% của 1,412 tỷ cổ phiếu mà các DN niêm yết được UBCK cấp phép phát hành đã được mua hết. Không có con số công bố chính thức về tổng số tiền mặt mà các DN huy động được. Tuy nhiên, dựa trên số lượng cổ phiếu phát hành, giá trị huy động tính theo mệnh giá (10.000 đồng/CP) lên đến 9.071 tỷ đồng và giả định rằng, giá phát hành vào khoảng 4 lần (mức hợp lý ở thời điểm năm 2007) thì tổng số tiền huy động được của các DN niêm yết lên tới 36.000 tỷ đồng, xấp xỉ 50% tổng số vốn huy động trong năm 2007 của tất cả các công ty đại chúng (63.000 tỷ đồng theo UBCK).

Dựa trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, 10 DN huy động vốn cổ phần nhiều nhất trong tổng số 151 DN niêm yết có hoạt động phát hành cổ phần trong năm 2007 chiếm 31,5% tổng số vốn huy động của tất cả các công ty đại chúng tại Việt Nam. Trong 10 DN này, ngành bất động sản huy động được nhiều nhất, với 327 triệu USD (Vincom, Kinh Bắc và Tân Tạo); tiếp đến là ngân hàng, với 292 triệu USD (ACB và STB); công nghiệp, với 238 triệu USD (Hòa Phát, SAM); CTCK SSI 123 triệu USD, KDC 102 triệu USD.

2008 - phát hành cổ phiếu tạo ra dòng tiền rất thấp

Đã có 945 triệu cổ phần trên tổng số 1,2 tỷ cổ phần cấp phép (chiếm 79%) được các DN niêm yết phát hành thành công trong năm 2008, nhưng giá trị phát hành thấp do hai lý do chính: thứ nhất, phát hành mang tính kỹ thuật, không tạo ra dòng tiền chiếm ưu thế, bao gồm cổ phiếu thưởng, cổ tức cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi, chiếm 86% tổng số cổ phần phát hành; thứ hai, thị trường xuống quá thấp đã dẫn đến việc giá trị phát hành không cao. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá của các công ty đại chúng là 12.974 tỷ đồng. Giả sử giá phát hành trung bình là 2 lần thì giá trị thu được cho toàn bộ DN niêm yết vào khoảng 2.640 tỷ đồng (dựa trên 132 triệu số cổ phiếu đấu giá, phát hành riêng lẻ và phát hành với giá ưu đãi cho cổ đông).

Năm 2009 sẽ ra sao?

Tính đến ngày 18/3, chỉ có 11 công ty được cấp phép phát hành, tổng cộng 255 triệu cổ phiếu. Trong đó, VCG đã phát hành 35 triệu cổ phiếu cho NĐT chiến lược Viettel; DIC hoàn thành 1,17 triệu cổ phiếu thưởng; LGC hoàn thành 4,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông. Một số công ty như TMS, LGC, DIC phát hành cổ phiếu để đáp ứng yêu cầu niêm yết mới về vốn điều lệ tối thiểu là 80 tỷ đồng.

Tại ngày 15/3, có 30% (103/352) loại cổ phiếu niêm yết giao dịch dưới mệnh giá và có tới 67% (235/352) loại cổ phiếu giao dịch dưới giá trị sổ sách. Vì vậy, cổ phiếu thưởng hay cổ phiếu ưu đãi sẽ không còn khả thi. Ví dụ, việc thưởng cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 cho cổ phiếu giao dịch với giá 11.000 đồng sẽ làm giá giảm xuống 5.500 đồng ngay trong ngày giao dịch không hưởng quyền. Mức giá quá thấp ngụ ý nguy cơ về sự tồn tại của DN phát hành cổ phiếu.

Giải pháp từ phía DN

- Thứ nhất, phát hành riêng lẻ. Gần đây, thị trường chứng kiến nhiều giao dịch riêng lẻ thành công, trong đó có việc Hãng truyền thông WPP của Anh mua 20% Smart Media, Vietel mua 18,91% Vinaconex… Không ít quỹ đầu tư vốn cổ phần đã tiếp cận, nhưng nhiều DN không chấp nhận một mức chênh lệch thấp hợp lý trên mức giá thị trường cho các giao dịch riêng lẻ. Cách đi hợp lý hơn cả cho hai phía là kết hợp giữa vốn cổ phần và vốn vay. Giải pháp này đảm bảo quyền lợi cho cổ đông hiện hữu, giải quyết bài toán vốn cho DN và quan trọng hơn, rủi ro của NĐT mới ở mức thấp hơn trong vai trò của người cho vay.

- Thứ hai, sáp nhập và mua lại (M&A). Đây là cách đi có nhiều ý nghĩa từ góc độ kinh tế trong bối cảnh hiện tại. Có nhiều công ty cùng hoạt động trong một lĩnh vực hoặc có liên quan. 35 CTCK với 35 hệ thống giao dịch trực tuyến trị giá hơn 1 triệu USD mỗi hệ thống với công suất rất lớn so với quy mô của thị trường liệu có cần thiết xét từ góc độ lợi ích cho NĐT? 35 CTCK tương ứng với 70 đường truyền leased-line và dữ liệu hàng tháng với HOSE và HASTC cũng như nhiều chi phí vận hành khác có thể cắt giảm khi các công ty này sáp nhập.

Giải pháp này cũng khả thi cho một số DN trong nhóm 46 DN niêm yết tại HOSE với vốn điều lệ dưới mức quy định tối thiểu (dựa trên vốn điều lệ tại ngày 31/12/2008). Tổng số vốn cần huy động của các DN này trên HOSE để đáp ứng mức vốn tối thiểu là khoảng 1.576 tỷ đồng. M&A không chỉ giúp các công ty này đáp ứng điều kiện niêm yết, mà còn tạo tính hiệp lực về mặt kinh tế trước những khó khăn của thị trường và sức ép cạnh tranh.

M&A cũng sẽ là giải pháp ý nghĩa cho các ngân hàng cổ phần nhỏ khi đến năm 2010, vốn điều lệ tối thiểu theo quy định là 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hợp nhất các ngân hàng nhỏ tại Việt Nam còn đang là vấn đề tranh cãi và có nhiều trở ngại, chủ yếu từ phía DN.

Một điểm đáng lưu ý là tổng số giao dịch M&A và các đợt phát hành riêng lẻ ở Việt Nam tăng lên con số 146 trong năm 2008 (so với 108 trong năm 2007), với tổng giá trị 1 tỷ USD (tương đương 17.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, chủ yếu là các công ty nước ngoài muốn mở rộng việc kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Số lượng giao dịch giữa các công ty trong nước vẫn còn ở mức thấp. Do vậy, có cần phải có sự điều tiết mạnh hơn từ phía cơ quan quản lý, tạo thuận lợi và đẩy mạnh giao dịch này giữa các DN Việt Nam.

- Thứ ba, thuê tài chính. Đây là một sự lựa chọn mà các DN có thể xem xét nhằm tái cấu trúc bảng cân đối kế toán và giảm áp lực dòng tiền so với vốn vay thương mại thuần túy. Năm 2007, có 33/350 DN niêm yết sử dụng nguồn vốn qua kênh tài chính để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư. Hiện có 160/355 DN niêm yết hoạt động trong ngành công nghiệp, bao gồm giao thông vận tải, công nghiệp nặng, điện tử, công trình và vật liệu. Đây là các ngành công nghiệp nặng đòi hỏi phải đầu tư lớn nên phù hợp với các sản phẩm cho thuê tài chính.

- Thứ tư, cần một mô hình ngân hàng đầu tư. Nhiều CTCK lớn như SSI, ABS… đã thành lập bộ phận ngân hàng đầu tư bằng việc cơ cấu lại bộ phận tư vấn để tập trung vào nghiệp vụ M&A và phát hành riêng lẻ. Vai trò của tư vấn trong bối cảnh này cực kỳ quan trọng và phải đi vào chiều sâu nhằm giúp các DN tháo gỡ khó khăn, thay vì đơn thuần hỗ trợ DN về thủ tục. Điều này được xem như là một bước chuyển trước khi nhu cầu giao dịch ngân hàng đầu tư tăng, tức là cung cấp dịch vụ huy động vốn đầu tư và thu phí.

- Thứ năm, mô hình tài trợ trung gian (mazzazine financings). Mô hình này đã được triển khai ở Việt Nam qua một số quỹ đầu tư, chẳng hạn Quỹ SEAF của Mỹ, hiện khá năng động tại Việt Nam. Mô hình này đặc biệt hữu ích với các DN có nhu cầu vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng không có tài sản thế chấp và do đó khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Nguyễn Quang Thuận, Giám đốc điều hành Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus và cổng thông tin tài chính www.stox.vn

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   ANZ xem xét quan hệ hợp tác với Sacombank (24/03/2009)

>   PVE: Ngày ĐKCC tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2009 (24/03/2009)

>   VC6: Ngày ĐKCC tổ chức ĐHĐCĐ và trả cổ tức đợt 2/2008 (24/03/2009)

>   REE trích lập dự phòng tài chính cao, kết quả kinh doanh lỗ (23/03/2009)

>   Hướng mở cho khối công ty chứng khoán thiếu vốn (24/03/2009)

>   Vietstock khai giảng lớp Phân tích kỹ thuật bậc I  khóa 02 vào ngày 16/04/2009 (24/03/2009)

>   LAF hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu (23/03/2009)

>   Bài học từ sự bất thành (24/03/2009)

>   ALT: Lợi nhuận tăng 23% (23/03/2009)

>   VIC sẽ hình thành tổ hợp trung tâm thương mại lớn tại Thủ đô (24/03/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật