Khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động đến xuất khẩu của Inđônêxia
Suy thoái kinh tế toàn cầu đã bắt đầu tác động đến xuất khẩu của Inđônêxia trong những tháng cuối năm 2008, với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10 giảm 11% so với tháng 9, và là mức thấp nhất kể từ tháng 4.
Tuy xuất khẩu các mặt hàng phi dầu mỏ vẫn tăng trưởng tốt, ở mức 22% trong tháng 10/08, song vẫn thấp hơn mức 28% ghi nhận trong tháng trước đó. Tất cả những chỉ số này cho thấy rõ đà suy giảm xuất khẩu sẽ tiếp tục trong những tháng tới khi kinh tế thế giới vẫn tiếp tục xấu đi.
Động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu của Inđônêxia trong 2 năm qua là xuất khẩu hàng tiêu dùng. Trong 10 tháng đầu năm 2008, xuất khẩu các loại dầu ăn tăng 72% so với cùng kỳ năm 2007. Sự tăng trưởng mạnh cũng được ghi nhận đối với các sản phẩm khác như khoáng sản (50%), dầu mỏ và khí đốt (50%), cao su (33%). Kim ngạch xuất khẩu tăng một phần còn nhờ giá các mặt hàng tăng mạnh, chỉ riêng tháng 7/08, giá hàng tiêu dùng đã tăng từ 50-60% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đà suy giảm kinh tế đã bắt đầu diễn ra trong tháng 8/08, với giá hàng tiêu dùng giảm 40-50%, và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2009. Nhưng giá một số mặt hàng như dầu ăn và than dùng cho các nhà máy điện sẽ không giảm do nhu cầu của người tiêu dùng không thể giảm, bất chấp kinh tế suy thoái. Bên cạnh đó, xuất khẩu một số sản phẩm yêu cầu tay nghề cao, máy cơ khí và đồ điện của Inđônêxia trong năm qua vẫn tăng trưởng tương đối tốt nhờ việc sản xuất chuyên môn hóa gia tăng trong khu vực. Tức là mỗi nước, tùy theo thế mạnh của mình, sẽ sản xuất từng bộ phận lắp ráp của một loại máy nào đó và sau đó sẽ được xuất tới các nước châu Á có kỹ năng lắp ráp cao để hoàn thiện sản phẩm rồi đem bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, năm 2009, việc xuất khẩu những sản phẩm như vậy của Inđônêxia sẽ giảm mạnh vì xuất khẩu thành phẩm từ các nước châu Á sang Mỹ và Liên minh châu Âu cũng được dự báo sẽ giảm mạnh do các nền kinh tế này đều bị suy thoái.
Một lĩnh vực sản xuất khác của Inđônêxia sẽ bị mất khả năng cạnh tranh là hàng dệt may. Trong thập niên 1990 ngành dệt may đã từng là điểm sáng cùng với dòng đầu tư nước ngoài tăng mạnh từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Thậm chí ngay cả sau cuộc khủng hoảng 1997/98, ngành dệt may vẫn tăng trưởng ở mức hai con số. Nhưng hiện tại ngành này đã để mất mức tăng trưởng hai con số do thiếu đầu tư để đổi mới thiết bị và công nghệ, lại thêm cơ sở hạ tầng xuống cấp và phải cạnh tranh quyết liệt với hàng dệt may của Trung Quốc và Việt Nam.
Nhập khẩu các mặt hàng phi dầu mỏ của Inđônêxia trong 9 tháng đầu năm 2008 đã đạt khoảng 5 tỷ USD, trong đó một nửa là từ các nước Đông Á. Thực tế, nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu đã làm xuất siêu của Inđônêxia giảm từ 4,4 tỷ USD trong quý I xuống còn 1,4 tỷ USD vào quý III.
Dự báo năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu của Inđônêxia có thể chỉ đạt 118 tỷ USD, giảm 17% so với năm 2008. Dự báo này được đưa ra dựa trên cơ sở nếu những biện pháp quyết liệt mà các ngành cùng áp dụng để đối phó với khủng hoảng sẽ có kết quả từ giữa năm 2009. Trong trường hợp xấu hơn, xuất khẩu giảm tới 20% so với năm 2008 không chỉ là một thảm họa mà còn gây tổn thất nghiêm trọng đối với dự trữ ngoại tệ và làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Bài báo cho rằng trong bối cảnh hiện nay cần phải chấn hưng các ngành sản xuất hàng xuất khẩu bằng những chính sách tạo điều kiện cho các ngành sản xuất hiệu quả hơn và có khả năng cạnh tranh mạnh hơn.
ttxvn
|