Thứ Tư, 19/11/2008 08:48

Thách thức đối với xuất khẩu 2 tháng cuối năm 2008 và năm 2009

Thay đổi giống gạo có chất lượng để tăng sản lượng gạo xuất khẩu. Kim ngạch XK tháng 10 đạt trên 5 tỉ USD, nâng tổng kim ngạch XK 10 tháng đầu năm 2008 lên 53,7 tỉ USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2007. Tuy nhiên, tháng 9 và tháng 10, XK đã có dấu hiệu giảm sút và thời gian tới còn đối mặt với nhiều khó khăn. 

10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2007. Đến nay có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là: dầu thô đạt 9,5 tỉ USD, tăng 43,2%; thuỷ sản: 3,8 tỷ USD, tăng 23,7%; gạo: 2,6 tỷ USD, tăng 83,4%; sản phẩm gỗ: 2,27 tỷ USD, tăng 18,6%; điện tử và linh kiện máy tính: 2,2 tỷ USD, tăng 27,5%; cà phê: 1,7 tỷ USD, tăng 20,5%; cao su: 1,4 tỷ USD, tăng 28,8%; than đá: 1,29 tỷ USD, tăng 58,3%. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của phần lớn các mặt hàng đều có sự sụt giảm trong tháng 9, tháng 10 nhưng riêng kim ngạch mặt hàng điện tử và linh kiện máy tính vẫn tăng cao, cụ thể tháng 9 đạt 265 triệu USD và tháng 10 tiếp tục tăng lên 300 triệu USD.

Cơ cấu xuất khẩu vẫn tiếp tục có biến chuyển theo hướng tăng tỷ trọng mặt hàng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng xuất khẩu thô. Nhóm hàng nông lâm thuỷ sản chiếm tỷ trọng 20,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản chiếm 20%; nhóm hàng chế biến, công nghiệp và thủ công mỹ nghệ chiếm gần 60%.

Năm 2009: đối mặt với thách thức

Do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang bị đe doạ thu hẹp mạnh. Vì vậy, thời gian tới, hàng hoá của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn với hàng hoá cùng chủng loại của các nước châu Á, như mặt hàng nông sản, thuỷ sản, dệt may, giầy dép, điện tử trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường chủ lực có xu hướng giảm.

Thuận lợi về giá sẽ không còn, giá hàng hoá tiếp tục đứng ở mức thấp do nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường giảm, nền kinh tế thế giới suy thoái cũng sẽ làm cho giá hàng hoá khó có thể tăng trong năm tới.

Hơn nữa, năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản của Việt Nam đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao như những năm trước về sản lượng như lúa gạo, cà phê, cao su, dầu thô. Các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch lớn là dệt may và da giầy sẽ gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, do năm 2009 Mỹ sẽ bỏ hoàn toàn hạn ngạch hàng dệt may đối với Trung Quốc; trong khi đó, EU không gia hạn quy chế GSP đối với hàng da giầy xuất khẩu của Việt Nam, và thêm nhiều hàng rào phi thuế… sẽ là những thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.

6 biện pháp gỡ khó cho xuất khẩu

Theo chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, để đảm bảo tăng trưởng GDP 2009 là 6,5% thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2009 phải đạt 13%, tức là tương đương với 72,3 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước hiện nay để đạt được chỉ tiêu trên là vô cùng khó khăn. Vì thế, theo Bộ Công Thương, ngay từ bây giờ cần tập trung triển khai 6 biện pháp: Một là, thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng tăng giá trị hàng hoá xuất khẩu đối với các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng sản xuất do bị hạn chế về cơ cấu (diện tích, năng suất, thời tiết…) không có điều kiện tăng nhiều về lượng, trong đó đặc biệt chú ý các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản. Hai là, tăng cường đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, giải quyết nhiều công ăn việc làm như các sản phẩm chế biến: dệt may, giầy dép, đồ gỗ, sản phẩm nhựa, dây cáp điện… Rà soát và phát hiện các mặt hàng có khả năng sản xuất nhưng không hoặc chưa bị hạn chế về thị trường như đồ nhựa các loại, sản phẩm cơ khí, túi xách, vali, mũ, ô dù… Ba là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng phát triển không bị hạn chế về khả năng sản xuất, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như: hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cao su, hàng thực phẩm chế biến, hoá mỹ phẩm, sản phẩm cơ khí, sản phẩm phần mềm… Bốn là, tập trung khai thác chiều sâu, chiều rộng đối với các thị trường truyền thống, thị trường xuất khẩu trọng điểm đi đối với phát triển thị trường có chung đường biên giới với Việt Nam thông qua việc xem xét điều chỉnh những quy định không phù hợp còn hạn chế xuất khẩu trong thời gian qua. Năm là, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương (FTA); gắn thị trường xuất khẩu với thị trường nhập khẩu, thông qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu ở các thị trường có mức nhập siêu lớn. Sáu là, giảm chi phí sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá ở cả doanh nghiệp và nhà nước. Về phía Nhà nước, chủ động rà soát và điều chỉnh những cơ chế chính sách chưa phù hợp theo hướng mở, không tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng là đầu vào của sản xuất và xuất khẩu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội giảm giá hàng hoá. Về phía doanh nghiệp, cần tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất, chất lượng hạ giá thành sản phẩm.

Ngoài những biện pháp trên, Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu đã được Chính phủ ban hành. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với sản xuất, xuất khẩu; ưu tiên cấp tín dụng và đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp thu mua nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thuỷ sản và công nghiệp chế biến xuất khẩu. Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nguyên liệu, đầu vào cho sản xuất xuất khẩu như hạt nhựa, nguyên liệu thuỷ sản, điều nguyên liệu và xơ sợi…

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp rà soát các hợp đồng xuất khẩu đã ký, nhất là các hợp đồng dài hạn, hợp đồng có kỳ hạn; cẩn trọng trong việc sử dụng công cụ thanh toán, điều kiện thanh toán trong các giao dịch có khả năng tiềm ẩn rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ với các đối tác.

Thanh Hương

công thương

Các tin tức khác

>   Cam kết tiến độ Keangnam Tower: Chưa thể đặt bút ký (19/11/2008)

>   Nội địa hóa đóng tàu: Câu hỏi còn bỏ ngỏ (19/11/2008)

>   Khu vực nhà nước: kém hiệu quả, sao vẫn đầu tư? (19/11/2008)

>   Tìm vốn khai thông thị trường (19/11/2008)

>   Thương hiệu địa phương (19/11/2008)

>   DN quá chủ quan về an toàn thông tin (19/11/2008)

>   Để vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Phải có những cải cách sâu rộng (19/11/2008)

>   Ngành dệt may VN chưa tạo được thương hiệu mạnh (19/11/2008)

>   Tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành Xây dựng (19/11/2008)

>   16,5 triệu đồng một giấy phép nhượng quyền thương mại (19/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật