Hiệp hội Thép "bắt tay" nhau giữ giá:
Yêu sách đòi bảo hộ làm hại nền kinh tế
Có vi phạm Luật Cạnh tranh?
* Cục Quản lý cạnh tranh đã vào cuộc điều tra việc vi phạm của các DN ngành thép.
Ngành thép đang chứng kiến những thăng trầm chưa từng có khi mới khoảng giữa năm nay, các DN ngành này còn đang hân hoan với những khoản lãi kếch sù thu được từ XK ngược phôi thép, thì vào thời điểm này, nhiều DN ngành thép đang thoi thóp.
Với mức tồn đọng lên tới 3 triệu tấn các loại, tương đương khoảng 2,1 tỉ USD, không ít DN đang trên bờ vực phá sản, khó cầm cự được.
Đẩy khó cho người tiêu dùng
Lý do đầu tiên tác động đến thị trường trong nước là sự đảo chiều của giá sắt thép thế giới. Đang từ mức 1.200USD/tấn phôi thép hồi đầu tháng 7, giá phôi hạ thấp không phanh xuống còn 500-550USD/tấn trong tháng 9 và tới nay chỉ còn khoảng 350USD/tấn.
Thậm chí có DN cho biết, giá phôi NK từ khu vực Viễn Đông chỉ còn khoảng 290USD/tấn trong tháng 10. Mới đây, Hiệp hội Thép VN (VSA) đã chính thức kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính giảm thuế XK phôi thép về mức 0%, thay vì mức 5% hiện nay để tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu phôi thép.
Lượng thép tồn kho trong nước cũng đang ở mức báo động. Vào đầu tháng 10, VSA đưa ra con số lượng tồn kho khoảng 400.000 tấn thép thành phẩm và 500.000 tấn phôi, tổng trị giá ước tính trên 1 tỉ USD. Tuy nhiên, theo số liệu của một DN thép công bố tại hội thảo "Tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất thép", vừa tổ chức tại HN hôm 25.10, số lượng thép các loại tồn đọng hiện lên đến 3 triệu tấn.
Trong đó, các DN thép NK từ đầu năm đến nay khoảng 7 triệu tấn; tồn kho 2 triệu tấn từ năm 2007 chuyển sang, tổng cộng là 9 triệu tấn. Nhưng từ đầu năm, do chủ trương thắt chặt tín dụng, đình hoãn, dãn tiến độ thi công các công trình XDCB của Nhà nước mà đầu ra của thép bị hạn chế. Đến hết tháng 9, cả nước mới tiêu thụ khoảng 4 triệu tấn, XK 2 triệu tấn, còn tồn kho 3 triệu tấn. Trong số này có khoảng 1 triệu tấn là thép tấm, lá, còn lại chủ yếu là thép xây dựng, phôi thép và thép phế liệu.
Ông Trần Anh Vương - GĐ Cty thép Bắc Việt - đưa ra số liệu so sánh: Số các công trình dự án đình hoãn tiến độ của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2008 là 1.968 dự án với 5.991 tỉ đồng và các tập đoàn, TCty là 1.145 dự án với tổng số vốn đầu tư 31.086 tỉ đồng.
Cộng cả 2 khoản này là 36.000 tỉ đồng, cũng xấp xỉ lượng tồn thép 3 triệu tấn nhân với giá mua vào là 700USD/tấn, bằng 2,1 tỉ USD (tương đương 35.700 tỉ đồng). Ông cho rằng, nếu không gặp những khó khăn của tình hình kinh tế năm nay, thì 3 triệu tấn thép tồn kho hiện đã nằm trong các dự án, công trình xây dựng.
Trước những khó khăn của việc tiêu thụ thép xây dựng, một lần nữa VSA nhân danh các DN thép đã yêu cầu Chính phủ tiếp tục tăng thuế NK thép thành phẩm từ mức 8% hiện nay lên 25%. Lý do được đưa ra là để cứu vãn mức tiêu thụ thép trong nước, hạn chế sự xâm thực của thép Trung Quốc tràn sang VN.
Cao điểm nhất của giải pháp "cứu" các DN trong bối cảnh này, trong một cuộc họp với các đơn vị thành viên ngày 7.10, VSA đã yêu cầu các DN không nên tiêu thụ thép bằng mọi giá, cạnh tranh hạ giá bán, mà cần thống nhất để giữ giá thép trong nước.
Theo VSA, các DN nên giữ giá thép cuộn và thép cây ở mức bình quân là 13,5-14 triệu đồng/tấn (chưa có VAT), chứ không nên mạnh ai nấy hạ.
Không dễ giữ giá
Động thái "cứu" DN ngành thép trong bối cảnh khó khăn, nhiều dự báo được đưa ra, sẽ có khoảng 50% số DN sẽ phá sản, theo Hiệp hội Thép là việc chẳng đặng đừng. Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA - khẳng định: Chúng tôi không vi phạm Luật Cạnh tranh bởi nếu các DN đang lãi lớn mà cùng liên kết để giữ giá bán thì mới là vi phạm, đằng này các DN đều đang lỗ trầm trọng, cùng nhau thoả thuận không bán phá giá là cần thiết.
Ông Trần Anh Vương thì cho rằng, ai cũng nói đầu năm các DN ngành thép đã lãi lớn, nhưng thực sự thì các DN thép không thu lợi từ người tiêu dùng trong nước, mà lãi ở đây do XK phôi thép được giá. Nhưng từ đầu tháng 8, Chính phủ đã không cho XK vì lo ngại thiếu phôi cho sản xuất trong nước, đánh thuế phôi lên 10%. Bây giờ dù phôi thép có xuống trở lại mức 0% cũng khó xuất, vì giá phôi thế giới đã xuống quá thấp, thấp hơn cả giá phôi sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh hiện nay, giá thép đã xuống rất thấp rồi, với giá này, các DN cũng không có lãi, thì người tiêu dùng cũng nhân cơ hội đó mà kích cầu tiêu dùng. Một khi cầu tăng trở lại, cộng với chính sách tiền tệ được nới lỏng, lãi suất huy động và cho vay giảm là cơ hội để ngành thép vực dậy.
Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan quản lý cạnh tranh thì việc đề xuất giữ giá bán thép ở một mức độ vừa phải là đã có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Một quan chức của Cục Quản lý cạnh tranh cho biết: Cơ quan này đang tìm những bằng chứng thuyết phục để chứng minh việc làm của VSA là vi phạm và nếu VSA không chứng minh được việc không vi phạm thì Cục Quản lý cạnh tranh sẽ có những biện pháp thích hợp để việc ấn định giá của các DN không gây ảnh hưởng đến thị trường thép và người tiêu dùng.
Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế VN, động thái đề xuất Chính phủ cho tăng thuế nhập, giảm thuế xuất đối với thép của VSA càng chứng tỏ rằng các DN ngành thép chưa có tầm nhìn xa.
Thực tế cho thấy đây là những yêu sách đòi bảo hộ, mà thực tế cũng chứng minh những DN sớm vật lộn trong môi trường cạnh tranh thì sẽ tồn tại, càng bảo hộ càng chết yểu. Vấn đề của ngành thép bây giờ theo ông không phải là những giải pháp tình thế nhất thời, mà là tầm nhìn dài hạn cho cả tương lai. Việc kìm giữ giá mà thị trường không chấp nhận thì sớm muộn, các DN cũng tự phá bỏ cam kết để đường ai nấy đi.
lđ
|