Thứ Tư, 01/10/2008 06:54

Chuyển dịch vốn ở công ty cổ phần:

Không lãi, nhà nước chịu; có lãi, tư nhân hưởng

Ở những công ty lớn, có giá trị gia tăng cao, nguồn đất dồi dào, vốn nhà nước lần lượt bị rơi vào tay tư nhân. Bất cập từ đâu?

Giá cao, người lao động... ngó!

Qua khảo sát 163 doanh nghiệp (DN) nhà nước cổ phần hóa tại TPHCM, ban đầu có đến 82% tổng số người lao động (NLĐ) trong DN là cổ đông nhưng đến cuối năm 2007, con số đó hạ xuống còn 53%.

Về vốn, theo số liệu khảo sát tại 171 DN cổ phần hóa, ban đầu NLĐ chiếm 30,4% vốn nhưng đến cuối 2007 lại giảm xuống còn 22,1%. Dù nhà nước có chính sách ưu đãi nhưng nguyên nhân khiến tỷ lệ sở hữu vốn góp vẫn giảm là vì NLĐ thu nhập chưa cao nên sự tích lũy thấp.

Theo quy định trước đây, cứ mỗi năm công tác, NLĐ được mua 100 cổ phần với mức ưu đãi 30%/mệnh giá. Nhưng thực tế nhiều NLĐ vẫn không có tiền mua. Đến năm 2005, chính sách ưu đãi thay đổi, tưởng NLĐ có thể làm chủ, nhưng đằng này, càng ít người mua được cổ phiếu hơn.

Vì theo quy định mới, NLĐ được mua ưu đãi 40%/giá đấu thành công bình quân nhưng vì giá đấu quá cao, gấp mấy chục lần so với mệnh giá nên việc ưu đãi vài mươi phần trăm không nhằm nhò gì so với số tiền quá lớn mà NLĐ phải bỏ ra. Bởi vậy, cách mà nhiều NLĐ xử lý đối với cổ phiếu ưu đãi là… “sang tay” hưởng chênh lệch.

Theo khảo sát tại TPHCM, giá cổ phiếu bình quân hơn gấp rưỡi so với mệnh giá (khoảng ở mức 16.800 đồng/cổ phần - mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần) và không ít DN đấu giá cao ngất ngưỡng, đến mức NLĐ chỉ có thể… đứng ngó. Chẳng hạn, Công ty CP Khu Công nghiệp Hiệp Phước có giá đấu thành công lần đầu bình quân 215.000 đồng/cổ phần- gấp 21,5 lần mệnh giá; Công ty CP sản xuất kinh doanh XNK dịch vụ và đầu tư Tân Bình (Tanimex) với giá 36.800 đồng/cổ phần- gấp 3,68 lần mệnh giá…

Tài sản nhà nước dần rơi vào tay tư nhân

Một bất hợp lý khác là thời gian qua, hầu hết DN cổ phần hóa sản xuất kinh doanh không có lãi, không bán được cổ phần thì nhà nước phải điều chỉnh tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tăng lên. Không ít trường hợp nhà nước phải “ôm” tỷ lệ vốn cao hơn 50% vốn điều lệ, trong khi những DN đó không thuộc đối tượng nhà nước phải nắm cổ phần chi phối.

Có DN bán đấu giá cổ phần không đạt được tỷ lệ theo phương án được duyệt nên nhà nước phải điều chỉnh “ôm” thêm vốn. Chẳng hạn như Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn, theo phương án được duyệt, nhà nước nắm giữ 51%, nhưng do bán không được nên phải điều chỉnh tăng lên 59%; Công ty Thái Dương, theo phương án được duyệt là nhà nước sở hữu 51%, nhưng do bán cổ phần không được nên phải điều chỉnh tăng lên thành 71%...

Thế nhưng, ở những DN có giá trị gia tăng cao, nhất là những DN quản lý nhiều đất đai thì phần vốn nhà nước lại dần dần rơi vào tay tư nhân, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước. Cụ thể là trường hợp của Tanimex - DN nắm giữ diện tích đất đai, nhà xưởng (có nguồn gốc công sản) rất lớn vì có KCN Tân Bình- ban đầu tỷ lệ vốn nhà nước đến 51,35%, thế nhưng, đến năm 2008, tỷ lệ vốn nhà nước “teo” lại, chỉ còn… 19,26% và cũng không thực hiện đấu giá quyền mua cổ phần nhà nước! Tương tự, Công ty CP Dược phẩm Cần Giờ, tỷ lệ vốn nhà nước ban đầu là 29%, nay chỉ còn… 1,32%! Công ty CP May da Sài Gòn cũng thế, tỷ lệ vốn nhà nước từ 51% giảm xuống còn 34%...

Nguyên nhân, theo đánh giá của UBND TPHCM thì người đại diện vốn nhà nước tại các DN cổ phần chưa chấp hành đúng trình tự, thủ tục trong việc mua bán cổ phần thuộc phần vốn nhà nước. Do vậy, UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành chấn chỉnh và đề xuất hướng xử lý đối với các DN sai phạm, gây mất nguồn thu ngân sách nhà nước.

Một nguyên nhân khác là do nhà nước cho DN nhà nước cổ phần hóa thuê đất với giá rất thấp, vì vậy, trong quá trình cổ phần hơn 260 DN thì hầu hết đều chọn phương án thuê đất, nếu không sử dụng đem cho thuê lại cũng có lợi nhuận. Từ đó mới có chuyện các cá nhân ngoài DN “săn” cổ phần của các DN “có” nhiều đất đai. Thế nhưng, dù UBND TP đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh giá cho thuê đất sát với giá thị trường để tạo công bằng cho các thành phần kinh tế và hạn chế thất thoát nguồn tiền cho thuê đất nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa được… hồi âm.

sggp

Các tin tức khác

>   Tập đoàn Bảo Việt lùi thời gian niêm yết cổ phiếu sang năm 2009 (30/09/2008)

>   PVFC thực hiện việc lưu ký chứng khoán (30/09/2008)

>   Thông báo kết quả đấu giá bán cổ phần của Công ty đầu tư xây dựng 3-2 (30/09/2008)

>   PP.PHARCO: Ủy quyền quản lý sổ cổ đông (30/09/2008)

>   Một điểm dừng (30/09/2008)

>   SCIC: Bán đấu giá CP tại CTCP Công nghiệp Thủy sản VINASHIN Nam Thanh (30/09/2008)

>   SCIC: Bán đấu giá CP tại CTCP Tư vấn Xây dựng Tổng hợp Tây Ninh (30/09/2008)

>   SCIC: Bán đấu giá CP tại CTCP Tư vấn Xây dựng Vĩnh Long  (30/09/2008)

>   SEB: Uỷ quyền quản lý sổ cổ đông (30/09/2008)

>   Quảng Nam: Hơn 182 tỷ đồng xây dựng 2 nhà máy thủy điện (29/09/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật