Thứ Năm, 18/09/2008 15:57

Sau đối tác chiến lược, sẽ là…

Trong số các ngân hàng (NH) nội hiện nay, 10 đơn vị có đối tác chiến lược là NH nước ngoài và số còn lại cũng không ít NH đang nỗ lực tìm nguồn vốn ngoại với mong muốn đối tác chiến lược sẽ đem đến sức sống mới cho NH, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm… Liệu sẽ có bao nhiêu NH nội lọt vào mắt xanh của các nhà băng nước ngoài, bởi cuộc cạnh tranh được dự báo sẽ ngày một khốc liệt khi Việt Nam có thêm các NH 100% vốn nước ngoài hoạt động?

Thông tin từ Maybank (Malaysia) cho biết, sẽ chỉ mua 15% cổ phần, trị giá 327,1 triệu RM (94,7 triệu USD), của Ngân hàng An Bình (ABBank), giảm 24% so với giá mua mà hai bên đã thỏa thuận ban đầu. Trước đó, ngày 21/3/2008, Maybank dự tính sẽ chi 430 triệu RM (124,6 triệu USD) để mua 15% cổ phần của ABBank. Sau khi mua xong 15% cổ phần, khi được cho phép Maybank sẽ mua tiếp 5% cổ phần của ABBank trị giá 73,8 triệu RM (21,3 triệu USD) để nâng mức tỷ lệ cổ phần của Maybank trong Ngân hàng An Bình lên 20%.

Câu chuyện bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài không phải bây giờ mới diễn ra, từ những năm 1995 - 1996, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã được phép đầu tư gián tiếp vào các NH TMCP Việt Nam. Hai quỹ đầu tư nước ngoài là Vietnam Fund và Dragon Capital từ những năm đó mỗi quỹ đã mua 10% cổ phần của VPBank. Trước đây, khi bán cổ phần cho các quỹ đầu tư, NH và công chúng nói chung thường nghĩ đến lợi nhuận có được từ sự chênh lệch giá cổ phiếu chia cho các cổ đông. Tuy nhiên, hiện nhiều NH Việt Nam lại muốn tìm đối tác là các NH nước ngoài có uy tín và bề dày kinh nghiệm mà họ không thể tìm thấy nếu hợp tác với các quỹ đầu tư.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank cho hay, NH nước ngoài đầu tư gián tiếp và trực tiếp vào Việt Nam trong thời kỳ 1995 - 2008 hầu hết là các NH cổ phần lớn trên thế giới như Standard Chartered Bank, ANZ, HSBC, BNP Paribas, Societe Generale…, với bề dày kinh nghiệm hàng trăm năm. Họ không chỉ đầu tư vào Việt Nam mà đã đầu tư đến hầu hết các nước có nền kinh tế thị trường phát triển trên toàn thế giới. Vì vậy, mục đích đầu tư của họ hoàn toàn vì lợi nhuận.

Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, các NH nước ngoài đã nhìn thấy tương lai thu về lợi nhuận rất lớn. Các yếu tố được NH nước ngoài đánh giá cao thường là: Việt Nam là có thị trường lớn với trên 85 triệu dân; trong khi đó, sản phẩm dịch vụ tài chính NH còn đang ở trình độ thấp, 70% thị phần thuộc về các NH thương mại quốc doanh nên dễ dàng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Một yếu tố nữa là nền kinh tế Việt Nam  tăng trưởng ở mức độ cao trong nhiều năm và hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Nhận xét về sự có mặt của NH nước ngoài tại Việt Nam, ông Lê Đắc Sơn cho rằng: "Họ vào thị trường Việt Nam theo phương châm con sói gửi chân". Sau khi mua cổ phần NH nội, các NH nước ngoài đi sâu hơn bằng cách nâng tối đa phần sở hữu tại các NHTMCP theo mức mà Chính phủ Việt Nam cho phép, giai đoạn tiếp theo là lập NH con 100% vốn của họ.

Standard Chartered Bank và HSBC mới đây đã được trao giấy phép thành lập NH 100% vốn nước ngoài. Liệu khi đã có thêm "lông cánh", những NĐT này còn hứng thú tham gia thêm vào NH nội? Trao đổi với ĐTCK, ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Standard Chartered Bank Việt Nam cho hay, NH này mới bỏ thêm vốn để nâng tỷ lệ sở hữu tại ACB từ  9% lên 15%. Nếu thời điểm thuận lợi, mức giá phù hợp, Standard Chartered Bank sẽ không bỏ lỡ cơ hội gia tăng sự hiện diện tại ACB.

Nhu cầu gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam là có thực, vậy khi chưa tiến đến việc lập NH 100% vốn ngoại, bài toán đặt ra là sở hữu bao nhiêu phần trăm cổ phần của các NH Việt Nam thì NH nước ngoài sẽ nhiệt tình hợp tác, gắn  bó mật thiết với NH nội?  Theo ông Lê Đắc Sơn, chỉ khi đầu tư nhiều, NH ngoại mới thực sự nhiệt tình với đồng vốn bỏ ra và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Bằng chứng là với mức sở hữu 10% cổ phần, hoạt động chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các NH không sôi động như mong đợi, phải đến khi tỷ lệ này được nâng lên 15% và có NH được phép nâng lên 20% thì hoạt động hợp tác mới để lại nhiều dấu ấn đậm nét, thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau như NH Việt Nam đưa đội ngũ cán bộ đi đào tạo ở NH nước ngoài, hoặc họ cử người sang NH Việt Nam đào tạo; có trường hợp NH ngoại còn cử người sang nắm giữ vị trí lãnh đạo một số mảng nghiệp vụ chủ chốt của NH nội mà họ có sở hữu cổ phần.

"Từ nay đến năm 2010, Chính phủ nên xem xét nâng tỷ lệ sở hữu cho cổ đông chiến lược nước ngoài lên 25% và tổng số cổ phần NH Việt Nam được phép bán cho đối tác nước ngoài không quá 35%", ông Sơn nêu ý kiến. Theo nhận định của ông Sơn, các NH chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ đàm phán tiếp, nhưng xu hướng này sẽ không mạnh như trước đây. Dự đoán đến năm 2010, số NH TMCP Việt Nam có cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ dừng lại con số 15.

đtck

Các tin tức khác

>   PMP: Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2008 (18/09/2008)

>   Giá giảm, nhà đầu tư cá nhân chuyển hướng (18/09/2008)

>   Năm 2009, SJC sẽ cổ phần hóa (18/09/2008)

>   OPC: Chấp thuận niêm yết về nguyên tắc (17/09/2008)

>   Ý kiến của UBCKNN về việc trả cổ tức bằng cổ phiếu của CTCP Hùng Vương (17/09/2008)

>   CTCP Đầu tư và Xây dựng Hồng Hà: Phát hành cổ phiếu ra công chúng (17/09/2008)

>   FIDECO: Phát hành cổ phiếu ra công chúng (17/09/2008)

>   Cấp GCN chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng cho CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội 22 (16/09/2008)

>   Cấp GCN chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (16/09/2008)

>   Có một nói mấy? (16/09/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật