> >
Thứ Ba, 23/09/2008 11:47

Đất mỏ định giá bao nhiêu?

Mặc dù Việt Nam chưa có ai trở thành tỷ phú nhờ vào việc cổ phần hoá (CPH) các DNNN hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn có phần lo lắng, bởi với chính sách cho thuê đất, giao đất trả tiền một lần như hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam chưa thể lượng hoá được toàn bộ nguồn tài nguyên dưới lòng đất thì trong tương lai không xa, Việt Nam rất có thể sẽ xuất hiện những tỷ phú cỡ bự.

"Khi Liên Xô sụp đổ, người ta tiến hành tư nhân hoá các nhà máy khai thác khoáng sản, nhưng không tính được giá trị trữ lượng của các mỏ tài nguyên nên chỉ tính những giá trị trên đất đã tạo điều kiện cho không ít người trở thành tỷ phú nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia họ được quyền khai thác. Đây là bài học bổ ích mà các cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu để đưa ra các chính sách phù hợp trong quá trình CPH DNNN khai thác mỏ", Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý.

Xác định giá trị DN trong quá trình CPH đối với DN khai thác, chế biến khoáng sản hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, giá trị của mỏ tài nguyên không được tính vào giá trị DN. Cụ thể, đối với công ty khai thác than thì chỉ định giá tài sản gồm nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị… của công ty, chứ không tính giá trị mỏ than vào giá trị DN. Theo ông Hà thì đây là cách phù hợp, vì mỏ tài nguyên vẫn là của Nhà nước, DN được quyền khai thác và phải đóng tất cả nghĩa vụ tài chính liên quan đến khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản.

Tuy nhiên, về lý thuyết thì cách tính trên có thể phù hợp, nhưng trên thực tế, tài sản của CTCP đang dần được tập trung vào tay một số cá nhân nên việc được quyền khai thác mỏ tài nguyên cũng đang dần được tập trung vào tay một số người. Đây là một trong những lý do mà theo ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, gần đây các CTCP liên quan đến khai thác khoáng sản từ Trung ương đến địa phương "thi nhau" xin thuê đất mỏ, xin được cấp đất khai thác mỏ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc xác định giá trị DN khai thác khoáng sản hiện nay không hợp lý. "Đối với DN khai thác mỏ hoặc chế biến khoáng sản, nếu CPH không gắn với một mỏ tài nguyên nào đó thì không thể CPH. Bởi nhà đầu tư mua cổ phần không chỉ mua tài sản trên đất của DN, mà còn mua cả quyền khai thác mỏ khoáng sản, nên đối với DN này phải xác định cả quyền khai thác mỏ tài nguyên", ông Hiển nói và cho ví dụ, CTCP Thúc Thôn chuyên sản xuất gạch ốp lát, có đầy đủ dây chuyền để sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng nếu chỉ CPH "phần nổi" của DN thì không thể thực hiện được, bởi nhà đầu tư bỏ tiền vào DN này, người ta trông chờ vào quyền khai thác mỏ đất sét Thúc Thôn.

"Cần phải nghiên cứu chính sách riêng đối với đất đai gắn liền với các mỏ và quyền khai thác khoáng sản như đá xây dựng, đất sét, thạch cao, quặng sắt, mỏ than… khi xác định giá trị DNNN trong quá trình CPH; xác định giá giao đất có mỏ khoáng sản sát với trữ lượng của mỏ, thời gian khai thác, khả năng sinh lời và giá trị sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm giao đất", ông Hiển đề xuất.

Có hay không việc xác định giá trị mỏ tài nguyên vào giá trị DN đang là bài toán khó giải với các nhà hoạch định chính sách. Nếu tiếp tục thực hiện chính sách như hiện nay, tức là không xác định giá trị mỏ vào giá trị DN, mà Nhà nước cho DN thuê đất, sẽ dẫn đến sự ngưng trệ quá trình CPH đối với DN liên quan đến tài nguyên quốc gia (từ nay đến năm 2010, chỉ tính riêng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam sẽ phải CPH 25/30 DN thành viên), nếu không thì phải bán với giá rất rẻ.

Ngay cả việc cho DN thuê đất, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, cũng rất khó, bởi việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông thường hiện nay đã không sát giá thị trường (thấp hơn khoảng 30%) thì việc cho thuê đất mỏ lại càng khó xác định độ chính xác do chưa có thị trường định giá loại đất này. Ngược lại, tính giá trị mỏ vào giá trị DN cũng không phải dễ, do Việt Nam chưa đánh giá trữ lượng, giá trị của từng mỏ tài nguyên nên một mặt khó thu hút được nhà đầu tư nếu giá trị DN được định giá quá cao, mặt khác sẽ làm thất thoát một khối lượng khổng lồ tài sản nhà nước nếu định giá thấp.

Trước những gì đã diễn ra ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu trong quá trình tư nhân hoá, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng rất băn khoăn về vấn đề này trong quá trình CPH các DN khai thác, chế biến mỏ. Theo ông Lưu, nếu xác định không rõ ràng và đưa ra các chính sách không phù hợp dễ dẫn đến làm thất thoát tài nguyên quốc gia, làm lợi cho một số người có quyền lợi vật chất gắn với DN được quyền khai thác mỏ và trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ có nhiều người trở thành triệu phú, tỷ phú không phải do sự tài giỏi, mà do nguồn tài nguyên quốc gia đem lại.

đtck


>   OTC bật lại (23/09/2008)

>   Chấp thuận nguyên tắc việc đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của CTCP Thép Đình Vũ (23/09/2008)

>   CTCP Vạn Phát Hưng: Chốt DSCĐ để tiến hành ĐHĐCĐ (23/09/2008)

>   NHTM Cổ phần Bắc Á được tăng vốn điều lệ (22/09/2008)

>   Pymepharco “hâm nóng” thị trường đấu giá IPO (22/09/2008)

>   CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy: Chốt DSCĐ để lưu ký chứng khoán và lấy ý kiến cổ đông băng văn bản (22/09/2008)

>   Phương án tổ chức giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (22/09/2008)

>   Agriseco sẽ IPO trong tháng 9 (22/09/2008)

>   CTCP Xây dựng Sông Hồng: TB đổi sổ chứng nhận sở hữu cổ phần (22/09/2008)

>   CTCP Xây dựng Sông Hồng: Chốt DSCĐ để thực hiện việc niêm yết cổ phiếu (22/09/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật