CTCP TM và dịch vụ Hạ Long: Mới cổ phần hoá đã tính phá sản
Sau khi Lao Động đăng tải bài viết "Người về 41 bị nợ tiền khó đòi", chúng tôi đã có cuộc làm việc với Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Thuỷ sản Hạ Long - ông Phạm An Hưng. Không những khẳng định nỗi lo lắng của chúng tôi, ông Hưng còn nhắc đến phương án có thể cho Hạ Long Traseco tuyên bố phá sản.
Những sai sót khó hiểu
Cty CP thương mại và dịch vụ Hạ Long (Hạ Long Traseco) nguyên là DN của Tổng Cty Thuỷ sản Hạ Long (TCty TSHL). Tại thời điểm chốt xác định giá trị DN để CPH (ngày 30.6.2006) giá trị thực tế vốn nhà nước tại Hạ Long Traseco còn 1,008 tỉ đồng. Theo NĐ 187CP, Cty đủ điều kiện CPH.
Sẽ chẳng có gì để nói nếu Ban Đổi mới và quản lý DNNN (sau đây gọi tắt là Ban đổi mới) của Bộ Thuỷ sản (cũ) không có những sai sót rất khó hiểu ở những chuyên gia tài chính sành sỏi, đã đi làm CPH ở hàng chục DNNN!
Thứ nhất - "DN phải thanh toán các khoản nợ đến hạn trả trước khi CPH, hoặc thoả thuận với chủ nợ để xử lý...". Trước ngày 30.6.2006, Hạ Long Traseco được TCty TSHL bảo lãnh để vay các ngân hàng và DN hơn 10 tỉ đồng... Tuy nhiên, ngoài khoản nợ 2,8 tỉ đồng đã được 3 bên ký giao nhận nợ, Hạ Long Traseco chưa có biên bản xác nhận nợ với các chủ nợ khác. Ban đổi mới quá "dễ tính" với Hạ Long Traseco!
Thứ hai - chiều 20.12.2006, Hạ Long Traseco tổ chức bán đấu giá công khai 98.000 CP (42,61% vốn điều lệ của Cty). Thế nhưng, hàng loạt nhà đầu tư "xa lạ" đến từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương đã phải phẫn nộ bỏ về, vì những người có trách nhiệm tổ chức đấu giá ở Hạ Long Traseco "đi vắng"!
Bằng thủ đoạn đó, phiên đấu giá giữa những "người nhà" đã thành công tốt đẹp! Khi Báo Lao Động (sau đó là nhiều báo khác) lên tiếng về cách coi thường với các nguyên tắc công khai minh bạch của việc thực hiện đấu giá tại Hạ Long Traseco, người ta cứ tưởng Bộ Thuỷ sản sẽ cho tổ chức đấu giá lại. Nhưng không! Sự tỉnh bơ đó khiến nảy sinh những nghi ngờ: Phải chăng chủ nhân đích thực của 98.000 CP (được bán với giá bèo - 10.260đ/CP) đó là người nhà của lãnh đạo Cty, lãnh đạo TCty?
Đánh mất vốn nhà nước
Vừa nhận giấy phép kinh doanh Cty CP, các nhà lãnh đạo Cty tuyên bố: Từ ngày chốt để xác định giá trị DN đến ngày chính thức trở thành Cty CP, Cty lỗ 3,461 tỉ đồng. Do đó, giá trị thực tế vốn nhà nước ở thời điểm đó bằng "0"! (1,008 tỉ trừ đi 3,461 tỉ).
Theo NĐ 187CP, cơ quan quyết định CPH phải kiểm tra, xử lý ngay, nếu cần, buộc bồi thường trách nhiệm vật chất việc đánh mất vốn nhà nước tại DN CPH. Tuy nhiên, có vẻ như Ban đổi mới thoả mãn với bản báo cáo "tự kiểm" sơ sài, dài khoảng 500 chữ của lãnh đạo Hạ Long Traseco giải trình việc làm lỗ 3,461 tỉ đồng, bất chấp dư luận cho rằng Cty đã dùng thủ thuật kế toán để nhập nhèm lỗ với những khoản nợ khó đòi?
Ngày 25.1.2008, họ lập biên bản thừa nhận tính hợp pháp của việc DN thua lỗ, đưa vốn nhà nước tại Hạ Long Traseco về "mo". Chưa kịp tồn tại ngày nào, 55.900 CP nhà nước ở Hạ Long Traseco đã biến thành đống giấy vụn! Toàn bộ CP nhà nước bị đánh mất đó đã được Ban đổi mới chuyển sang tay các nhà đầu tư bên ngoài (?) nâng tỉ lệ vốn của họ từ 42,61% lên đa số áp đảo 66,91% (33,09% còn lại là CP của NLĐ trong Cty).
Thế là các cán bộ của Bộ Thủy sản (cũ) đã nhẹ nhàng dâng Cty nhà nước của mình (có 1 toà nhà 4 tầng mặt tiền ở 39 phố Lê Lai, TP.Hải Phòng và hơn 4.000m2 đất ở vị trí có thể hái ra tiền tỉ) cho một nhóm nhà đầu tư tư nhân "thân hữu", mà không lấy về cho Nhà nước một đồng xu nào! Có thể nào đây lại là kết quả tự nhiên của một đường lối kinh tế quan trọng - CPH - của Chính phủ.
Công an, thanh tra từ trung ương đến địa phương đang lần lượt "nhảy" vào Hạ Long Traseco. Hỡi ôi! Tất cả chỉ tại Ban đổi mới đã không chấp hành nghiêm lệnh của Chính phủ được ghi ngay trong trang đầu của NĐ 187CP "CPH phải công khai minh bạch".
lđ
|