‘Chôn chân’ cổ phần hóa
Trong bối cảnh thị trường niêm yết gần như mất thanh khoản, kế hoạch CPH năm nay đang là một thách thức lớn
Như một hệ quả tất yếu, khi thị trường niêm yết kém tính thanh khoản, thị trường OTC gần như đóng băng, thì việc cổ phần hóa (CPH) các DNNN bị đình trệ. Nếu kéo dài tình hình hiện nay thật khó có thể đạt được kế hoạch CPH của các ngành, địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3 năm CPH 751 DN
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong năm 2007, cả nước đã sắp xếp được 199 DN, trong đó CPH 151 DN và bộ phận DN, nâng tổng số DN đã sắp xếp từ trước đến nay được 5.266 DN, trong đó CPH 3.749 DNNN. Việc CPH được thực hiện ở nhiều DN có quy mô lớn như: Phân đạm và Hoá chất Dầu khí, Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Nhiệt điện Phả Lại, Tài chính Dầu khí…
Thời gian tới, số lượng DN phải CPH sẽ tăng lên bởi dựa vào tiêu chí phân loại danh mục DNNN mới (thay thế tiêu chí, danh mục đã ban hành năm 2004) sẽ giảm từ 28 ngành, lĩnh vực duy trì 100% vốn nhà nước xuống còn 19 ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới, 74/78 bộ, địa phương, Tổng công ty 91 đã điều chỉnh phương án sắp xếp, đổi mới DNNN đến năm 2010 đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 69 phương án, theo đó giai đoạn 2007 - 2010 cần sắp xếp 1.553 DN, trong đó CPH 950 DN. Trong số DN CPH có 144 công ty TNHH một thành viên.
Như vậy, nếu trừ đi 199 DNNN đã CPH trong năm 2007 thì tính trung bình trong 3 năm tiếp theo, mỗi năm sẽ phải cổ phần hơn 200 DN. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK, đến thời điểm này, có rất ít DN thực hiện xong CPH và kế hoạch CPH năm nay nhiều khả năng sẽ không hoàn thành.
CPH cần cách làm khác
Theo website của TTGDCK Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay, có 20 cuộc đấu giá bán cổ phần của DNNN được thực hiện, trong đó có đến 5 cuộc là đấu giá lại do không thành công. Nếu như năm 2006 có 40 cuộc, năm 2007 có 53 cuộc đấu giá thành công thì năm nay khó có thể vượt được những năm trước. Số liệu từ UBCK cũng không khả quan hơn, khi có gần 20 công ty thực hiện bán đấu giá, trong đó có không ít cuộc là đấu giá lại.
Theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP, việc CPH được thực hiện theo phương thức bán đấu giá (khối lượng cổ phần bán ra dưới 10 tỷ đồng thì được đấu giá tại các tổ chức tài chính trung gian, trên 10 tỷ đồng thì nhất thiết phải đấu giá tại HASTC hoặc HOSE). Nghị định này cũng bổ sung các hình thức bán cổ phần lần đầu như bảo lãnh phát hành và thoả thuận trực tiếp. Nhưng theo Thông tư 146/2007/TTTP-BTC thì việc bán thỏa thuận trực tiếp và bảo lãnh phát hành vẫn phải dựa trên cơ sở giá đấu bình quân. Chỉ khi nào việc bán đấu giá không thành công mới thực hiện 2 phương thức này. Như vậy, việc CPH vẫn bó gọn trong việc đấu giá, với hy vọng mang càng nhiều tiền về cho Nhà nước càng tốt, thay vì ưu tiên mục tiêu đổi mới quản trị DNNN.
Cho dù thực hiện theo phương thức nào (đấu giá, bảo lãnh, bán trực tiếp) thì việc tạo tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp là hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình CPH. Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Quốc Cường, Trưởng phòng Kinh doanh môi giới, CTCK TP. HCM cho biết, thị trường niêm yết có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường OTC. Việc thị trường OTC mất thanh khoản kéo dài đã tác động tiêu cực đến thị trường niêm yết. Do đó, cần đẩy nhanh việc xây dựng thị trường đăng ký giao dịch của các cổ phiếu chưa niêm yết, đưa càng nhiều DN lên sàn càng tốt. Chỉ có như vậy mới tạo ra tác động cộng hưởng và thúc đẩy quá trình CPH DNNN.
Ông Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lâu nay không chỉ NĐT, mà cả các nhà quản lý đã quá quan tâm đến việc lên - xuống của chỉ số chứng khoán ở cả 2 sàn, nghĩa là quá quan tâm đến thị trường thứ cấp, nơi đang bao gồm những hàng hoá cũ, chất lượng phân tán... Các bên (NĐT và nhà quản lý) đã dường như coi nhẹ 2 vấn đề cơ bản nhất của TTCK. Đó là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn cho nền kinh tế, thay dần cho vai trò lâu nay các NHTM vẫn phải đảm nhiệm.
Trong khi đó, cũng theo ông Lai, TTCK Việt Nam từ khi ra đời gần như vẫn hướng nhiều sự quan tâm về việc phát hành và kinh doanh chứng khoán vốn hơn là chứng khoán nợ. Thứ hai, trong lúc TTCK hấp dẫn NĐT, nhiều cơ hội phát triển của thị trường sơ cấp với hàng hoá chất lượng cao... lại bị trì hoãn, kéo giãn, tính toán quá lâu, gây mệt mỏi cho NĐT, vừa mất thời cơ CPH với giá có lợi cho các DNNN lớn, vừa làm "lạnh" TTCK khi đang phát triển mạnh (từ tháng 10/2006 đến tháng 6/2007). Lẽ ra, những DNNN lớn cần lần lượt CPH ngay từ tháng 6/2007, thì hiệu quả sẽ rất lớn, thậm chí sẽ "đánh bại" những chứng khoán không tốt trước đó.
Như vậy, trong bối cảnh thị trường niêm yết gần như mất thanh khoản, thị trường OTC vẫn chưa được quản lý quy củ và cách thức CPH không được thay đổi, việc thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2010 CPH xong 751 DNNN trở thành một thách thức với cơ quan quản lý.
đtck
|