Đề nghị bán thỏa thuận các DN làm ăn không hiệu quả
Đây là thông tin được ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng GĐ Tổng Cty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đưa ra khi trao đổi với báo chí sáng nay, liên quan đến việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Trao đổi bên lề hội thảo "Tái cấu trúc DN sau Cổ phần hóa và vai trò của các tổ chức tài chính", ông Học cho biết vấn đề khó khăn nhất của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hiện nay là vấn đề quản trị kinh doanh. Do các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn còn những tồn tại, khó khăn chưa được giải quyết dứt điểm, kể cả vấn đề quản trị, quản lý doanh nghiệp.
Trong đó việc đầu tiên là phải có chiến lược cơ cấu lại cổ đông, vốn điều lệ… để các nhà đầu tư có năng lực về vốn, về quản trị doanh nghiệp cùng tham gia giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả hơn.
Cùng với đó, muốn quản lý vốn của nhà nước ở các công ty này một cách hiệu quả thì SCIC phải thực sự là một cổ đông được thực hiện quyền và nghĩa vụ của cổ đông đúng theo Luật Doanh nghiệp và theo quy định điều lệ của các công ty này. Khi doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thì vốn nhà nước ở đây sẽ tăng trưởng.
Có nghĩa SCIC vẫn gặp nhiều trở ngại khi quản lý vốn ở các Cty cổ phần?
Theo chúng tôi, trở ngại lớn nhất hiện nay là vốn nhà nước đang đầu tư dàn trải ở quá nhiều địa chỉ. Trước mắt cũng như lâu dài cần bán bớt hoặc bán hết vốn nhà nước đầu tư ở các công ty mà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhà nước không cần nắm giữ cổ phần ở đây. Số tiền thu được dùng để đầu tư vào các dự án lớn, dự án tốt có hiệu quả hơn.
Vậy có cần thêm cơ chế riêng cho SCIC trong lĩnh vực này?
Về cơ chế, chúng tôi cũng đang nghiên cứu xây dựng nhưng vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành. Chúng tôi chủ yếu kiến nghị làm thế nào để thoái vốn một cách nhanh nhất, có hiệu quả nhất bằng cách mở rộng các hình thức bán vốn.
Có nghĩa ngoài hình thức bán cổ phần nhà nước theo hình thức đấu giá hiện nay, cần mở thêm một số hình thức như bán thỏa thuận, căn cứ vào giá niêm yết trên thị trường chứng khoán để đàm phán bán vốn cho các nhà đầu tư khác. Đây cũng là đề nghị sẽ được chúng tôi đưa ra trong thời gian tới.
Vậy hiện nay những đơn vị kinh tế, các quỹ nước ngoài muốn góp vốn vào SCIC thì tổng công ty có chuẩn bị gì không?
Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Riêng các tổ chức tài chính nước ngoài chúng tôi đã quan hệ và tiếp cận với khoảng 100 tổ chức. Đây là những tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, quản trị doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã mời nhiều tổ chức giúp các doanh nghiệp mà SCIC có vốn thực hiện nghiên cứu chiến lược phát triển, cơ cấu lại công ty.
Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp bị kéo chậm lại như hiện nay có tác động thế nào đến hoạt động của SCIC?
Về vai trò, SCIC là một công cụ hỗ trợ Chính phủ trong cải cách và đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Việc bán bớt vốn nhà nước ở các công ty cổ phần cũng là quá trình tiếp theo của cổ phần hóa. Việc bán bớt vốn sẽ giúp tập trung nguồn lực cho các dự án lớn, dự án tốt nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn.
Dưới góc độ công ty cổ phần, khi danh mục đầu tư càng lớn trong khi có càng nhiều công ty kinh doanh không tốt thì rủi ro càng lớn. Chính vì thế cần tăng cường bán bớt vốn ở những đơn vị nhỏ hoạt động không hiệu quả và về lâu dài nhà nước không cần nắm giữ vốn ở đó. Có nhiều công ty có tỉ suất lợi nhuận rất cao nhưng chúng tôi vẫn bán.
Xin cảm ơn ông
Hội thảo “Tái cấu trúc Doanh nghiệp sau Cổ phần hóa và Vai trò của các tổ chức Tài chính” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Mekong Capital tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu và thấy rõ sự cần thiết của “tái cấu trúc” tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư, lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, giúp hoạt động kinh doanh tốt hơn.
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tiếp xúc thảo luận với các chuyên gia, các cơ quan tổ chức liên quan tìm ra định hướng tái cấu trúc doanh nghiệp phù hợp với hoạt động của mình.
Cũng trong hội thảo này, đại diện Mekong Capital, Tiến sỹ Thomas Lanyi, Giám Đốc Quỹ VAF đã trao đổi cùng các doanh nghiệp về những chiến lược tư vấn đầu tư hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như giới thiệu những lợi ích mà Quỹ Vietnam Azalea Fund (VAF) mang lại cho doanh nghiệp.
tiền phong
|