Thứ Năm, 29/05/2008 15:15

Định giá DN - Trở ngại chính khi mua bán, sáp nhập

Một thống kê gần đây trên thị trường mua bán, sáp nhập DN (M&A) cho thấy, tỷ lệ thành công của các vụ M&A trong nước rất thấp, chỉ đạt tỷ lệ khoảng 35%. Sở dĩ con đường đi đến hợp nhất DN rất khó khăn, bởi DN bên mua gặp rất nhiều khó khăn về định giá đối tác của mình.

“Bản chất việc soát xét doanh nghiệp (DN) giống như tìm hiểu một cô gái trước khi quyết định tiến tới hôn nhân. Bên mua cần phân tích, định lượng, đánh giá cơ hội, rủi ro, khả năng tài chính, các vấn đề thuế và vị thế của DN mục tiêu trên thị trường”- bà Mai Thu Giang, Giám đốc bộ phận tư vấn Công ty cổ phần đầu tư và Tư vấn Tài chính dầu khí (PVFC Invest) nhận định.

Điều đáng nói là việc định giá đối với các chỉ tiêu tài chính lại dễ dàng hơn rất nhiều so với định lượng các giá trị vô hình như yếu tố con người, tầm nhìn, mục tiêu và giá trị…

Đây cũng là vướng mắc lớn nhất của các DN đang có tham vọng thực hiện M&A ở Việt Nam hiện nay. Theo TS. Nguyễn Minh Tuấn, Viện Phó Viện phát triển DN: “đánh giá giá trị (định giá) của công ty bị mua là yếu tố quyết định dẫn tới thành công của một vụ M&A”.

Bài học điển hình về chuyện định giá trên thị trường M&A Việt Nam là thương vụ của công ty cổ phần DN trẻ Đồng Nai, đã chi một số tiền hết sức tượng trưng (1 USD) để mua công ty Cheer Field Vina và sau đó phải gánh một số nợ lên tới 34 tỷ đồng của đối tác.

Cái khó của việc định giá theo bà Giang là tính thiếu minh bạch trong các báo cáo tài chính, kể cả các báo cáo đã được kiểm toán. Chẳng hạn, để “làm đẹp” báo cáo tài chính, bên bán thường dùng các thủ thuật như giảm chi phí khấu hao, chi phí dự phòng, treo hoặc phân bổ dần các khoản chi phí lẽ ra cần hạch toán hết vào chi phí của năm, nhằm mục đích tăng lợi nhuận. Để đối phó lại các mánh khoé này, theo kinh nghiệm của bà Giang: DN nên nhờ tới chuyên gia tư vấn tài chính phân tích tìm ra những gì “ẩn” sau những con số đẹp.

Định giá thế nào để không bị “hớ”?

Thị trường M&A Việt Nam hiện sử dụng ba phương pháp định giá chính: đinh giá theo tài sản (NAV), định giá theo dòng tiền chiết khấu (DCF) và định giá so sánh tương quan (Compare). Với kiến thức về M&A còn khá sơ sài của các DN trong nước, định giá theo phương pháp nào cũng có những khó khăn nhất định.

Theo kinh nghiệm của bà Giang, nếu định giá theo phương pháp NAV sẽ gây tranh cãi về việc định giá tài sản vô hình như thương hiệu, bản quyền, bí quyết thương mại, danh sách khách hàng… Phương pháp DCF lại dựa vào dự báo dòng tiền tương lai của DN. Song việc tính toán này sẽ rất phụ thuộc vào nhận định cá nhân do dựa trên các giả thiết và dự báo về tỷ lệ tăng trưởng, tỷ lệ chiết khấu. Trong khi đó, phương pháp so sánh tương quan lại rất khó đưa ra giá trị chính xác tuy doanh nghiệp có thể tương đồng về quy mô, ngành…nhưng lại không giống nhau hoàn toàn.

Vậy, DN nên định giá “nàng dâu” của mình thế nào để không bị hớ?

Một chuyên gia khác trong lĩnh vực này cho rằng, DN mua nên xác định giá trị chiến lược của DN được mua: sau khi định giá theo cách bình thường (xác định dòng tiền ròng của DN), nên phân tích theo các tình huống khác nhau.

Thường việc định giá rất khó khăn do kỳ vọng của người mua - người bán không tương thích. Nhưng thực tế có những “thoả thuận” ngầm về giá ước tính trong một giao dịch M&A. Chẳng hạn, một DN sản xuất A có doanh thu 50 tỷ đồng, lợi nhuận 10 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên 20%/năm đã được định giá trong khoảng 130-170 tỷ đồng. Con số này được đưa ra dựa trên 3 lần doanh thu hay 15 lần lợi nhuận. Nhưng cũng với mức lợi nhuận tương đương, một DN trong lĩnh vực khác có thể lại bị định giá thấp hơn nhiều lần.

Lý giải cho hiện tượng này, ông Hà Minh Kiên, giám đốc Tư vấn tài chính DN (Công ty chứng khoán APEC) cho rằng, giá trị một vụ M&A tăng hay giảm phụ thuộc rất nhiều vào các tài sản vô hình như chiến lược, tầm nhìn, đội ngũ nhân sự, thương hiệu, sản phẩm độc quyền, tình trạng niêm yết… Chưa kể, nhiều DN mua đã thành công khi giữ được kiên trì trong thương lượng hay cam kết của ban điều hành DN, tính chuyên nghiệp của tổ chức tư vấn, luật sư…

Tuy mới sơ khai, song thị trường M&A Việt Nam đang rất nóng bởi sự “dòm ngó” của giới đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, “nhận thức về M&A của ngay những người trong cuộc rất mù mờ, chưa kể chúng ta thiếu hẳn đội ngũ chuyên viên tư vấn giàu kinh nghiệm cũng như có cả một khoảng trống pháp lý”- ông Kiên nhận định. Thị trường Việt Nam cũng bị đánh giá thiếu thông tin và các kênh kiểm soát thông tin chưa có hoặc chưa thực sự hiệu quả, gây trở ngại rất nhiều cho cả DN mua và DN được mua.

Theo ông Kiên, để không bị thua thiệt trong thời kỳ M&A, các DN nội cần tự nâng cấp rất nhiều về kiến thức M&A, xây dựng được đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp. Nhà nước cũng nên góp tay cho DN bằng cách xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cũng như tạo thông tin minh bạch cho thị trường./.

tổ quốc

Các tin tức khác

>   AVSC nhận ủy quyền quản lý sổ cổ đông với SAIGONBANK (29/05/2008)

>   Chợ OTC sẽ không lỗi hẹn (29/05/2008)

>   ABBank được bán 15% vốn cho Maybank (28/05/2008)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá cổ phần của Nhà Máy Dệt Tân Tiến (lần 2) (28/05/2008)

>   “Đại dự án” trị giá hơn 130 tỷ đồng bị thu hồi (28/05/2008)

>   10.000 vé máy bay nội địa loại 15.000 đồng (28/05/2008)

>   DFJ VinaCapital hợp tác đầu tư với Yeah1 (27/05/2008)

>   CTCP Chế tạo kết cấu thép VNECO.SSM nộp hồ sơ đăng ký NYCP (27/05/2008)

>   CTCP Dược phẩm Hà Tây nộp hồ sơ đăng ký NYCP (27/05/2008)

>   Sẽ có thêm hãng hàng không (27/05/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật