VCB sẽ lỗi hẹn niêm yết?
Thị trường sụt giảm khiến các nhà đầu tư mua trúng đấu giá cổ phiếu Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Ngay chính VCB cũng gặp bài toán khó, chưa biết lên sàn với giá nào khi kế hoạch tháng 6.2008 sẽ chính thức niêm yết đang đến gần.
VCB không cần nhà đầu tư chiến lược
Việc chọn nhà đầu tư chiến lược của VCB từng gây ồn ào dư luận trên thị trường năm 2007 và tốn không ít giấy mực của báo chí. Sau một thời gian dài đàm phán với một số đối tác, trong đó có General Electric, Nomura, Goldman Sachs..., VCB vẫn chưa chọn được đối tác nào. Nguyên nhân là do mức giá mà các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đưa ra cho VCB thời điểm đó chỉ vào khoảng 42.000 - 65.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này bị chê là thấp và theo VCB, mức giá này sẽ làm thiệt hại tài sản của Nhà nước. Chính vì vậy, sau đó VCB hoãn lại việc chọn đối tác chiến lược mà tiến hành IPO trước, rồi mới tính sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược "không thấp hơn mức giá đấu thành công bình quân".
Với mức giá đưa ra đấu giá là 100.000 đồng/cổ phiếu, kết quả giá đấu thành công trung bình là 107.860 đồng/cổ phiếu. Nhưng tới thời điểm này (cùng với xu thế chung của thị trường), giá cổ phiếu VCB đang ở mức khoảng 55.000 - 58.000 đồng/cổ phiếu, và câu hỏi đặt ra là, VCB sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược với giá bao nhiêu là hợp lý?
Tất nhiên là không thể bán với giá 108.000 đồng/cổ phiếu như đã nói trên vì sẽ chẳng nhà đầu tư chiến lược nào chịu mua với mức giá này khi giá thị trường chỉ còn một nửa. Còn nếu bán với giá thấp hơn thì những nhà đầu tư đã mua trúng đấu giá cổ phiếu VCB sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM phân tích, đối tác chiến lược là những tổ chức am hiểu và có uy tín trong lĩnh vực doanh nghiệp muốn chọn để phát triển. Vì vậy phải chọn đối tác chiến lược trước khi IPO để nhà đầu tư biết được chiến lược của doanh nghiệp đó và quyết định đầu tư. Đằng này VCB đã làm ngược lại. "Không chỉ nhà đầu tư bị thiệt mà ngay cả nhân viên của VCB cũng vậy. Với mức giá được mua bằng 60% giá đấu bình quân, giá mà nhân viên của VCB được mua khoảng trên 60.000 đồng/cổ phiếu, vẫn cao hơn giá thị trường hiện nay" - chuyên gia này nói. Một chuyên gia khác cũng cho rằng, thông thường giá bán cổ phiếu lần đầu bao giờ cũng thấp hơn kỳ vọng thị trường khoảng 15% vì số lượng bán lần đầu rất ít. Với mức giá hợp lý, nhà đầu tư sẽ ào vào mua, kỳ vọng thị trường sẽ đẩy giá cổ phiếu cao lên và những lần bán sau sẽ mang về cho doanh nghiệp đó khoản lợi nhuận lớn. "Nếu là người bán hàng khôn ngoan, VCB đã làm như vậy" - vị này nói.
Chưa rục rịch gì về việc niêm yết
Theo kế hoạch thì tháng 6.2008, VCB sẽ chính thức niêm yết trên sàn giao dịch. Tuy nhiên, đã hết nửa tháng 4 vẫn chưa thấy đơn vị này rục rịch gì về chuyện niêm yết. Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM khẳng định: "VCB sẽ lỗi hẹn với các nhà đầu tư về kế hoạch niêm yết". Chuyên gia này phân tích, con đường "lên sàn" của VCB lúc này đang trong thế "tiến thoái lưỡng nan" về giá. Giá IPO trung bình là 107.860 đồng/cổ phiếu, giá thị trường hiện nay khoảng 55.000 - 58.000 đồng/cổ phiếu, vậy giá niêm yết của VCB là bao nhiêu thì hợp lý. Đây cũng là câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra khi thời hạn hứa hẹn niêm yết cổ phiếu VCB đang đến gần.
Từ trước tới nay, hầu hết giá các cổ phiếu đều đi theo phương thức "tiến dần đều" là giá niêm yết cao hơn giá IPO; giá trên sàn cao hơn giá khi hoạt động dưới thị trường OTC. Cụ thể giá IPO thành công bình quân của DPM là 54.400 đồng/cổ phiếu thì khi lên sàn, cổ phiếu này được định giá là 100.000 đồng/cổ phiếu (cao gần gấp đôi); giá cổ phiếu ACB chào sàn là 120.000 đồng/cổ phiếu (giá trước khi niêm yết là 100.000 - 110.000 đồng/cổ phiếu... Nhưng VCB không thể đi theo "kịch bản" này bởi nhiều lý do. Nếu VCB định giá niêm yết bằng giá IPO là 107.860 đồng/cổ phiếu thì "đi ngược lại thị trường" vì giá thị trường hiện nay chỉ bằng một nửa. Còn nếu niêm yết với giá thấp hơn, phù hợp với giá thị trường thì những người đấu giá thành công đợt IPO vừa rồi của VCB "hóa ra bị lừa" - nói như một chuyên gia. Các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu VCB như đang ngồi trên lửa khi đối diện với bài toán của VCB.
Với tất cả những điều "khó nói" trên, việc VCB im hơi lặng tiếng về kế hoạch lên sàn của mình cũng là điều dễ hiểu.
tn
|