Thị trường chứng khoán: Chiến đấu với... tin đồn
Gần đây trên thị trường chứng khoán (CK) liên tục xuất hiện tin đồn, nhưng những người có liên quan đã phản ứng tích cực để ngăn chặn các tác động xấu có thể xảy ra.
Nhiều công ty cho biết trong thời buổi tin đồn quá nhiều, họ phải "cài ăngten" nhiều nơi để ghi nhận các thông tin và kịp thời xử lý.
Quá nhiều tin vịt
Những ngày gần đây, các nhà đầu tư (NĐT) nắm giữ cổ phiếu của Công ty CP Điện Quang (DQC) như ngồi trên lửa khi có tin đồn công ty này bị đổ vỡ trong việc thực hiện hợp đồng xuất khẩu hàng sang Cuba, phía nhà nhập khẩu đề nghị trả hàng và không thanh toán các đơn hàng đã thực hiện.
Ngoài ra, nhiều NĐT được "rỉ tai" rằng đơn vị này đã bị thua lỗ nặng do giá trị hợp đồng xuất sang thị trường trên lên tới nhiều triệu USD và được ký từ mấy năm trước, trong khi USD lại đang bị rớt giá. Anh Trần Trường Giang - một NĐT tại sàn CK Đại Việt, đang nắm giữ 2.000 cổ phiếu DQC - lo lắng cho rằng "nếu không có lửa làm sao có khói"!?
Cuối tuần trước, giới đầu tư CK cũng bị "dội" khi có tin "một quan chức của Sở Giao dịch CK TPHCM bị thẩm vấn về việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý”. Đặc biệt nhiều thông tin khẳng định "NĐT nước ngoài đang rút vốn ra khỏi CK". Các NĐT liên tưởng thông tin này với việc giá USD bất ngờ đảo chiều, từ chỗ bán không ai mua thì nay giá tăng vùn vụt, thị trường khan hiếm USD.
Và càng có lý hơn khi thời gian qua, giá CK giảm liên tục, nhiều NĐT bị thua lỗ, không loại trừ trong đó có các NĐT nước ngoài, vì vậy họ phải rút vốn... May mắn là những tin đồn này xuất hiện ở thời điểm biên độ giao dịch đã được thu hẹp nên không ảnh hưởng đến thị trường.
Trước đó cũng rộ lên tin đồn chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần CK Sài Gòn (SSI) bị bắt. Cổ phiếu SSI đã liên tục rớt sàn kể từ khi tin đồn xuất hiện cũng như sau khi "đương sự" chính thức xuất hiện và lên tiếng phủ nhận...
Mặc dù những tin đồn này sau đó đã bị bác bỏ nhưng nó cũng làm NĐT mệt mỏi, nhất là trong bối cảnh giá CK đang ở mức thấp.
Sự thật không như tin đồn
Anh Trần Thanh Phong - một NĐT tại sàn ACBS - cho rằng NĐT trong nước hiện nay đã "khôn ra", không quá tin vào những tin đồn thất thiệt, nhưng tại những thời điểm nhạy cảm như hiện nay những tin đồn này đã ảnh hưởng nhất định đến tâm lý NĐT.
Ngay khi có tin NĐT nước ngoài rút vốn, Ủy ban CK nhà nước lập tức dập tắt tin đồn bằng thông báo trên website của mình.
Trong đó nơi này khẳng định qua kiểm tra số liệu cho thấy số dư của NĐT nước ngoài không thay đổi và nhu cầu mua ngoại tệ cho thị trường CK của NĐT về cơ bản cũng không thay đổi. Còn các giao dịch mua ngoại tệ của một số ngân hàng là nhằm mục đích khác, không liên quan đến giao dịch CK.
Về tin đồn "hợp đồng đổ vỡ", trong ngày 1/4 Công ty CP Điện Quang khẳng định không có chuyện phía Cuba trả hàng cũng như không thanh toán các đơn hàng đã thực hiện cho Điện Quang như tin đồn.
Ngoài ra, hợp đồng xuất khẩu được bảo lãnh thanh toán của Bộ Tài chính và vật giá Cuba, do vậy rất an toàn trong việc thanh toán. Công ty CP Điện Quang cũng cho biết mặc dù hợp đồng được ký bằng USD nhưng được thanh toán bằng EUR nên mức chênh lệch không đáng kể...
Sở Giao dịch CK TPHCM (HoSE) vừa lên tiếng phủ nhận thông tin cho rằng một quan chức của HoSE bị thẩm vấn về việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Theo HoSE, đây là thông tin không đúng sự thật do không có bất cứ cán bộ lãnh đạo nào của cơ quan này bị thẩm vấn hay chất vấn về vấn đề quản lý thị trường.
Hiệp hội Các NĐT tài chính VN (Vafi) cũng phải phủ nhận thông tin "Vafi đề nghị nâng biên độ dao động" là không đúng sự thật. Trước đó, thị trường rộ lên tin đồn về việc kiến nghị mở lại biên độ giao dịch CK dù biên độ này mới được áp dụng vài ngày.
Hóa giải tin đồn trong 24 giờ
Ông Lê Nhị Năng - phó tổng giám đốc HoSE - thừa nhận trong giai đoạn thị trường đang khó khăn hiện nay, đã xuất hiện nhiều tin đồn xấu gây hoang mang cho NĐT.
Ông Năng cho biết HoSE có bộ phận thu nhận thông tin trên thị trường. Khi xuất hiện một tin đồn nào đó, HoSE yêu cầu công ty niêm yết hay tổ chức liên quan phải giải trình, xác minh tin đồn này có hay không, nếu có thì mức độ như thế nào...
Sau khi thẩm tra và xác minh tin đồn không đúng sự thật, HoSE sẽ yêu cầu công ty hay tổ chức liên quan phải có văn bản trấn an NĐT, gửi HoSE trong vòng 24 giờ.
Trong trường hợp tin đồn gây thiệt hại nhiều đối với NĐT, HoSE sẽ nhờ phía cơ quan công an hỗ trợ điều tra và xử lý. "Với một thị trường rất nhạy cảm với thông tin như CK, việc xuất hiện những tin đồn là khó tránh khỏi, nhưng nếu những tin đồn có dụng ý xấu và gây thiệt hại đối với thị trường, chắc chắn những đối tượng tung tin sẽ bị xử lý nếu bị phát hiện..." - ông Năng khẳng định.
tp
|