Nhập nhèm lệnh “ma”
“Cướp lệnh mua” ngay từ đầu giờ sáng, tung lượng lớn lệnh “ma” vào hệ thống để tạo cầu ảo... một số công ty chứng khoán tiếp tay đắc lực cho các đại gia thao túng giá.
Một tuần gần đây, trung bình mỗi phiên, sàn TPHCM nhập vào hệ thống gần 20.000 lệnh đặt mua với tổng khối lượng xấp xỉ 40 triệu đơn vị. Trong khi, lệnh đặt bán chỉ dè dặt 400- 500 lệnh với khối lượng từ 1- 2 triệu đơn vị. Cao điểm là vào ngày 2-4 vừa qua, khối lượng đặt mua lên tới 39,387 triệu đơn vị, trong khi chỉ có 756.850 đơn vị được đem bán. Chênh lệch cung- cầu trầm trọng khiến suốt tuần qua, sàn TPHCM chỉ khớp vỏn vẹn 2-3 triệu đơn vị/phiên, trong khi dư mua ứ đọng mỗi phiên còn hàng chục triệu đơn vị.
Hưởng lợi "2 trong 1"
Về nguyên tắc, khi tất cả đều đặt mua giá trần, trong khi hàng khan hiếm không ai bán, dù nhà đầu tư (NĐT) có đặt mua... vài triệu đơn vị (với điều kiện đủ tiền trong tài khoản) cũng khó có thể khớp. Lệnh mua này sẽ chỉ làm dày thêm lượng cổ phiếu dư mua sau mỗi phiên. Tuy nhiên, tâm lý phổ biến hiện nay là cổ phiếu dư mua càng lớn, NĐT sẽ nhao theo đặt lệnh càng nhiều. Lợi dụng điều này mà nhiều công ty chứng khoán (CTCK) thời gian qua đã ra sức nhập lệnh “ma” khi biết chắc lệnh có vào hệ thống cũng không thể thành công để “làm giá” chứng khoán. NĐT khó có thể biết thực chất bao nhiêu phần trăm trong số hàng chục triệu đơn vị đặt mua mỗi phiên là cầu thật, bao nhiêu phần trăm còn lại là cầu ảo.
Chiêu thức này vốn không mới mẻ với thị trường chứng khoán VN nhưng thường được dùng lại tại những thời điểm chứng khoán cực kỳ hưng phấn (hồi giữa tháng 3 đầu tháng 4-2007) hoặc đang trong giai đoạn phục hồi mạnh như hiện nay.
Vậy trong cuộc chơi này, CTCK được lợi gì? Trưởng phòng môi giới một CTCK tại Hà Nội tiết lộ, CTCK cũng chỉ đứng ra “làm giúp” đại gia để vừa giữ chân khách hàng VIP vừa hưởng lợi “2 trong 1”: phí giao dịch và phí hoa hồng.
Cũng theo tính toán của vị trưởng phòng môi giới này, một ngân hàng chỉ có thể hưởng tỉ lệ lãi suất cho vay khoảng 1,25%/tháng. Trong khi đặt lệnh hộ đại gia, CTCK có thể hưởng tới hai lần lãi: phí giao dịch 0,2%- 0,4% (tùy từng CTCK), tỉ lệ hoa hồng cho “công” đặt lệnh 0,35%-0,4%. Tổng cộng lãi lên tới 0,6%- 0,8% chỉ trong một buổi sáng. Lợi nhuận hấp dẫn là lý do vì sao các CTCK sẵn sàng “cướp lệnh mua” hộ đại gia từ đầu giờ sáng, nhập vô tội vạ các lệnh “ma” để đánh lừa thị trường, đặc biệt là các NĐT cá nhân mỏng kinh nghiệm, coi lượng lệnh đặt mua- bán là cơ sở tính toán nước cờ những phiên sau.
Các CTCK có thể đạt được các mức hoa hồng thỏa thuận khác nhau với đại khách hàng, nhưng tiết lộ của một broker (môi giới) cho thấy, có tới 90% CTCK được trả mức hoa hồng 0,35% tính trên tổng giá trị giao dịch thành công trong ngày của đại gia đó.
Càng blue-chips càng nhiều lệnh "ma"
Tuy nhiên, không phải lệnh “ma” được đặt ồ ạt tràn ngập nhiều mã mà chỉ tập trung ở một số blue - chips tiêu biểu: STB, DPM, VNM, PVD... Những cổ phiếu được các đại gia để mắt thao túng cũng là những mã có lượng cổ phiếu lớn, là doanh nghiệp tiêu biểu với các chỉ số kinh doanh đẹp, được NĐT nước ngoài giao dịch nhiều, được các công ty quản lý quỹ mua nhiều làm cổ phiếu quỹ...
Theo bật mí của một broker, trong 10 đại gia thì cũng chỉ có 2- 3 là tổ chức, còn lại đều là NĐT cá nhân. Bản thân các CTCK cũng có các mức độ chăm sóc khác nhau với từng cấp độ đại gia, tùy thuộc vào túi tiền, vị trí, vai trò, mối quan hệ... của đại gia đó. Đây là những điều theo giới broker là cực kỳ khó nói, biết nhưng không thể tiết lộ, vì nó thuộc vào “hồ sơ tuyệt mật” trong quan hệ làm ăn của từng CTCK.
Nói chung để được CTCK xếp vào diện đại gia, được dành chế độ chăm sóc đặc biệt - theo tiết lộ của một broker chuyên nghiệp, giao dịch một phiên của đại khách hàng đó phải đạt khoảng 10 tỉ đồng trở lên. Nhìn lại thị trường tuần qua, sàn TPHCM, giá trị giao dịch thành công chỉ đạt trên dưới 300 tỉ đồng/phiên, sàn Hà Nội dao động từ 20- 30 tỉ đồng/phiên để thấy, chỉ cần 10 đại gia cùng cấu kết đặt lệnh “ma”... thừa sức để lũng đoạn cả thị trường.
nlđ
|