Thứ Ba, 08/04/2008 16:36

Một cuộc xô xát...

“Một dân tộc biết tự trào là một dân tộc mạnh”. Chẳng thế mà ở Trung Quốc, người ta chuyền tay nhau đọc “Người Trung Quốc xấu xí”; dân Nhật Bản thuộc nằm lòng “Người Nhật xấu xí”. Đất Việt ta, các cụ ngày trước và cả một số “cụ” thời nay cũng đã và đang tìm tư liệu để bồi đắp nên cái gọi là “thói xấu người Việt”. Và nếu đúng lô gích này thì TTCK của ta phải rất mạnh mới đúng. Vì điểm qua những lời tự trào của người trong cuộc vài tháng qua cũng quá đủ để hợp thành vài cuốn sách “Nhà đầu tư xấu xí”. Và nếu thật thì có một hình ảnh cũng đáng góp mặt...

Chẳng biết mỗi lần có việc phải đến Sở GDCK TP. HCM có ai thấy chạnh lòng, thấy bất lực vì chứng kiến một cuộc xô xát mà mình chẳng thể can ngăn. Ấy là tôi đang muốn nói đến hình ảnh Bò - Gấu đánh nhau tại cổng HO... Không biết từ ngày nhân loại có nền văn minh chứng khoán thì thời điểm nào và ai là người nghĩ ra linh vật cho các trạng thái thị trường: Bò là đi lên và Gấu là thị trường cắm đầu chúc xuống. Nghiễm nhiên, Gấu nhà ta lại biến thành giống “chim Lợn” trên TTCK...

Thế nhưng, cứ mặc nhiên bị thù gét như vậy thì oan cho Gấu quá. Nhiều khi tôi cứ tẩn mẩn nghĩ, chẳng biết vì sao mà lâu nay người ta cứ mặc nhiên gọi mấy cậu đầu sừng đuôi sẹo là “đầu gấu”. Thật ra thì Gấu là loại động vật hiền lành, vô tư lự bậc nhất. Chẳng vô tư lự mà mấy cậu gấu phàm ăm đến mức mò lên cây cao đánh đẫy một bụng mật ong để say mèm rơi bịch xuống đất mà chẳng để ý gì; chẳng hiền lành mà thân là hàng lực điền chốn rừng xanh mà lại trở thành giống vật nuôi để thỉnh thoảng mấy ông bợm vật ra  xin tí mật... Thế thì phải gọi là hiền như cục đất mới đúng!

Ở chiều ngược lại, Bò xuất hiện lại được coi là cứu tinh cho bao NĐT. Trước cổng sàn chứng khoán New York Stock Exchange, người ta còn cho đúc một chú bò bằng đồng nặng tới vài tấn để tạo điềm lành. Thậm chí, khi cổ phiếu xuống quá, có công ty còn “ẵm” cả một cậu bò bằng xương bằng thịt tới sàn vào đầu phiên giao dịch để lấy may (trộm nghĩ, nếu chú linh vật ấy không phanh kịp mà nhỡ... ra sàn thì điềm ấy là điềm gì?).

Dông dài như thế để nói rằng, cái cảnh Bò đánh Gấu trước thềm HO nhìn cứ tồi tội làm sao ấy. Mà sao cứ phải cho chúng đánh nhau nhỉ? Từ khi TTCK ra đời ở Việt Nam thì công chúng đầu tư gặp Bò cũng lắm mà đón Gấu thì chẳng phải một lần. Nhưng không biết ai là người đã đặt hàng mấy ông “thợ nặn” chế ra cái hình ảnh Bò đánh Gấu lăn kềnh ra trước ngôi nhà VN-Index? Đã đành thị trường đi lên thì điều gì chẳng dễ ăn dễ nói, nhưng có nên chăng tạo ra cái cảnh “hiếu chiến” kia. Bởi suy cho cùng thì đâu có liều thuốc tráng khí nào khiến thị trường cứ “bò” lên mãi. Các cụ bảo “cực lạc sinh ai”, xuống rồi lại lên và lên rồi lại xuống là lẽ tự nhiên. Nếu Bò xuất hiện thì chú Gấu với bản tính khiêm nhường sẽ tự khắc rút lui chứ sao lại nỡ “nhẫn tâm” mà cho hai người anh em “khác giống nhưng chung một giàn” nhà chúng đánh nhau làm gì!!!

Có người bạn ưa nói chữ thì ví von rằng, “hiếu chiến” là bệnh của trẻ nhỏ (bởi khi đó chúng chưa biết sợ là gì). Anh ta còn dẫn ra câu cách ngôn đại khái rằng, bông lúa càng trĩu hạt thì càng cúi thấp đầu... Nếu dẫn sang TTCK còn non trẻ của chúng ta thì không biết có xiên xẹo gì không? Thế nhưng, cái biểu tượng “nện nhau” kia đúng là hình ảnh bồng bột của cái thời đang lớn... Những ngày đầu tiên, chúng ta đến với chứng khoán bằng tâm trạng rụt rè nhưng háo hức, say mê của cậu thiếu niên đến chỗ hẹn hò những thủa khăn quàng đỏ. Sau đó là những ngày say mê, ta có thể bàn về chứng khoán (với  sự khoan dung) với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu như nói về một người vợ đang trong tuần trăng mật. Đến cữ vừa rồi, khi cơm không lành, canh không ngọt thì sự “hiếu chiến” của tuổi trẻ mới lộ ra. Cũng có thể so sánh (tuy có hơi khập khiễng) tình yêu chứng khoán với mối tình dành cho bóng đá ở ta. Mỗi khi đến sân, bao nhiêu hỷ nộ, ái ố dành hết cho trái bóng tròn. Khi đội nhà thua trận thì người thân của cầu thủ cứ giật mình thon thót... Cơ quan điều hành TTCK cũng vậy, chẳng có công sinh thành thì cũng đang có công dưỡng dục. Thế là, “nguyên nhân đây rồi, con gấu thị trường đã có địa chỉ”. Có một tổ chức liên quan đến đầu tư chứng khoán đã hơn một lần gửi đề nghị bằng văn bản đến nhiều cơ quan hữu trách đề nghị xem xét lại chức vụ “người cầm cái” chứng khoán vì tại sao lại để thị trường giảm điểm(!?). Còn nghe kể rằng, có một nhóm NĐT đã kéo nhau đến chỗ này chỗ kia đòi “nói chuyện cho ra nhẽ” với “các ông, các bà ấy” vì đã để thị trường xuống quá.

Câu chuyện nhà báo với NĐT khi thị trường gầy yếu mới lắm ngõ ngách bi hài. Tôi có anh bạn làm nghề phó nháy chuyên tác nghiệp trên sàn giao dịch. Cái đận bảng điện tử đỏ quá, anh kể rằng, mỗi sáng thức dậy phải “lên gân” mấy lần mới dám lên sàn; đến nơi lại phải thở sâu mấy cái mới dám thò ống tê-lê ra khỏi bị. Vừa chụp  vừa lo ngay ngáy khi nghĩ đến cái cảnh nhà báo và NĐT chứng khoán cầm ghế “nói chuyện” với nhau trên sàn chứng khoán Kim Long dạo trước. Có hôm anh đang “tác nghiệp” thì một bà chị tuổi sồn sồn ghé tai mà ngâm nga. Thơ rằng: “Cổ phiếu mà biết nói năng thì... thằng chụp ảnh hàm răng chẳng còn”. Hú hồn, may mà chị ấy không có phương tiện “tác nghiệp” trong tay!!!

Nhân ngày rỗi việc, đứng trước cổng HO tản mạn vui vui đôi chút, gọi là cười chú bò - chú gấu “chẳng biết nói năng”. Chợt nghĩ thế này, nếu ai có lòng thì cũng có thể mở cuộc vận động quyên góp để thay đổi cái hình ảnh “hiếu chiến” ngay trước lối ra vào của ngôi nhà VN-Index? “Con giun xéo lắm cũng quằn”, từ đầu năm đến giờ, Gấu chẳng “vả” cho Bò mấy phen lấm lưng trắng bụng đó sao!

đtck

Các tin tức khác

>   Người hành nghề CK cần có từ 4-7 chứng chỉ chuyên môn (08/04/2008)

>   Thông tin thành viên mới (ATSC) (08/04/2008)

>   VDSC: Thông báo sửa đổi điều lệ (08/04/2008)

>   VIS: Nghị quyết Đại hội Cổ đông bằng văn bản (08/04/2008)

>   DIC: Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên 2008 (08/04/2008)

>   NAV: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (08/04/2008)

>   AGF: TB tổ chức Đại hội cổ đông lần 2 năm 2007 (08/04/2008)

>   VNE: TB ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức 2007 (08/04/2008)

>   VIS: Giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến cổ đông nội bộ (08/04/2008)

>   VFMVF1: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng trong kỳ (08/04/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật