MobiFone - "anh cả" của ngành di động Việt Nam
Về "tuổi đời", năng lực mạng, số thuê bao và doanh thu, MobiFone xứng đáng là "anh cả" của ngành di động Việt Nam. MobiFone đang có khoảng 15 triệu thuê bao thực và hướng đến mục tiêu 10.000 trạm thu phát sóng, 1 tỷ USD doanh thu trong năm 2008.
Vạn sự khởi đầu nan
Ngày 16/4/1993, MobiFone - mạng di động đầu tiên của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. Ở thời điểm đó, thông tin di động còn là khái niệm xa lạ với đa số người tiêu dùng. Trong 2 năm đầu tiên, MobiFone gặp rất nhiều khó khăn bởi kinh nghiệm xây dựng và khai thác mạng chưa có, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Mạng MobiFone ban đầu chỉ có một tổng đài dung lượng 2.000 số với 7 trạm thu phát sóng (BTS) tại Hà Nội và một tổng đài 6.400 số với 6 trạm BTS tại khu vực phía Nam phủ sóng 4 địa phương (TP. Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Long Thành, Vũng Tàu).
Từ 1995, khi MobiFone chính thức thành lập Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Comvik (Thụy Điển) để cùng xây dựng và khai thác mạng thông tin di động thì mạng này bắt đầu phát triển rất mạnh mẽ. Comvik đã chuyển giao về kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, nguồn vốn... giúp MobiFone khẳng định đẳng cấp trên thị trường.
2007 là năm tăng trưởng vượt trội của MobiFone với hơn 10 triệu thuê bao phát triển mới, trong đó thuê bao thực phát triển đạt gần 7 triệu, nâng tổng số thuê bao trên mạng lên trên 15 triệu thuê bao. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục, bằng con số phát triển thuê bao của 13 năm trước cộng lại. Dự kiến năm 2008 MobiFone có thêm 6.000 BTS mới và đạt khoảng trên 10.000 trạm BTS vào cuối năm 2008, đạt doanh thu 1 tỷ USD.
Nhân tố mới kích thích cạnh tranh
Khi MobiFone bắt đầu phát triển mạnh và có triển vọng kinh doanh tốt, năm 1996, VNPT đã thành lập Ban dự án xây dựng một mạng di động mới và nhận được hỗ trợ rất nhiều về kinh nghiệm xây dựng cũng như khai thác mạng di động từ các chuyên gia của MobiFone và Comvik. Ngày 14/06/1997, mạng di động thứ hai tại Việt Nam có tên VinaPhone chính thức đi vào hoạt động. Sự cạnh tranh đã xuất hiện nhưng chưa mạnh. Tuy cùng chung một chính sách với Vinaphone, nhưng trên thực tế MobiFone đã xây dựng được hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp và gây ấn tượng hơn.
MobiFone bắt đầu cạnh tranh thực sự khi S-Fone - mạng CDMA đầu tiên tại Việt Nam khai trương vào tháng 7/2003. Đến cuối năm 2004, Viettel Mobile - mạng di động GSM thứ ba cũng đi vào hoạt động. Kể từ thời điểm này cho tới gần cuối năm 2006, Viettel Mobile được đánh giá là một hiện tượng trên thị trường thông tin di động với giá cước rẻ, đầu tư nhanh. Trong 3 năm đó, Viettel Mobile là mạng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Ngoài sự năng động và sáng tạo trong kinh doanh, một yếu tố quan trọng dẫn tới thành công là sự chênh lệch về giá cước giữa Viettel Mobile với MobiFone và VinaPhone khá lớn - trong khi MobiFone, VinaPhone không được phép giảm giá cước để cạnh tranh vì là mạng chiếm thị phần khống chế. Hơn nữa, cả MobiFone và VinaPhone đều gặp khó khăn về đầu tư mở rộng mạng lưới do quy trình, thủ tục kéo dài.
Không được hạ giá cước bằng với Viettel để cạnh tranh, MobiFone tập trung mạnh vào nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới công nghệ cũng như tìm cách tháo gỡ vấn đề đầu tư. MobiFone đã tạo được bước tiến vượt trội về chất lượng dịch vụ cũng như chuẩn bị kỹ càng cho việc áp dụng công nghệ tiên tiến nhất của mạng GSM. Bên cạnh đó, MobiFone cũng đầu tư rất bài bản cho thương hiệu của mình và in dấu trong tâm trí khách hàng về mạng di động có chất lượng tốt nhất, với hình ảnh thời thượng và đẳng cấp.
Dẫn dắt thị trường
Trong 2 năm 2006 và 2007, thị trường thông tin di động có thêm sự góp mặt của 2 nhà cung cấp dịch vụ CDMA là HT Mobile và EVN Telecom. Thế nhưng, ngoài sự khởi đầu ấn tượng với chiến dịch khuyến mại gọi, nhắn tin miễn phí, HT Mobile không tạo được ấn tượng gì hơn sau vài tháng khai trương dịch vụ và đã lụi tàn dần. Còn EVN Telecom chỉ khẳng định được vị trí ở dịch vụ điện thoại cố định không dây (E-Com) chứ gần như không có tiếng nói gì với dịch vụ thông tin di động toàn quốc (E-Mobile).
Trên thực tế, thị trường thông tin di động thời điểm này là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa MobiFone và Viettel Mobile. Viettel Mobile vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng đáng kể và lợi thế cước rẻ. MobiFone, sau khi giải quyết được vấn đề về thủ tục đầu tư thì việc đầu tư mở rộng mạng lưới đã được tăng tốc. Tháng 10/2007, Cục quản lý chất lượng BCVT - CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông) lần đầu tiên công khai kết quả đo kiểm chất lượng các mạng di động và phần lớn những chỉ tiêu chất lượng cao nhất đã thuộc về MobiFone. Đặc biệt, chất lượng thoại của MobiFone được đo kiểm đạt tới 3,576 điểm tương đương với chất lượng của điện thoại cố định, điều mà chưa một mạng di động nào tại Việt Nam làm được. Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố sẽ lấy MobiFone làm chuẩn về chất lượng dịch vụ. Vậy là, thị trường thông tin di động Việt Nam bước sang cuộc chạy đua về chất lượng để thu hút khách hàng.
Tiên phong cổ phần hóa
Trong khi khá nhiều mạng di động vẫn tập trung vào cạnh tranh nhờ chất lượng, khuyến mại… các chuyên gia viễn thông lại nhận định, vấn đề sắp tới của các mạng di động chính là mô hình sở hữu. Vào thời điểm hiện tại, 3 mạng di động GSM là MobiFone, VinaPhone và Viettel chiếm tới hơn 90% thị phần đều thuộc sở hữu nhà nước 100%. Theo kinh nghiệm trên thế giới, sau khi đạt được những thành công nhất định, nếu một mạng di động duy trì hình thức sở hữu 100% vốn nhà nước quá lâu thì động lực phát triển sẽ bị giảm sút bởi cơ cấu sở hữu đó không phù hợp với một môi trường cạnh tranh quyết liệt.
MobiFone là mạng di động duy nhất đang tiến hành cổ phần hóa với bước đi đầu tiên là xây dựng phương án cổ phần hóa và lựa chọn nhà tư vấn nước ngoài. Dự kiến, trong năm 2008, mạng di động này sẽ lựa chọn đối tác chiến lược và thực hiện phát hành cố phiếu lần đầu ra công chúng. Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone cho biết: "Chúng tôi rất tích cực trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần vì đây là mô hình thích hợp nhất cho sự phát triển của MobiFone trong tình hình mới". Ông Minh khẳng định, sau khi cổ phần hóa xong, MobiFone sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhờ cơ chế thông thoáng.
Hết năm 1995, Việt Nam mới có 742.000 thuê bao điện thoại các loại, nhưng thời điểm này tổng số thuê bao điện thoại đã lên tới 49,6 triệu và đạt 57,3 máy/100 dân. Trong đó, điện thoại di động chiếm tới 75,6%. Tốc độ phát triển điện thoại di động mấy năm gần đây luôn ở mức độ năm sau bằng tất cả các năm trước cộng lại.
Theo ICTnews
|