Hạ cánh - cứng hay mềm?
Mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước hiện nay là thị trường chứng khoán sẽ còn đi ngang với những đợt giảm giá cổ phiếu bất chợt trong bao lâu nữa. Chỉ số VN-Index sẽ khó phục hồi trong ba tháng tới, điều đó đã được đoán định, nhưng còn 12, 15 hay 18 tháng tới thì sao?
Hạ cánh mềm và cứng
Công ty Chứng khoán EuroCapital vừa đưa ra bản báo cáo phân tích thị trường quí 1-2008. Theo đó, EuroCapital dự đoán VN-Index sẽ giao động quanh mốc 570 điểm suốt quí 2-2008. “Chính sách chống lạm phát và thắt chặt tiền tệ chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động các công ty niêm yết ba tháng đầu năm, nên lợi nhuận quí 1 chưa bị tác động lớn” - bản báo cáo nhận định - “Tuy nhiên kết quả kinh doanh quí 2 sẽ chịu tác động lớn. Việc thu xếp vốn cho chứng khoán của nhà đầu tư cũng sẽ hiện rõ hơn (theo chiều hướng giảm) trong quí 2 này. Chính vì thế động lực đi lên của thị trường sẽ yếu đi một cách rõ rệt. Khi lượng vốn không còn dồi dào, cộng thêm một lượng đáng kể cổ phiếu được tích lũy trong những tháng suy giảm vừa qua, việc đi lên của VN-Index sẽ gặp nhiều cản trở”.
So với thực tế, dự đoán của EuroCapital vẫn còn khá lạc quan vì tuần qua khi VN-Index vừa lên lại mốc 550 điểm, cổ phiếu đã được bán ra ào ạt. Trong số đó, có tương đối nhiều chứng khoán tự doanh của các tổ chức. Một tổ chức bán ra cổ phiếu cho biết ngoài thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư, họ đang có ý định chuyển hướng đầu tư vì khả năng phục hồi của thị trường vẫn còn xa.
Prudential Vietnam, một gương mặt đầu tư lớn của thị trường, thậm chí còn đưa ra hai kịch bản cho chứng khoán. Kịch bản thứ nhất mang tên “hard landing” (hạ cánh cứng) có thể xảy ra nếu vấn đề thanh khoản của các ngân hàng trở nên xấu hơn. Khi ấy VN-Index có thể tụt xuống dưới 400 điểm.
Kịch bản thứ hai “soft landing” (hạ cánh mềm) hy vọng câu chuyện thanh khoản và suy thoái của chứng khoán vừa qua mang một màu sắc khác hơn màu sắc kinh tế, các giải pháp của Chính phủ nhanh chóng có hiệu quả, thì chứng khoán sẽ ngừng giảm.
Tuy nhiên, những dấu hiệu phục hồi trở lại của VN-Index trong ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng. Ngược lại nếu lạm phát trầm trọng hơn, thì không nghi ngờ thị trường chứng khoán sẽ vẫn trong thời điểm khó khăn. Prudential Vietnam dự báo VN-Index có thể ổn định ở mức 550-750 điểm trong 2-3 năm tới.
Cần thiết “chốt chặn”
So với thời điểm đầu năm 2007, lúc giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán lên đến gần 30 tỉ đô la Mỹ, nay giá trị vốn hóa chỉ còn 15-17 tỉ đô la Mỹ, thì 13-15 tỉ đô la Mỹ giá trị các công ty đã bay hơi. Đó là một con số khổng lồ, dù chỉ là con số ảo, ở một đất nước mà GDP năm 2007 mới khoảng trên 70 tỉ đô la Mỹ.
Quả bong bóng chứng khoán đã được thổi bằng nhiều nguồn: tiền của nhà đầu tư trong nước, tiền nước ngoài, kiều hối, tiền ngân hàng và IPO. Năm dòng tiền ấy đã phát huy tối đa công dụng trong điều kiện ít nhất 50% số cổ phiếu niêm yết và OTC không thể giao dịch vì thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, của cổ đông lớn như thành viên ban giám đốc, hội đồng quản trị các công ty, các quỹ. Có cổ phiếu lúc đỉnh điểm giá gốc lên tới 1,6 triệu đồng (sau hai lần chia tách), gấp 160 lần mệnh giá trong 18 tháng. Có lợi nhuận công ty nào tăng tốc thần kỳ như vậy trong thời gian ngắn như vậy?
Cho nên sự điều chỉnh hiện nay của thị trường chứng khoán là mang tính tất yếu, từ một thị trường mới nổi nhiều biến động, dần dần đến một thị trường ổn định và bền vững. Song sự điều chỉnh đó quả là nhiều đau đớn. Ngay cả các quỹ đầu tư nước ngoài lớn như Dragon Capital, VinaCapital, Indochina Capital, PXP... cũng đang phải chịu đựng những kết quả thua lỗ của các khoản đầu tư trong năm 2007. Thậm chí lợi nhuận của những khoản đầu tư trước khi thị trường bùng nổ năm 2005-2006 cũng khó gánh nổi thua lỗ của những khoản giải ngân đầu tư năm ngoái.
Với các quỹ cam kết đầu tư lâu dài, bây giờ là thời điểm thử thách lòng kiên nhẫn. Nhưng các tổ chức đầu tư có thời hạn đang cảm thấy không mấy dễ chịu. Đáng nói hơn là hiện nay, trong trường hợp muốn rút khỏi thị trường, họ cũng không thể “giải phóng” ngay lượng cổ phiếu lớn đang nắm giữ. Thanh khoản thị trường đang rất yếu. Tuy nhiên nếu quyết “dứt áo ra đi” họ sẽ tính đến đường cùng: đổ tất cả cổ phiếu lên sàn với giá thấp nhất. Đó là khi luồng vốn gián tiếp rút ra.
Câu hỏi là Việt Nam sẽ làm gì để tránh một sự rút vốn không đáng có? Trong Thông báo số 91 ngày 7-4-2008 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế kiểm soát luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước cùng với các bộ, và Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia thống nhất các giải pháp kiểm soát luồng vốn ngắn hạn, giảm thâm hụt tài khoản vãng lai so với GDP, và đảm bảo cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế (báo cáo thường trực Chính phủ trước ngày 15-4-2008).
Cho đến nay, theo quy định quản lý ngoại hối, nước ngoài có thể chuyển vốn vào và ra bất cứ lúc nào (sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế) mà không qua một vài “chốt chặn” cần thiết. Liệu đã đến thời điểm áp dụng các mức thuế (hay phí) tương ứng với thời hạn các khoản đầu tư gián tiếp chưa? Để trả lời câu hỏi này sẽ phải có một cuộc rà soát kỹ lưỡng tỷ lệ các khoản đầu tư gián tiếp ngắn hạn dưới một năm trong tổng dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đây là việc làm phức tạp, nhưng không thể không tiến hành và càng sớm càng tốt.
tbktsg
|