Xu thế thị trường
Thị trường chứng khoán (TTCK) đang có những diễn biến bất thường. Sắp tới thị trường sẽ ra sao? Xin giới thiệu cùng bạn đọc phân tích dưới đây của thạc sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia Tài chính - Đầu tư.
TTCK đang suy giảm quá mạnh nhưng tất nhiên không bao giờ đi xuống mãi mà sẽ có điểm dừng và tăng trưởng trở lại. Vấn đề là xác định được động thái của thị trường qua việc phân tích các yếu tố tác động và các cơ hội.
Những tin tức và dấu hiệu tích cực
Có thể kể việc Ngân hàng Nhà nước đưa vào thị trường liên ngân hàng 39.000 tỉ đồng vừa qua góp phần làm giảm cơn sốt khan hiếm tiền mặt, là cơ hội cho nhà đầu tư tham gia vào TTCK. Trong phiên họp thường kỳ tháng 2.2008 của Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp giúp TTCK phát triển ổn định. Mặt khác tiếp tục triển khai thực hiện cho vay kinh doanh chứng khoán hợp lý. Trong đó, đặc biệt là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bắt đầu mua vào cổ phiếu (CP) các công ty có giá trị lớn, kinh doanh hiệu quả. Hầu hết công ty niêm yết đều có kết quả hoạt động kinh doanh tốt. Trên sàn TP.HCM, có khoảng 63% (95/150) các công ty hoàn thành trên 100% kế hoạch đặt ra trong khi trên sàn Hà Nội, con số này là 51%. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 37%. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình là 73%. Những thông tin tích cực này phần nào hạn chế được không khí ảm đạm và tâm lý rời bỏ TTCK của các nhà đầu tư.
Những tin tức và dấu hiệu tiêu cực
Đó là cơn khan hiếm tiền mặt vẫn chưa thật sự chấm dứt, nguyên do là các ngân hàng đã cho vay vào bất động sản (BĐS) quá khả năng huy động và thanh toán. Các khoản cho vay trực tiếp vào BĐS gần 120.000 tỉ đồng trên vốn điều lệ của các ngân hàng vào khoảng 110.000 tỉ đồng là khá rủi ro. Khả năng cung tiền vào TTCK từ ngân hàng sẽ bị hạn chế trong một thời gian. Việc tăng giá xăng dầu vừa qua cùng với mức tăng chỉ số giá cả lên đến 6% chỉ trong 2 tháng đầu năm sẽ dẫn tới lạm phát trong năm 2008 tiếp tục tăng, các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn vì chi phí đầu vào sẽ tăng và khâu tiêu thụ hàng hóa gặp khó khăn. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của giới đầu tư chứng khoán khi dự báo tình hình kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp. Năm 2008 sẽ là năm khó khăn cho các công ty niêm yết vì chắc chắn lợi nhuận từ BĐS và đầu tư tài chính sẽ bị suy giảm và lỗ, trong khi lãi suất vay tăng.
Những cơ hội tiềm ẩn
Thị trường BĐS hiện nay có sự tham gia rất lớn của các ngân hàng. Khi thị trường nguội dần, các nhà đầu tư không "lướt sóng" được để trả nợ ngân hàng và việc tái cấp vốn nếu có sẽ với lãi suất cao hơn nhiều, sẽ làm nhiều nhà đầu tư cá nhân (vốn ít, đầu tư vào BĐS chủ yếu dựa vào thu nhập lương) khó có khả năng trả nợ ngân hàng, "ôm" BĐS chờ ngày "tan băng". Điều này sẽ là cơ hội trở lại cho TTCK, khi những nhà đầu tư có vốn cảm thấy thị trường BĐS không còn hấp dẫn.
Giá các CP đã suy giảm khá mạnh trong khi lợi nhuận và EPS tăng, do vậy P/E bình quân vào khoảng 20 - 22, xuất hiện nhiều CP có P/E vào khoảng 10 - 15. Đây là cơ hội để chọn lựa đầu tư những CP tốt.
Các công ty cổ phần đã có quan niệm đúng đắn trong quản trị công ty, không còn thu hút vốn cổ phần mới để đầu tư vào BĐS, làm loãng CP và hiệu quả sử dụng vốn không cao. Sự tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính và quản lý vốn một cách hợp lý sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Thị trường vẫn xu thế đi xuống
Những phân tích trên cho thấy diễn tiến của TTCK trong 2 - 3 tuần tới vẫn trong xu thế đi xuống mặc dù sẽ có vài phiên tăng giá do hiệu ứng trực tiếp từ việc mua vào của SCIC. Nhưng khi VN-Index xuống dưới 600 điểm sẽ có xu thế tăng trở lại vì thị trường đã điều chỉnh sâu và bắt đầu trở nên hấp dẫn đối với các tổ chức và nhà đầu tư cá nhân dài hạn. Đối với các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư mới thành lập, đây là thời cơ tốt để giải ngân, do hàng loạt cổ phiếu "blue-chips" có tính thanh khoản cao đang ở mức giá hấp dẫn (P/E dưới 15). Các nhà đầu tư dài hạn sẽ tham gia cũng như một lượng vốn từ BĐS chuyển về. Do vậy khi VN-Index xuống trong khoảng 650 - 550 điểm là cơ hội để nghiên cứu mua vào dần những CP có P/E thấp, tiềm năng trên thị trường lớn và khả năng sinh lời trên 30%/năm cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên đối với nhà đầu tư lướt sóng thì khó có khả năng thu lợi cao do dự báo VN-Index trong tháng 3 sẽ khó vượt qua 700 điểm một cách vững chắc.
tn
|