Thêm một lối thoát cho cổ phiếu cầm cố
Diễn biến TTCK những ngày vừa qua cho thấy, nhiều NĐT lo lắng về việc cổ phiếu có thể bị bán tháo bất cứ lúc nào, nhất là lượng cổ phiếu cầm cố tại các CTCK.
Bên cạnh nỗ lực từ phía CTCK bằng nhiều cách hỗ trợ khách hàng thì ngày 11/3, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã ra Công văn số 294 công bố, ngoài việc mua cổ phiếu trên sàn theo phương thức giao dịch thông thường, “siêu tổng công ty” này còn thực hiện giao dịch thoả thuận các loại chứng khoán trong danh mục giải toả cầm cố của các CTCK.
CTCK nỗ lực
Sau khi tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng, CTCK VPBS có thêm nguồn vốn để hỗ trợ NĐT cầm cố cổ phiếu (kết hợp với một số ngân hàng). Một cán bộ Phòng Đầu tư của VPBS cho biết, Công ty sẽ cố gắng giữ đến cùng các khoản cầm cố của khách hàng. “Chúng tôi sẽ thực hiện gia hạn trong thời gian dài hay ngắn tùy thuộc vào tình hình thị trường. Bởi nếu thị trường hoạt động một cách yếu ớt thì chính hoạt động của các CTCK cũng hết sức khó khăn”, ông nói.
CTCK Habubank (HBBS) dành khoảng 25 tỷ đồng để nhận cầm cố cổ phiếu của NĐT với tỷ lệ 35% thị giá cổ phiếu và giới hạn tối đa không quá 50.000 đồng/cổ phiếu. NĐT chỉ được vay khi đã có cổ phiếu trong tài khoản và chỉ dành cho cổ phiếu niêm yết. Với cách cho vay thận trọng này, ông Nguyễn Quang Anh, Trưởng phòng Kế toán - Lưu ký, HBBS cho biết, hiện giá cổ phiếu trong danh mục Công ty đứng ra thu xếp cho vay cầm cố chưa đến mức phải bán ra để thu hồi vốn về cho Ngân hàng Habubank, nhưng nếu cổ phiếu giảm giá có thể đưa Công ty vào tình thế khó xử. Hiện nay, Công ty luôn theo dõi sát và thường xuyên thông báo cũng như khuyến cáo khách hàng để họ chủ động với các khoản đầu tư. “Theo quy định, giá cổ phiếu giảm quá 35% thì khách hàng phải nộp thêm tiền đảm bảo khoản vay, nhưng khi giá giảm 20% chúng tôi đã có khuyến cáo khách hàng. Chỉ trong trường hợp xấu nhất chúng tôi mới bán cổ phiếu cầm cố quá hạn, vì thực tế Công ty luôn muốn giữ quan hệ tốt với khách hàng”, ông Quang Anh cho biết.
Tại CTCK Seabank (SeABS), bà Lê Thị Mai Linh, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, SeABS đứng ra trực tiếp ký hợp đồng cầm cố với khách hàng trên cơ sở Ngân hàng Seabank cung ứng vốn. “Là pháp nhân độc lập với Ngân hàng, chúng tôi có trách nhiệm bảo toàn vốn trong các khoản cầm cố và tuân thủ các quy định về phòng ngừa rủi ro. Do đó, chúng tôi có trách nhiệm bán ra thu hồi vốn nếu giá cổ phiếu xuống quá thấp và khách hàng không trả được nợ. Tuy nhiên, trên tinh thần hợp tác với NĐT, chúng tôi sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp để có cách tháo gỡ, không đẩy NĐT vào thế bí”.
Trao đổi với ĐTCK về việc SCIC sẽ mua vào cổ phiếu giải chấp tại CTCK, bà Linh cho biết, đó cũng là cách làm tích cực tham gia can thiệp bình ổn thị trường. Theo bà Linh, đáng ra phải làm việc này từ sớm hơn.
Giám đốc một CTCK cũng cho rằng, việc SCIC mua cổ phiếu cầm cố vào thời điểm này là rất tốt. Bên cạnh tác dụng hỗ trợ về tâm lý NĐT còn giúp CTCK không phải tung hàng ra thị trường khiến NĐT nhìn thấy lượng bán tăng cao mà lo ngại.
Băn khoăn tiêu chí lựa chọn
Ý kiến đều ủng hộ việc SCIC mua vào cổ phiếu cầm cố từ các CTCK chiếm đa số, tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn rằng, SCIC sẽ dựa trên các tiêu chí nào để mua? Theo ông Nguyễn Ngọc Tươi, Tổng giám đốc CTCK Đà Nẵng, thật khó để SCIC có thể đến tất cả các CTCK đàm phán mua vào chứng khoán cầm cố nào, số lượng, giá cả bao nhiêu. Nếu làm như thế thì thiếu tính chuyên nghiệp. “Với vai trò thay mặt Nhà nước để điều tiết thị trường, theo tôi, SCIC nên mua vào cổ phiếu trên thị trường thông qua tài khoản của mình. Vì cho dù mua theo hình thức nào (thỏa thuận hay khớp lệnh) cũng đều phải “thuận mua, vừa bán”. SCIC không thể mua rẻ hơn và các CTCK cũng khó bán được đắt hơn nếu thực hiện giao dịch thỏa thuận”, ông Tươi nói.
Chưa biết SCIC sẽ lựa chọn mua cổ phiếu cầm cố của các CTCK theo cách nào, nhưng các CTCK hy vọng, với việc tham gia điều tiết thị trường của SCIC, giá cổ phiếu sẽ không xuống quá mức và họ sẽ không phải bán ra cổ phiếu cầm cố. Trong trường hợp CTCK phải bán và SCIC vào cuộc thì các tiêu chí lựa chọn CTCK được SCIC mua cổ phiếu cầm cố cho dù không cụ thể nhưng cần công khai, minh bạch và đảm bảo nguyên tắc công bằng.
đtck
|