Muốn mua CP Arsenal: Bầu Đức vấp phải Luật thiếu quy định
- Khi ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - bày tỏ ý muốn mua cổ phần CLB Asenal, người ta mới té ngửa ra rằng luật Việt Nam hoàn toàn chưa có bất cứ quy định gì về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Và từ đó được biết thêm, vì các nhà làm luật "bỏ sót" nội dung, mà nhiều dự án trước đó đành phải ngậm ngùi bỏ cuộc.
Chưa có Luật đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Cả một bộ luật đã gây không ít tranh cãi vừa được đưa vào thực hiện từ ngày 01/07/2006 là Luật Đầu tư, hoàn toàn không có quy định nào về đầu tư gián tiếp từ Việt Nam ra nước ngoài. Ở Chương 8 “Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài”, Điều 76 “Ðiều kiện đầu tư ra nước ngoài” quy định khá kỹ về đầu tư trực tiếp. Riêng lĩnh vực đầu tư gián tiếp, luật gần như không đề cập.
Về lĩnh vực này, Điều 76 chỉ đưa ra một câu vỏn vẹn: “Việc đầu tư ra nước ngoài theo hình thức đầu tư gián tiếp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ngân hàng, chứng khoán và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Với “quy định” này, tổ chức cá nhân trong nước muốn đầu tư ra nước ngoài cũng đành bó tay, vì các chuyên gia lĩnh vực tài chính ngân hàng, đầu tư và chứng khoán cũng không tìm ra điểm nào liên quan.
Chính vì vậy đã có những thiệt thòi cho các DN Việt Nam. Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, trước Hoàng Anh Gia Lai đã có một số hồ sơ xin đầu tư gián tiếp ra nước ngoài gửi lên Bộ và Chính phủ, nhưng cuối cùng đã không thông qua được vì không có luật.
Thiệt thòi này của DN Việt Nam không phải lỗi của doanh nghiệp, mà do chính các nhà làm luật và Chính phủ.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài công nhận là đến giờ, một quy định về đầu tư gián tiếp từ Việt Nam ra nước ngoài chưa có. Nghị định 78 về đầu tư ra nước ngoài của Chính phủ ban hành vào tháng 8/2006 cũng chỉ quy định chi tiết về đầu tư trực tiếp, còn lĩnh vực đầu tư gián tiếp vẫn bỏ ngỏ.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, để giải quyết những chậm trễ của luật so với thực tiễn, Nhà nước và Chính phủ một mặt bổ sung điều luật, một mặt vẫn phải xem xét để giải quyết ngay tại chỗ những vấn đề nảy sinh.
“Cần phải khuyến khích DN có lối tư duy đột phá, những hành động mới mẻ trong kinh doanh. Vậy nên khi Luật chưa có quy định, Nhà nước và Chính phủ nên xem xét nếu phù hợp thì giải quyết, chứ không cần chờ Luật” - chuyên gia đề xuất.
DN bó tay, lỡ cơ hội vì thiếu luật
Trong thực tế, đã có những vấn đề không có trong quy định, nhưng đã được xem xét giải quyết, mà trường hợp Tập đoàn Intel đầu tư nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam là một ví dụ. Khi đầu tư vào đây, Intel đã đưa ra nhiều điều kiện, yêu cầu vượt ra khỏi quy định trước đây của Việt Nam. Thế nhưng Chính phủ đã xem xét và phê duyệt.
Thạc sĩ luật Trương Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), cho rằng, xem xét đầu tư trực tiếp hay gián tiếp không quan trọng, mà quan trọng là khi cho phép DN đầu tư ra nước ngoài, Nhà nước có kiểm soát được mục đích đầu tư hay không mà thôi. Theo ông Nghĩa, hiện nay việc đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài được chi phối khá kỹ bởi việc quản lý ngoại hối, vì thế mà có những hạn chế nhất định trong việc cấp phép. Một trong những lo lắng của cơ quan quản lý là đồng USD trong nước chảy ra nước ngoài. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng đó là “sự lo lắng ấu trĩ”.
“Vấn đề quan trọng không phải là đồng đô la chảy đi, mà quan trọng là tạo ra một môi trường thông thoáng hấp dẫn để thu hút được đầu tư, và đồng đô la sẽ ra vào, lưu thông bình thường. Đó mới là một nền kinh tế bình thường, lành mạnh và ổn định” - Giám đốc ITPC nói.
Chuyên gia nghiên cứu kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc luật đi sau cuộc sống cũng là thường thấy. Vấn đề là khi thấy rồi thì phải nhanh chóng bổ sung. “Rõ ràng khi làm luật, các chuyên gia của ta đã chưa lường trước được hết mọi tình huống. Vậy vấn đề là khi nhìn thấy thì phải nhanh chóng bù đắp để hỗ trợ DN, đừng để DN mất cơ hội”.
Đáng buồn là cơ quan phụ trách đã có nhìn thấy nhưng cũng làm lơ không bổ sung vá đắp. Rõ ràng trước đó đã có một số dự án xin đầu tư gián tiếp ra nước ngoài nhưng vì không có luật nên đã không được cấp phép. Nếu không có câu chuyện ông Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai muốn mua cổ phần của CLB Asenal bùng lên thành sự kiện thì cũng không ai biết câu chuyện đã có DN không được cấp phép trước đó.
Chính vì vậy mà cũng đã có những trường hợp lách luật. Một lãnh đạo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, có trường hợp DN đầu tư trực tiếp ra nước ngoài không muốn phải xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DN đã lách nói là đầu tư gián tiếp để khỏi xin phép.
Như vậy lĩnh vực này không phải hoàn toàn bế tắc, mà đã có trường hợp thực hiện được. Điều đó cho thấy hành xử của cơ quan quản lý còn rất tùy tiện. Nếu DN xin phép thì không chấp nhận, nhưng nếu không xin phép mà tự tiến hành thì cũng không sao.
Công dân có quyền làm những điều mà luật không cấm, trong khi đó kinh doanh là quyền của tổ chức, cá nhân. Việc chậm trễ của luật là thiếu sót của cơ quan có trách nhiệm. Bởi vậy, việc Nhà nước, Chính phủ không cấp phép cho cá nhân và tổ chức được kinh doanh là trái với quy định của Luật Đầu tư.
Mục tiêu của tất cả các nước gia nhập WTO là để xuất khẩu sản phẩm và đi khai thác bên ngoài. Vì vậy Luật Đầu tư lại thiếu hụt mảng quy định về đầu tư ra nước ngoài là yếu kém về tầm nhìn của người làm luật. Trong bối cảnh hội nhập, những khập khiễng như vậy cần phải chấm dứt và nhanh chóng bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN kinh doanh, cạnh tranh.
vnn
|