3,7 tỉ USD cho khu liên hợp hóa dầu
SCG - tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Thái Lan và Đông Nam Á - đang nghiên cứu khả thi một dự án tầm cỡ tại Việt Nam.
Đó là dự án khu liên hợp hóa dầu tại Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư khoảng 3,7 tỉ USD.
Việc xây dựng giai đoạn 1 của dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011 và toàn bộ dự án sẽ hoàn tất vào năm 2013. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, về dự án này.
Ông có thể nói rõ hơn về những lợi ích của dự án này khi đi vào hoạt động?
Dự án hứa hẹn sẽ đóng góp đáng kể vào việc phát triển ngành công nghiệp hóa dầu của Việt Nam. SCG sẽ ứng dụng những công nghệ thân thiện với môi trường và tiên tiến nhất vào khâu thiết kế, vận hành và quản lý khu liên hợp. Dự án này sẽ là nền tảng vững chắc cho các ngành công nghiệp khác phát triển như sản xuất ôtô, đồ điện tử và thiết bị điện.
Sự đồng vận của khu liên hợp hóa dầu và Nhà máy lọc dầu số 3 của PetroVietnam tại Long Sơn sẽ giúp tiết kiệm hàng triệu USD khi hai dự án sử dụng chung một số các hạng mục phụ trợ và các sản phẩm giá trị gia tăng. Ngoài ra, dự án cũng sẽ tạo khoảng 15.000 việc làm trong quá trình xây dựng và gần 5.000 lao động tay nghề cao sẽ được tuyển khi khu liên hợp đi vào hoạt động.
SCG đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1990 và hiện có 7 công ty con trong các lĩnh vực hóa dầu, sản xuất giấy, vật liệu xây dựng và phân phối. Với bề dày kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam như vậy, ông nhận thấy môi trường đầu tư ở đây ra sao?
Thực sự chúng tôi thấy thoải mái khi đầu tư ở đây. Chúng tôi có nền tảng, sự hiểu biết, nhân sự tốt. Do đó, chúng tôi mong đợi mình sẽ đầu tư nhiều hơn nữa trong tương lai.
Việt Nam hiện đang là một “ngôi sao” mới nổi trong khu vực. Chúng tôi đã đến đây nhiều năm rồi và rất vui mừng nhận thấy Việt Nam phát triển tốt. Khi đó chúng tôi sẽ càng có nhiều cơ hội hơn nữa.
Mảng hoạt động lớn nhất của SCG tại Việt Nam là ngành hoá dầu. Ông đánh giá thị trường Việt Nam trong ngành này như thế nào?
Từ trước tới nay, các sản phẩm hoá dầu của Việt Nam phải nhập toàn bộ, từ các loại hạt nhựa như PP, PE, PVC, PET... Từ khi thành lập đến nay, toàn bộ sản phẩm của SCG được cung cấp cho thị trường nội địa và Việt Nam chỉ còn phải nhập khoảng 5-10% các sản phẩm PVC. Chúng tôi cũng kỳ vọng đến năm 2011-2013, khi các tổ hợp hoá dầu của chúng tôi được thành lập, sẽ giúp giảm được một phần nhập khẩu hạt nhựa polime của Việt Nam.
Mục tiêu của chúng tôi lập dự án là thay thế hàng nhập khẩu, một phần xuất khẩu (dự tính khoảng 20%) và sau đó phát triển theo mức phát triển của ngành đó và của nền kinh tế Việt Nam. Do đó công việc cơ bản nhất là thay thế hàng nhập khẩu. Với tốc độ phát triển như hiện nay của Việt Nam, có thể khi nhà máy đi vào hoạt động chỉ vừa đủ cung ứng cho nhu cầu nội địa, không còn sản phẩm để xuất khẩu.
Tại sao SCG lại quyết định chọn Việt Nam để đầu tư một dự án lớn như vậy, thưa ông?
Trong suy nghĩ của chúng tôi thì những nhà cung cấp lớn trên thế giới của ngành hoá dầu là Trung Đông, Mỹ, châu Âu, Nhật. Vì thế một mình chúng tôi ở Thái Lan không thể cạnh tranh được với họ, do đó phải đầu tư vào Việt Nam. Giữa Thái Lan và Việt Nam có sự hợp tác chặt chẽ với nhau để có vị trí đủ lớn để cạnh tranh với các quốc gia đó.
Với dự báo về tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, các thành công trong đổi mới kinh tế, tài chính, và triển vọng từ việc gia nhập WTO, chúng tôi thấy Việt Nam đang có một tương lai sán lạn và một vai trò kinh tế ngày càng quan trọng trong khu vực.
Việt Nam hiện có mức tiêu thụ bình quân đầu người của nhiều ngành công nghiệp ở mức khá thấp, điều này có nghĩa là thị trường vẫn còn tiềm năng phát triển trong thời gian dài, 5 năm tới và xa hơn nữa. Chính vì vậy, Việt Nam đã chiếm một vị trí trung tâm trong chiến lược mở rộng ra khu vực của SCG.
tbktvn
|