Thứ Hai, 21/01/2008 08:08

Tiền lẻ đi đâu mất?

Tiền lẻ trong lưu thông đang ngày càng trở nên khan hiếm. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn rót tiền mệnh giá thấp xuống các chi nhánh và các ngân hàng thương mại. Vậy số tiền lẻ này đã đi đâu?

Gần đến Tết Nguyên đán, đi đâu, mua gì cũng luôn nhận được đề nghị “có tiền lẻ cho xin”. Mua hàng, khách trả tiền chẵn, người bán hàng có vẻ ngán ngại vì chắc chắn sẽ phải khó khăn lắm mới xoay được tiền lẻ để thối (trả lại) cho khách. Nhưng nếu trả bằng tiền lẻ, thì từ chị bán rau, bán thịt ngoài chợ cho đến cô thu ngân ở các siêu thị, cửa hàng qui mô lớn đều rất hồ hởi vui mừng.

Cuối năm, tiền lẻ trở nên “có giá” với hầu hết các hộ kinh doanh, cửa hàng, siêu thị… hơn bất cứ lúc nào. Nhu cầu về tiền có mệnh giá thấp: 500, 1.000, 2.000, và 5.000 đồng để thối lại tiền dư cho khách hàng trong dịp mua sắm cuối năm luôn ở vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng.

Chủ một cửa hiệu thuốc tây trên Quốc lộ 13 - Q. Thủ Đức cho biết bà cần hàng triệu đồng tiền lẻ để thối cho khách nhưng không có, đổi ở các ngân hàng gần đó cũng không dễ. Bà đã phải dùng phương pháp rất thủ công là dặn các em nhỏ bán vé số có tiền lẻ thì ghé qua đổi, bù lại bà sẽ mua vé số giúp.

Tại siêu thị sách Nguyễn Văn Cừ cũng trên tuyến đường này, một nhân viên thu ngân cho biết, mỗi ngày siêu thị cần đến cả triệu đồng tiền lẻ các loại để trả lại cho khách. Nhưng lượng tiền lẻ siêu thị thu vào lại không bõ bèn gì. Cho nên, để giải quyết tình trạng khan hiếm tiền lẻ, siêu thị đã hợp đồng với Ngân hàng Phương Nam ở gần đấy để tiện đổi tiền nhiều lượt mỗi ngày.

Riêng siêu thị Big C thì treo bảng đề nghị đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ của khách với tỉ lệ chênh lệch 1%. Tuy nhiên, số tiền đổi được vẫn không thấm vào đâu so với nhu cầu giao dịch của siêu thị.

Không có tiền 500, 1.000 đồng để thối, chị bán rau đề nghị khách mua thêm trái dưa, quả ớt hay ít rau thơm. Còn một số cửa hàng, đặc biệt là ở nhiều siêu thị thì mặc nhiên thối lại cho khách vài cây kẹo hay cái phong bì có giá trị tương đương 500, 1000 đồng. Cách làm này tuy giải quyết được cái khó trước mắt, nhưng lại gây tâm lý khó chịu cho khách hàng vì phải “mua” vật phẩm mà họ không hề có nhu cầu.

Còn nhớ, ở thời điểm 2003, khi Ngân hàng Nhà nước mới phát hành tiền xu mệnh giá 500, 1.000, 2.000, 5.000 đồng, nhiều người bán hàng đã tỏ ra không mấy mặn mà, thậm chí miễn cưỡng khi khách trả tiền xu. Đến nay, kể cả tiền xu đã xỉn màu cũng trở nên rất quý. Nhưng lượng tiền xu trong lưu thông vẫn không nhiều. Những tờ tiền giấy cũ nát vẫn tiếp tục quay vòng từ tay người này đến tay người khác.

Tiền xu đã đi đâu?

Xuất phát từ tâm lý không ưa chuộng loại tiền dễ rơi, khó đếm, không ít người mua hẳn một con heo đất để bỏ những đồng xu làm tiết kiệm. Chị Hoa, một bà nội trợ tại quận Bình Thạnh - TP.HCM cho biết, chị không mấy mặn mà với việc tiêu xài tiền xu vì “nó vừa nặng, vừa nhỏ, vừa dễ rơi”. Vì thế, chị cho tất cả tiền xu có được vào ống heo. Mới đây, chị đã “khui” heo đất và thật bất ngờ, số tiền xu tiết kiệm được lên đến hơn hai triệu đồng bao gồm đủ các mệnh giá.

Ở những gia đình có trẻ em, người ta thường cho bọn trẻ số tiền xu có được bỏ vào ống heo, coi như vừa tránh được phiền phức khi cất giữ loại tiền này, vừa là phần quà khuyến khích bọn trẻ. Dành dụm cả năm, số tiền tiết kiệm ở heo đất ít ra cũng được vài trăm ngàn đồng, dùng để sắm sửa quà tết cho bọn trẻ.

Làm một phép tính nhẩm, giả sử mỗi gia đình cần 50.000 đồng chi tiêu hàng ngày, trong đó cần 20.000 đồng tiền lẻ, thì một triệu gia đình sẽ cần đến 20 tỷ đồng để trao đổi mỗi ngày.

Một phép nhẩm khác, nếu mỗi gia đình đang giữ năm mươi ngàn đồng tiền lẻ trong các ống heo, thì một triệu gia đình sẽ giữ  50 tỷ đồng. Số tiền không nhỏ này nằm im tại các gia đình mà không hề xoay vòng, không phát sinh lãi, ngược lại, còn gây ra khó khăn cho người bán vì không có tiền thối, gây phiền hà cho người mua vì phải nhận những vật thay thế mà mình không có nhu cầu dùng đến.

Trách nhiệm của nhà phát hành tiền

Phải chăng tình trạng thiếu hụt tiền lẻ trong lưu thông sẽ không quá căng thẳng nếu số tiền trên không phải là tiền xu mà là tiền giấy?

Dường như khi phát hành tiền xu mệnh giá thấp, Ngân hàng Nhà nước chưa tính đến thói quen bỏ tiền xu vào heo đất của người dân, một thói quen ít xảy ra hơn đối với tiền giấy. Hoặc nếu đã có tính thì liệu đã tính đủ? Và nếu đã tính đủ thì tại sao tiền lẻ vẫn thiếu?

Thật ra, hiện tượng thiếu tiền lẻ đã từng xảy ra ở những năm 1986 đến khoảng năm 1990. Nguyên nhân là khi đó, các nhà phát hành tiền quan niệm tiền chẵn, tiền lẻ cũng là tiền và không chú ý đến mệnh giá lớn, nhỏ của đồng tiền. Kết quả là thời điểm này, người ta từng chấp nhận đổi tiền chẵn - lẻ theo tỷ lệ 10 ăn 9.

Từ năm 1990 đến đầu những năm 2000, tình trạng thiếu hụt tiền lẻ đã không còn do quan niệm về giá trị đồng tiền theo mệnh giá đã thay đổi.

Thế nhưng, kể từ năm 2003 đến nay, tiền lẻ lại tiếp tục thiếu hụt trong lưu thông. Và nguyên nhân thiếu hụt lần này là do Ngân hàng Nhà nước cho lưu thông song song hai dòng tiền mệnh giá thấp là tiền xu và tiền giấy.

Trong đó, tiền giấy mệnh giá thấp tuy dễ rách nhưng cũng dễ đếm, dễ cất giữ cùng với tiền giấy các mệnh giá lớn hơn thì lại không được phát hành mới. Còn tiền xu được cho là bền, thời gian sử dụng lâu hơn, tiết kiệm chi phí phát hành thì lại bị “quẳng” vào các ống heo vì cho đến thời điểm này, hệ thống máy bán hàng tự động dùng tiền xu vẫn chưa hề phát triển.Một lần nữa, thị trường lại xảy ra tình trạng đổi tiền chẵn- lẻ theo tỷ lệ chênh lệch từ 1- 2%.

Phải chăng, các nhà phát hành tiền chưa xem xét thấu đáo mọi đặc điểm sinh hoạt và tiêu dùng xã hội, để cho người dân ấm ức hoài mà chẳng biết trách ai.

vnn

Các tin tức khác

>   Vốn huy động của NH Phương Nam tiếp tục tăng (21/01/2008)

>   Khi ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam (21/01/2008)

>   Prudential ra mắt sản phẩm sản phẩm liên kết đầu tư đầu tiên tại Việt Nam (20/01/2008)

>   Sacombank trên bước đường hội nhập và phát triển cùng Miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (19/01/2008)

>   Đứt ruột vì vàng (19/01/2008)

>   Southern Bank khai trương PGD số 18 (19/01/2008)

>   Ngân hàng Công thương Việt Nam đổi tên giao dịch (20/01/2008)

>   Hiệp hội Ngân hàng VN đề nghị không tăng lãi suất cho vay (19/01/2008)

>   Ra mắt thẻ ATM phù hợp tất cả các hệ thống thanh toán (18/01/2008)

>   Phát hành 9.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong quý I (18/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật