Nhìn lại một năm đấu giá cổ phần
Nhìn lại hoạt động đấu giá cổ phần tại sàn Hà Nội năm 2007, có thể thấy hoạt động này đã có những cải cách cơ bản.
Nhiều phiên thất bại
Cùng với việc giảm tải cho các trung tâm trong tổ chức đấu giá thì hiện hoạt động này lại đang phải đối mặt với việc ngày càng có nhiều phiên đấu giá... thất bại, thể hiện ở số lượng người đăng ký quá ít và không phát hành hết cổ phần.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội giải thích rằng, từ tháng 6 đến nay, có một số cuộc đấu giá không thành công, chủ yếu là các cuộc đấu giá phát hành thêm hoặc bán bớt phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần, chứ không phải là các cuộc đấu giá cổ phần lần đầu.
Ví dụ như cuộc đấu giá bán bớt cổ phần của Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn, chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký thôi và phải hủy bỏ. Hoặc như cuộc đấu giá của Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (mã chứng khoán: VNR, đang niêm yết trên sàn Hà Nội), đấu giá ngày 24/8/2007 với khối lượng cổ phần bán ra là 12,580 triệu cổ phiếu nhưng chỉ bán được 746.300 cổ phần, đạt khoảng 6%...
Tại sao tình trạng này lại không phải xẩy ra đối với doanh nghiệp cổ phần hóa và phát hành lần đầu mà là doanh nghiệp phát hành thêm hoặc bán bớt phần vốn Nhà nước?
“Chúng tôi nhận thấy rằng có một nguyên nhân là tình hình thị trường thì có lên có xuống trong khi phương án phát hành, đấu giá được công bố trước đó khá lâu, trong đó có việc xây dựng giá khởi điểm. Trong thời điểm thị trường xuống, đến ngày đấu giá, giá khởi điểm đã tương đương với giá thị trường, thậm chí còn thấp hơn. Như trong trường hợp của Bỉm Sơn, giá khởi điểm quy định là 35.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá thị trường lúc công bố đấu giá đã xuống dưới 30.000 đồng/cổ phiếu. Rõ ràng trong bối cảnh như thế thì cuộc đấu giá chắc chắn không thành công", ông Dũng nói.
Thay đổi mô hình đấu giá
Theo thống kê của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong năm 2007, (từ 1/1/2007-17/12/2007), Trung tâm đã tổ chức được 47 phiên đấu giá với 324,7 triệu cổ phần chào bán. Tổng số cổ phần bán được là 279,6 triệu cổ phần, đạt khoảng 86% tổng số cổ phần chào bán. Tổng giá trị cổ phần bán được: 14.608 tỷ đồng, chênh lệch so với mệnh giá 11.819 tỷ đồng và so với giá khởi điểm là 6.540 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều cuộc đấu giá có số lượng cổ phần chào bán rất lớn, có nhiều điểm đăng ký tham dự và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Cuộc đấu giá Tổng công ty Bảo Việt có 20.368 nhà đầu tư đăng ký, thu hút 13 đại lý tham gia, tổng số nhà đầu tư trúng giá lên tới 3.741. Qua 47 cuộc đấu giá của năm 2007 đã thu thêm cho ngân sách nhà nước hơn 11.819 tỷ đồng so với mệnh giá và so với giá khởi điểm hơn 6.540 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2007, một sự thay đổi lớn về mô hình đấu giá và từ tháng 3/2007, hoạt động đấu giá đã chính thức chuyển sang mô hình 2 cấp. Mô hình 2 cấp giúp tăng được số lượng đại lý và địa điểm nhận đăng ký và địa bàn phục vụ nhà đầu tư. Cùng với mô hình mới, trong năm 2007, các công ty chứng khoán đăng ký làm đại lý đấu giá cho Trung tâm cũng phát triển mạnh.
Hiện nay, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã ký hợp đồng đại lý đấu giá với 60 công ty chứng khoán. Công tác tổ chức đấu giá đảm bảo tính khoa học, minh bạch và tính bảo mật phiếu tham dự đấu giá của nhà đầu tư.
Thủ tục tiếp nhận hòm phiếu của các đại lý, kiểm tra tính hợp lệ, nhập phiếu tham dự đấu giá và kiểm tra lại được thực hiện khoa học và có sự giám sát chặt chẽ của hội đồng chỉ đạo phiên đấu giá và sự đối chiếu chéo các phiếu được nhập giữa các thành viên ban đấu giá và đại lý đấu giá. Phần mềm đấu giá hoạt động ổn định, triển khai dễ dàng, nhanh chóng trên nhiều địa bàn, nhiều cuộc đấu giá và nhiều đại lý, kết quả đấu giá được xác định chính xác, nhanh chóng, đảm bảo thực hiện tốt những cuộc đấu giá lớn.
Hổng khung pháp lý
Ngoài lý do về việc giá khởi điểm chưa hợp lý khiến các cuộc đấu giá thất bại nhiều trong thời gian qua thì còn một nguyên nhân khác về khung pháp lý. Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày của Chính phủ ban hành ngày 26/6/2007 về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần đã có hiệu lực và thay thế Nghị định số 187/2004/NĐ-CP.
Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn Nghị định 109 chậm được ban hành, vì vậy, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong quá trình cổ phần hoá và cung cấp thông tin về doanh nghiệp đấu giá, chưa có biểu mẫu chuẩn về bản công bố thông tin. Vì vậy, việc cung cấp thông tin về doanh nghiệp đấu giá còn hạn chế, đôi khi chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.
Quy định đối với trường hợp số cổ phần nhà đầu tư từ chối mua nhỏ hơn 30% tổng số cổ phần chào bán thì ban chỉ đạo cổ phần hoá xem xét bán tiếp theo phương thức thoả thuận cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá với giá bán không thấp hơn giá đấu thành công bình quân (bao gồm cả giá của nhà đầu tư từ chối mua), khiến cho việc bán tiếp số cổ phần nhà đầu tư từ chối mua nhiều khi không thành công do giá đấu thành công bình quân quá cao.
Thêm vào đó, hệ thống đăng ký đấu giá sử dụng đường truyền kết nối dial up, việc nhập đăng ký tại các đại lý đấu giá thường chậm. Những cuộc đấu giá có quy mô lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia, việc nhận đăng ký đấu giá của các đại lý thường quá tải, không nhập kịp đăng ký của nhà đầu tư vào hệ thống đấu giá theo đúng thời gian quy định và thường phải chuyển hồ sơ lên Trung tâm nhập đăng ký.
Nhiều công ty chứng khoán mới thành lập xin đăng ký làm đại lý, còn thiếu các cán bộ có chuyên môn và kinh nghiệm làm việc, nhận thức chưa đúng về vị trí của đại lý trong hệ thống đấu giá 2 cấp.
Vì vậy công tác tổ chức đấu giá nói chung và nhận đăng ký, tổng hợp kết quả thanh toán nói riêng còn chậm, không chính xác, phải rà soát nhiều lần nên chưa đáp ứng được yêu cầu của trung tâm, doanh nghiệp đấu giá, ảnh hưởng đến kết quả và tiến độ của một số cuộc đấu giá.
Theo quy định hiện tại, mỗi nhà đầu tư chỉ được phát một phiếu tham dự đấu giá. Trường hợp một tổ chức nhận uỷ thác đầu tư cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước chưa có quy định cụ thể nên tổ chức đó vẫn được hiểu là một nhà đầu tư và được phát một phiếu tham dự đấu giá. Do vậy, kết quả đấu giá trong những trường hợp này chưa phản ánh đúng kết quả của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Thời hạn thanh toán của nhà đầu tư là 15 +2+2 (nhà đầu tư thanh toán trong vòng 15 ngày làm việc, đại lý kiểm tra đối chiếu 2 ngày và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán tổng hợp 2 ngày là chưa hợp lý trong cơ chế đấu giá 2 cấp như hiện nay đã và đang gây áp lực trong trong việc kiểm tra, đối chiếu và tổng hợp kết quả thanh toán, đặc biệt đối với các cuộc đấu giá lớn nhiều nhà đầu tư trúng giá nhưng chỉ thanh toán một phần dễ dẫn đến sai sót trong tổng hợp kết quả thanh toán.
Kiến nghị của Trung tâm
Để nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá trong thời gian tới, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã kiến nghị với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định 109/2007/NĐ-CP để Trung tâm Giao dịch Chứng khoán và các doanh nghiệp cổ phần hoá có căn cứ thực hiện, trong đó quy định bản công bố thông tin mẫu, trong đó quy định chi tiết các thông tin doanh nghiệp phải công cố và những người chịu trách nhiệm chính đối với nội dung thông tin công bố.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, số lượng cổ phần bán đấu giá lớn, thì nên yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp đấu giá phải công bố bản công bố thông tin bằng 2 ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt để phục vụ nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo cơ hội khuyến khích vốn đầu tư nước ngoài.
Trung tâm cũng kiến nghị việc tăng tỷ lệ đặt cọc lên từ 20-30%/giá khởi điểm để giảm tỷ lệ bỏ cọc của nhà đầu tư trúng giá. Riêng về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và khối lượng cổ phần mỗi tổ chức, cá nhân được mua tối đa (nếu có), Trung tâm cho rằng cần quy định cụ thể trong Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hoá cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án.
Cùng với đó là kiến nghị về rút ngắn thời gian thanh toán tiền trúng giá mua cổ phần của nhà đầu tư xuống còn 10 ngày làm việc, thời hạn kiểm tra đối chiếu của đại lý là 3 ngày và thời gian tổng hợp kết quả thanh toán của Trung tâm là 3 ngày...
TBKTVN
|