Thứ Năm, 27/12/2007 07:49

Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam

Năm 2007 sẽ kết thúc trong vài ngày nữa. Đã đến lúc cần nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam, ngõ hầu có thể giúp ích cho việc nghiên cứu, đánh giá.

Thứ nhất, trên hai sàn, hiện có 249 công ty niêm yết và chứng chỉ quỹ (sàn TP.HCM 138, sàn Hà Nội 111). Mặc dù tăng khá so với thời điểm khi mới hoạt động cũng như một số thời điểm trước đây (cuối năm 2006 có 193, cuối năm 2005 có 41), nhưng nếu so với số lượng công ty cổ phần hiện hữu ở Việt Nam thì chiếm chưa được 2%. Đó là một tỷ lệ rất thấp. Có hai vấn đề đặt ra. Một mặt, cần đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và phát triển mạnh hơn nữa số lượng công ty cổ phần không có vốn nhà nước. Mặt khác, cần thúc đẩy, tạo điều kiện cho các công ty cổ phần thực hiện niêm yết trên sàn chính thức, vì đây là một trong những chỉ báo quan trọng không chỉ phản ánh quy mô mà còn phản ánh cả mức độ phổ cập của thị trường chứng khoán Việt Nam. Số công ty chứng khoán hiện có là 74, cao hơn số 55 của 2006 và 14 của 2005. Số công ty quản lý quỹ hiện có 24, tăng so với 18 của 2006 và 6 của 2005.

Thứ hai, tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết đạt trên 5,5 tỉ đồng, cao gấp hơn 2 lần cuối năm 2006 và gấp 15 lần năm 2005.

Thứ ba, tổng giá trị vốn hóa thị trường - một trong những chỉ báo có tầm quan trọng hàng đầu phản ánh quy mô thị trường chứng khoán - đến nay đã đạt khoảng 491 nghìn tỉ đồng (sàn TP.HCM 361 nghìn tỉ đồng, sàn Hà Nội 130 nghìn tỉ đồng). So với GDP tính theo giá thực tế năm 2007 (ước đạt 1.140 nghìn tỉ đồng), thì tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 43%, cao hơn rất nhiều so với các thời gian trước đây; thuộc loại khá cao đối với một số nước mà thị trường chứng khoán mới ra đời cách đây dăm bảy năm; vượt xa mục tiêu đề ra cho đến năm 2010. Tuy nhiên, nếu tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái, thì tổng giá trị vốn hóa thị trường của Việt Nam mới đạt khoảng 30,7 tỉ USD, còn thấp xa so với quy mô của các thị trường trong khu vực, ở châu Á và trên thế giới.

Thứ tư, số lượng công ty niêm yết tăng lên, nhưng các "đại gia" mới chỉ có lác đác. Các "đại gia" đã niêm yết có giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 1.000 tỉ đồng (tức đạt trên 62,5 triệu USD) ở cả hai sàn mới đạt 70 (sàn TP.HCM 53, sàn Hà Nội 17), trong đó số đạt từ 10 nghìn tỉ đồng trở lên (tức trên 625 triệu USD) mới có 12 (sàn TP.HCM có 9, đứng đầu là VNM trên 29,4 nghìn tỉ đồng, tiếp đến là STB gần 28,7 nghìn tỉ đồng, DPM trên 27,5 nghìn tỉ, FPT trên 20,4 nghìn tỉ, SSI trên 19,8 nghìn tỉ, PPC trên 19 nghìn tỉ, PVD 16,3 nghìn tỉ, HPG trên 12,4 nghìn tỉ, VIC 12,4 nghìn tỉ; sàn Hà Nội có 3, đứng đầu - đồng thời cũng đứng đầu cả nước - là ACB gần 42,6 nghìn tỉ, tiếp đến là KBC 17,8 nghìn tỉ, PVS trên 11,9 nghìn tỉ). Như vậy, công ty niêm yết giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam cho đến nay đạt chưa được 2,7 tỉ USD và số công ty niêm yết đạt từ 1 tỉ USD trở lên hiện mới có 10. Vấn đề đặt ra là cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và đưa lên thị trường niêm yết các "đại gia" (tổng vốn sản xuất kinh doanh theo sổ sách của doanh nghiệp nhà nước hiện có 1.338,2 nghìn tỉ đồng, nếu được đấu giá thì sẽ gấp nhiều lần con số đó).

Thứ năm, số nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán chính thức hiện có trên 307 nghìn tài khoản, mặc dù tăng nhanh so với các thời điểm trước đây, nhưng so với dân số thì chiếm chưa đến 0,4%, thấp rất xa so với nhiều nước trong khu vực, ở châu Á và trên thế giới (Trung Quốc là 7%).

Đáng lưu ý, trong tổng số nhà đầu tư, nếu như ở các nước, nhà đầu tư tổ chức chiếm khoảng 70%, còn nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 30%, thì trên thị trường chứng khoán Việt Nam các con số trên đã ngược lại: số nhà đầu tư cá nhân chiếm 70%, các nhà đầu tư tổ chức chỉ chiếm 30%. Chính tỷ trọng đảo ngược này cộng với nguồn vốn còn phụ thuộc lớn từ  nguồn vay ngân hàng của các nhà đầu tư cá nhân, nên tính đầu tư theo phong trào còn khá nặng; khi giá chứng khoán xuống thường ào ào bán ra, khi giá lên lại đẩy mạnh mua vào, vừa làm cho thị trường dễ biến động mạnh mà hậu quả làm cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ bị thua lỗ nặng.

TN

Các tin tức khác

>   Chứng khoán MHBS chuẩn bị tăng vốn lên 300 tỷ đồng (27/12/2007)

>   Vì sao IFC giảm tỷ lệ sở hữu tại Sacombank? (27/12/2007)

>   Thị trường chứng khoán Việt Nam (26/12/2007)

>   Thuỷ sản Ngô Quyền được chấp thuận niêm yết trên HASTC (27/12/2007)

>   Thông tin nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (26/12/2007)

>   TS4: Thông báo ngày ĐKCC phát hành thêm cổ phiếu đợt 2, tạm ứng cổ tức 6 tháng cuối năm 2007 và quyền mua căn hộ chung cư (26/12/2007)

>   SAV: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (26/12/2007)

>   TDH: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (26/12/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho CTCP Sách và Thiết bị trường học Tp.HCM (26/12/2007)

>   SAM: Nghị quyết Đại Hội đồng cổ đông (26/12/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật