Phát hành tăng vốn ra sao cho hiệu quả?
Việc các doanh nghiệp phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ không còn xa lạ với thị trường trong thời gian gần đây.
Nhưng làm thế nào để sử dụng được và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn huy động đang là mối quan tâm của cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Từ đầu năm 2007, thông tin doanh nghiệp tăng vốn được nhiều nhà đầu tư đánh giá là hội đồng quản trị của doanh nghiệp đó năng động và công ty có triển vọng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các cổ đông đã thận trọng hơn trước thư xin biểu quyết kế hoạch tăng vốn của doanh nghiệp.
Thị trường vốn Việt Nam được đánh giá là trẻ trung, năng động và đang trong giai đoạn “tích luỹ”. Vì vậy, trước khi diễn ra xu thế mua bán và sáp nhập mạnh mẽ, việc doanh nghiệp tăng quy mô thông qua hình thức tăng vốn trên thị trường này là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không khỏi lo ngại trước cách đầu tư của nhiều doanh nghiệp.
Năm 2008, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB) có kế hoạch tăng vốn từ 20-30% cho cổ đông hiện hữu, 15% trả cổ phiếu bằng cổ tức, dự kiến vốn điều lệ của STB trong năm 2008 đạt 6.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của ngân hàng sẽ đạt trên 9.000 tỷ đồng. Giải thích cho kế hoạch này của STB, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị nói:
“Tôi đã nghiên cứu kỹ về tính bền vững và giá trị gia tăng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng tại các nước đang phát triển. Riêng các ngân hàng thương mại cổ phần có định hướng chiến lược tốt, quy mô hoạt động rộng khắp thì việc tăng vốn phục vụ cho nhu cầu phát triển là đương nhiên. Trong 2007-2008, các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô đều có kế hoạch tăng vốn, điều này hoàn toàn phù hợp với chiến lược của họ.”
Công ty Cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông (Sacom) cũng đã công bố kế hoạch chào bán 17.060.572 cổ phần. Số tiền thu được sẽ chi dùng cho các dự án: dự án sản xuất cáp quang (88 tỷ đồng), dự án Sacom Resort-Đà Lạt (160 tỷ đồng), dự án PCP-Campuchia (78,4 tỷ đồng), dự án cao ốc văn phòng Tp.HCM (500 tỷ đồng), góp vốn vào TSC từ 30% lên 40% (116,5 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (hơn 677 tỷ đồng).
Từ các con số trên dễ dàng nhận thấy, kế hoạch huy động vốn để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cáp quang, một chuyên ngành và là thế mạnh của Sacom lại chiếm một tỷ lệ ít hơn hẳn so với các dự án đầu tư khác.
Ngoài ra, ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc Sacom cũng cho biết: “Năm nay Sacom đầu tư khoảng 300 tỷ đồng vào quỹ đầu tư tài chính. Trong khi nguồn vốn thặng dư lớn, đầu tư vào bất động sản đòi hỏi một quá trình, thường mất đến nửa năm kể từ khi nhen nhóm đến lúc khởi công. Nếu tiền cứ để ở ngân hàng thì lợi nhuận không bằng đầu tư tài chính".
Với những dự án không chuyên, vấn đề lớn nhất doanh nghiệp gặp phải là nhân lực. Trước thắc mắc về nhân lực của các dự án trái ngành này, giám đốc một doanh nghiệp nói: “Vì không có nhân lực trong lĩnh vực này nên chúng tôi kết hợp với một đối tác dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đồng thời, với những mối quan hệ tốt họ có thể đem về những dự án ở miền Bắc rất hiệu quả, theo tôi, đầu tư không chuyên cũng là cơ hội để tận dụng khi chọn được đối tác đủ khả năng”.
Như vậy, việc thẩm định dự án không chuyên lại phụ thuộc phần lớn vào đơn vị đối tác và liệu những doanh nghiệp có thặng dư vốn dồi dào thông qua huy động vốn trên thị trường có nên tìm cách “gửi trứng” như thế này không?
Theo phân tích của TS. Đào Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công ty tăng vốn có hai trường hợp, tích cực hoặc kém tích cực. Khi công ty chuyển vốn chủ sở hữu thành vốn điều lệ thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, chia tách cổ phiếu, thưởng cổ phiếu thì vốn chủ sở hữu không thay đổi. Như vậy, tỷ lệ sở hữu trên vốn chủ sở hữu không thay đổi và doanh nghiệp có vốn để mở rộng sản xuất, đây là trường hợp tích cực.
Trường hợp công ty phát hành cổ phiếu đi kèm với việc tăng nguồn tài chính thông qua việc thu tiền mua cổ phần từ cổ đông, cách tăng vốn này sẽ khiến EPS giảm, cổ tức trên một cổ phiếu cũng giảm. Nếu kế hoạch kinh doanh của công ty tốt sẽ mang lại mức sinh lợi cao hơn chi phí vốn và ngược lại. Tuy nhiên, lợi nhuận cao không thể tức thời có được và trong thời gian đó, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bị pha loãng. Trường hợp này kém tích cực hơn.
Việc tăng vốn còn ảnh hưởng đến tâm lý vì nhà đầu tư thiếu khả năng thẩm định. “Tôi đặt niềm tin vào hội đồng quản trị và bộ máy thẩm định dự án của công ty, chính tôi cũng không dám khẳng định về tính khả thi của dự án”. Câu trả lời của các cổ đông thường chung chung như vậy. Thế nhưng, chính các doanh nghiệp cũng chưa thể đảm bảo hoàn toàn về các dự án “tay chiêu” vì không thuộc chuyên ngành của họ.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định: “Các công ty đồng loạt tăng vốn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và bằng kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, rất sớm nhiều công ty sẽ phải lùi kế hoạch tăng vốn vì sẽ không khả thi”.
Trước lo lắng của thị trường về kế hoạch tăng vốn và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, ông Đặng Văn Thành trấn an bằng quan điểm: Tất cả các đơn vị tăng vốn đều có kế hoạch sử dụng cho hiệu quả nhất với các chỉ tiêu tài chính, an toàn vốn, phục vụ cho cơ sở vật chất, đầu tư về nguồn nhân lực, công nghệ. Hơn nữa, việc tăng vốn cũng nằm trong mục đích có thực là xuất phát điểm của các doanh nghiệp Việt Nam là thấp vì vậy các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để huy động được nguồn vốn giá rẻ.
Tuy nhiên, việc tăng vốn ồ ạt cũng làm tăng cung và kéo thị trường chứng khoán đi xuống. “Theo tôi, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ. Có những trường hợp cá biệt mà không nên đặt ra làm xu hướng của tất cả doanh nghiệp”, ông Thành chia sẻ.
TBKTVN
|