Nhận diện tương quan thị trường
Việc tăng vốn đồng loạt của nhiều doanh nghiệp, ngân hàng thương mại vào thời điểm cuối năm, trùng với IPO Ngân hàng Vietcombank khiến nhiều người lo ngại về sức ép đối với nguồn tiền để đáp ứng nguồn cung cổ phiếu dồi dào. Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia, sức ép này chủ yếu là do tâm lý của thị trường.
Chuyên gia chứng khoán Huỳnh Anh Tuấn, CTCK ACBS nhận xét: "Khi Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN, thị trường tăng ào ào, không biết nguồn tiền ở đâu ra. Tôi nghĩ, luồng tiền còn rất lớn, chẳng qua do tâm lý do dự của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nên tiền chưa đổ vào thị trường mà nằm ở đâu đó, hoặc dưới dạng đầu tư khác".
Tâm lý thị trường ở đây, theo ông Tuấn, đối với các nhà đầu tư nước ngoài là chưa đánh giá hết khủng hoảng cho vay nhà đất ở Mỹ, không rõ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có cắt giảm lãi suất hay không. Còn đối với nhà đầu tư trong nước, vẫn còn nhiều do dự về thị trường vì thông tin nhiều doanh nghiệp sẽ phát hành thêm cổ phiếu, nguồn cung tăng cao trong khi khó thể đo lường được nguồn cầu là bao nhiêu. Về mặt tâm lý thì nhiều khả năng nhà đầu tư đánh giá cung tạm lớn hơn cầu.
Từ góc độ đánh giá độc lập, chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng, số lượng cổ phiếu phát hành mới không đáng ngại vì có một lượng tiền khá dồi dào nằm đợi sẵn chờ cơ hội đầu tư. Vấn đề là phát hành cổ phiếu mà không có dự án kinh doanh đầu tư hiệu quả mới đáng lo ngại. "Tôi quan sát thấy số lượng doanh nghiệp phát hành cổ phiếu có dự án tốt rất nhiều nhưng lẫn lộn trong đó có những doanh nghiệp tranh thủ thị trường để thu tiền về mà chưa biết sử dụng như thế nào", ông Nam cho biết.
Trong khi có nhiều ý kiến lo ngại về việc ồ ạt phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp có thể giữ TTCK ở thế giằng co, khó bật lên được, thì thông tin về việc tăng vốn của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục được đưa ra, đặc biệt ở nhóm các ngân hàng thương mại. Bởi thời điểm cuối năm rất phù hợp để các ngân hàng tăng vốn. Thứ nhất, ngân hàng cần lượng vốn lớn để cho vay. Thứ hai, lợi nhuận của ngân hàng đã rõ ràng và hấp dẫn nhà đầu tư ở chỗ, chỉ cần bỏ tiền đầu tư vào tháng cuối năm là sẽ sớm được nhận cổ tức.
Một điểm cần lưu ý là dù các thông tin tăng vốn được đưa ra vào thời điểm này nhưng nhiều đợt phát hành thực chất là hợp thức hoá các thoả thuận mua bán đã thực hiện giữa các đối tác. Rất nhiều doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ và trước khi công bố phương án chính thức, khối lượng cổ phiếu được chào bán đều đã có đối tác chiến lược đặt mua. Lượng cổ phiếu bán ra thị trường hoặc cho cổ đông hiện hữu chiếm tỷ lệ không lớn, trong khi đó lượng bán với giá thấp hoặc thưởng cổ phiếu chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Do đó, các nhà đầu tư cá nhân không nên quá lo lắng về việc cung sẽ vượt xa cầu, làm TTCK đi xuống như một số cảnh báo. "Mặc dù mức độ đón nhận đợt đấu giá cổ phiếu Vietcombank của các nhà đầu tư cá nhân không quá hưng phấn do thời gian chờ đợi kéo dài nhưng không nên lo ngại đấu giá cổ phiếu Vietcombank sẽ như Đạm Phú Mỹ hay Bảo Việt, vì mức độ quan tâm của nhà đầu tư đến cổ phiếu này lớn hơn", ông Tuấn nhận xét. Cho đến nay, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, đợt đấu giá cổ phiếu Vietcombank sẽ thành công. Phản ứng của nhà đầu tư trên thị trường đã thể hiện điều này khi giá cổ phiếu STB của Sacombank tăng từ hơn 60.000 đồng/cổ phiếu lên 70.000 đồng/cổ phiếu trong những phiên giao dịch tuần trước.
Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, không có cơ sở nào để lo ngại cung vượt cầu vì đơn giản không ai có thể biết cầu, hay cụ thể lượng tiền có thể đổ vào TTCK Việt Nam là bao nhiêu. Vấn đề là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế Việt Nam trong thu hút nguồn vốn đầu tư. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, luồng tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam lưu thông với dòng tiền đầu tư trên thế giới qua nhiều kênh khác nhau như các quỹ đầu tư lớn của nước ngoài, kiều hối… Nhiều nguồn tin cho biết, nguồn vốn huy động của các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài đang rất lớn, hiện nằm chờ để giải ngân.
ĐTCK
|