Ngân hàng lo không kịp 'về đích' với dư nợ chứng khoán 3%
Trong khi một số ngân hàng đã hoàn thành nhanh chóng việc thu hồi vốn cho vay đầu tư chứng khoán theo Chỉ thị 03, nhiều ngân hàng cỡ lớn vẫn khó xoay sở đưa tỷ lệ này về mức cho phép khi hạn chót 31/12 đã gần kề.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là một trong những nhà băng đầu tiên giữ tỷ lệ dư nợ chứng khoán thấp hơn mức cho phép, thường xuyên trên dưới 1,7%.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) và Công thương Việt Nam (Incombank) cũng là những nhà băng duy trì mức dư nợ chứng khoán thấp, trong đó Incombank chỉ khoảng 1%, hai đơn vị còn lại đều ở dưới 3%. Các ngân hàng này đa phần có tỷ lệ dư nợ chứng khoán thấp ngay từ đầu, nên hầu như không có khó khăn khi thu hồi vốn.
Ngân hàng Nhà nước mới đây thông báo sẽ tăng cường kiểm soát hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán của các ngân hàng, thanh tra các nhà băng có tỷ lệ này vượt mức 3% cho phép. Theo đó, các ngân hàng cố tình vi phạm, như tiếp tục cho vay sau khi đã có Chỉ thị 03, sẽ bị xử lý.
Chính phủ cũng đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đầu tư chứng khoán, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống tín dụng, tiền tệ.
Một đại diện của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay, các trường hợp có tỷ lệ dư nợ cao chủ yếu rơi vào các ngân hàng cổ phần lớn, bởi các nhà băng nhỏ chưa kịp thu hút nhiều khách hàng trước khi Chỉ thị 03 được ban hành. Theo ông này, Á Châu, Đông Á, Thương Tín (Sacombank), An Bình và Phương Nam là những nhà băng đang gặp khó trong việc "co" tỷ lệ dư nợ về 3%. Giờ đã là cuối năm, khả năng tăng tổng dư nợ để đưa tỷ lệ cho vay chứng khoán về 3% cũng không thể thực hiện được.
Vị đại diện này cho hay, quan điểm của VNBA là tuân thủ nghiêm chỉnh Chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, hiệp hội cũng cho rằng, với một số trường hợp ngân hàng cụ thể, cần xem xét thời gian đáo hạn để xác định nhà băng có vi phạm quy định hay không.
VNBA vừa gửi công văn đề xuất Ngân hàng Nhà nước cân nhắc trước khi xử lý các nhà băng chưa kịp đáp ứng yêu cầu. Theo dự báo của Hiệp hội, nhiều ngân hàng không thể rút tỷ lệ về mức 3% do có hợp đồng ký trước 30/6 (thời điểm Chỉ thị 03 có hiệu lực) và đáo hạn sau 31/12. Theo VNBA, ngoài việc thuyết phục khách hàng trả nợ, các ngân hàng này không thể buộc khách hàng hoàn nợ trước thời hạn, vì như vậy là vi phạm hợp đồng đã ký kết hợp pháp.
VnE
|